Gia đình bệnh nhi cho biết trong lúc cháu đùa nghịch tranh giành chiếc đồng xu với em trai không may để đồng xu rơi vào cổ họng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, cháu bị nôn ọe, khó thở. Các bác sĩ đã nhanh chóng chụp phim X-quang vùng ngực-cổ để xác định vị trí dị vật. Hình ảnh X-quang cho thấy có dị vật cản quang ở vùng cổ, vị trí thực quản. Ngay trong đêm, nhóm hội chẩn bao gồm bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, bác sĩ Tiêu hóa, bác sĩ Cấp cứu đã chỉ định nội soi cấp cứu và gắp ra từ thực quản bệnh nhi dị vật là một đồng xu loại 5 Bat (tiền Thái Lan) có kích thước 2,5 x2,5 cm.
Hình ảnh đồng xu trên phim chụp X-quang
Sau khi được gắp dị vật ra ngoài, bé Quân đã tỉnh táo, hết khó thở và ngay sáng hôm sau (11/04) cháu đã ăn uống bình thường trở lại và các bác sỹ đã cho cháu ra viện.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh-khoa Cấp cứu chống độc, hóc dị vật là tai nạn rất thường gặp ở trẻ em đặc biệt là các bé nhỏ do trẻ hay tò mò, hiếu động và thường có thói quen cho đồ vật lạ vào miệng.
Dị vật có thể là đồ chơi hoặc đồ vật có kích thước nhỏ (đồng xu, cúc áo). Những đồ vật này rất dễ rơi vào đường thở, gây tắc nghẽn đường thở, ngạt thở, suy hô hấp và có thể dẫn tới hậu quả vô cùng nguy hiểm, thậm chí tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.
Đồng xu sau khi được các bác sĩ lấy ra
Điều quan trọng đối với bố mẹ khi thấy trẻ bị sặc dị vật thì cần tiến hành đánh giá tình trạng của trẻ và xử trí sơ cứu tại chỗ nếu trẻ bị dị vật đường thở có suy hô hấp và sau đó phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Khi thấy trẻ bị sặc dị vật, bố mẹ cần nhanh chóng tiến hành đánh giá tình trạng của trẻ. Trường hợp bé bị dị vật đường thở có suy hô hấp, cha mẹ cần xử trí sơ cứu tại chỗ rồi nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.