Khe hở môi - vòm miệng (KHMVM) là dị tật hàm mặt bẩm sinh, biểu hiện bởi sự tách rời, không liên tục của môi và vòm miệng. Đây là loại dị tật hàm mặt phổ biến nhất, tỷ lệ trung bình cứ 600 - 800 trẻ châu Á mới sinh thì có 1 trẻ bị KHM-VM.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân có thể gây ra KHM-VM, bao gồm yếu tố bên trong (chủng tộc, tuổi tác, di truyền...) hay bên ngoài môi trường (virut, vi khuẩn, độc tố, thuốc, rượu, thuốc lá, thiếu vitamin B và acid folic,...). Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới quá trình ráp dính của da và cơ hai bên môi vào khoảng tuần thứ 3 - 5 của thai kỳ, dẫn đến trẻ sinh ra bị khe hở môi. Với khe hở vòm miệng, quá trình gắn kết của thành xương và niêm mạc hai bên vòm miệng bị ảnh hưởng vào khoảng tuần thứ 8 - 12 của thai kỳ. Như vậy, tất cả trẻ sinh ra đều có thể bị KHM - VM nếu như mẹ của trẻ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ.
Hình minh hoạ trẻ bị khe hở môi và vòm miệng. Hình minh hoạ trẻ bị khe hở môi
Khi nào cần điều trị?
Quá trình điều trị bắt đầu sớm, ngay từ khi trẻ được chẩn đoán bị KHM-VM (trước khi trẻ chào đời). Cha mẹ của trẻ được tư vấn về bản chất của dị tật, tư vấn về di truyền, chuẩn bị tâm lý và kiến thức cần thiết về dị tật của trẻ. Các quy trình lập hồ sơ quản lý và theo dõi cũng được thực hiện ở thời gian này.
Giai đoạn mới sinh, trẻ được khám toàn diện để chẩn đoán KHM-VM và các dị tật khác kèm theo. Tùy theo loại và độ rộng của KHM-VM, trẻ thường gặp khó khăn khi bú mẹ ở các mức độ khác nhau. Trẻ bị khe hở môi thường không tạo được vòng miệng kín quanh vú khiến trẻ không bú được tốt. Trẻ bị khe hở vòm miệng bú mẹ ít hiệu quả, dễ sặc trớ do khe hở làm thông khoang mũi và miệng. Do vậy, trẻ không nhận được đủ nguồn nuôi dưỡng, kém phát triển, dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên và viêm tai giữa. Cha mẹ trẻ cần được tư vấn về cách cho trẻ ăn qua đường bú tự nhiên hoặc với bình sữa có cấu tạo phù hợp cho trẻ, biết cách phòng các bệnh tai mũi họng cho trẻ. Một số trẻ cần điều trị chỉnh hình trước phẫu thuật với máng bịt điều chỉnh cung hàm, khí cụ nâng mũi, băng giữ mấu tiền hàm. Các khí cụ này không chỉ giúp quá trình phẫu thuật hiệu quả hơn mà còn giúp việc cho trẻ ăn dễ dàng hơn.
Từ 3 - 6 tháng, trẻ được theo dõi phát triển chiều cao cân nặng, khi trẻ đủ tiêu chuẩn sức khỏe sẽ được phẫu thuật đóng khe hở môi. Mục tiêu của phẫu thuật là phục hồi, đóng kín khe hở môi, giúp trẻ có hình dáng cung môi, chiều cao môi và cánh mũi bình thường. Bên cạnh đó, trẻ cần được đánh giá định kỳ đáp ứng với âm thanh, phát hiện sớm và điều trị các bệnh viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
Từ 12 - 18 tháng (trước khi trẻ học nói), trẻ được phẫu thuật đóng khe hở vòm miệng và có thể đặt ống thông khí qua màng nhĩ nếu cần. Mục tiêu của phẫu thuật là đóng kín đường thông mũi miệng, đảm bảo chức năng nuốt và phát âm, phòng ngừa các biến chứng về tai. Giống như sau phẫu thuật đóng khe hở môi, cha mẹ của trẻ phải biết được cách thức chăm sóc vết mổ nhằm đảm bảo quá trình lành thương tốt nhất, sẹo sau mổ đạt thẩm mỹ cao nhất. Với trẻ chuẩn bị phẫu thuật đóng khe hở vòm miệng, trẻ phải thích ứng được với việc cho ăn bằng thìa từ trước khi phẫu thuật, bởi thời gian đầu sau khi mổ, trẻ không được bú bình hay bú mẹ nhằm tránh bục vết mổ hay chảy máu sau mổ.
Từ 2 - 5 tuổi, giai đoạn trước khi trẻ đến trường, trẻ thường gặp vấn đề như rối loạn phát âm, các bệnh lý răng miệng,... Trẻ thường chậm nói, phát âm không chuẩn những âm môi (b, m, v, ph), âm vòm mềm (c, ch, kh, ng) hoặc các âm răng môi (t, d, s, n). Các phương pháp trị liệu ngôn ngữ (thời gian từ 6 tháng đến 1 năm) sẽ giúp trẻ đạt được khẩu hình đúng, phát âm chuẩn. Từ đó, trẻ tự tin, không mặc cảm trong giao tiếp. Các bệnh lý sâu răng, viêm lợi rất thường gặp ở trẻ trong giai đoạn này. Cha mẹ cần được hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng cho trẻ cũng như cho trẻ đi khám răng định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị sớm. Trong độ tuổi này, trẻ bắt đầu có những nhận thức về bản thân, cha mẹ cần hỗ trợ, khuyến khích trẻ hòa đồng. Một số can thiệp phẫu thuật chỉnh sửa môi, mũi có thể xem xét thực hiện trong giai đoạn này giúp trẻ không mặc cảm, tự tin đến trường, giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh.
Từ 6 - 15 tuổi, trẻ bị KHM-VM, đặc biệt là trẻ bị khe hở vòm miệng, do ảnh hưởng của sẹo mổ sau phẫu thuật làm xương hàm trên kém phát triển, bị bó hẹp, khiến các răng mọc lệch lạc và chen chúc. Trẻ cần được điều trị chỉnh nha với các khí cụ chỉnh hình, kích thích nong rộng cung hàm và các khí cụ giúp làm thẳng đều các răng. Khi răng nanh vĩnh viễn mọc (khi trẻ được khoảng 7 - 9 tuổi), phần xương cần cho răng mọc bị khuyết thiếu có thể được sửa chữa bằng phẫu thuật ghép xương ổ răng. Khi trẻ 8 - 12 tuổi, giai đoạn hàm răng hỗn hợp, điều trị chỉnh nha trong giai đoạn này với sự hỗ trợ của mắc cài sẽ giúp đưa các răng về đúng vị trí, sắp thẳng đều trên cung hàm. Cuối cùng, sau khi điều trị nắn chỉnh răng, các răng bị thiếu trên cung hàm sẽ được phục hình bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Giai đoạn trưởng thành, các bất hài hòa phát triển giữa xương hàm trên và xương hàm dưới có thể cần được điều trị bằng phẫu thuật chỉnh hình xương khi xương đã chậm hoặc dừng phát triển (thường khi ngoài 20 tuổi). Giai đoạn này cũng có thể thực hiện các phẫu thuật sửa chữa và thẩm mỹ theo nhu cầu của bệnh nhân và chỉ định của các chuyên ngành khác (như sửa sẹo xấu môi và mũi, tạo hình mũi, đóng lỗ thông mũi - miệng,...).
Điều trị với một kế hoạch toàn diện và lâu dài, bắt đầu ngay trong những tháng đầu sau sinh, phối hợp nhiều quy trình, nhiều chuyên khoa (nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt, phẫu thuật tạo hình, ngôn ngữ học, tâm lý trị liệu,...). Vì vậy, cần có kế hoạch điều trị lâu dài, cụ thể đối với trẻ bệnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến chức năng và thẩm mỹ do khe hở gây ra.
TS. Võ Trương Như Ngọc