1. Trẻ bị ho - có cần dùng thuốc trị ho?
Ho là một phản xạ có lợi, nhằm giúp đẩy những dị vật như đờm (nếu có), vi khuẩn, virus hay đồ ăn bị sặc ra khỏi đường hô hấp. Trong phần lớn các trường hợp khi trẻ bị ho không cần sử dụng thuốc giảm ho. Tuy nhiên, thực tế lâm sàng, không ít phụ huynh sau khi cho con đi khám bệnh, mặc dù bác sĩ không kê đơn thuốc trị ho, nhưng vẫn tự y mua thuốc giảm ho cho trẻ uống.
Việc dùng thuốc giảm ho hầu như không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho trẻ. Với cảm thông thường, chủ yếu là do virus, nếu trẻ được chăm sóc và vệ sinh mũi họng đúng cách thì chỉ sau 1 tuần thì các triệu chứng ho sẽ giảm và hết. Nếu cho trẻ dùng thuốc ho, cũng cần thời gian 1 tuần thì triệu chứng ho mới giảm. Do đó, chỉ nên dùng thuốc khi tình trạng ho của trẻ khiến bé quấy khóc, sốt, biếng ăn… và đã được bác sĩ chuyên khoa nhi khám và chỉ định dùng thuốc. Quan trọng nhất là tìm và điều trị nguyên nhân gây ho.
2. Thận trọng với các thuốc giảm ho
Thuốc ho cho trẻ thông thường có chứa 2 thành phần chính là thuốc giảm ho trung ương và thuốc chống dị ứng. Thuốc có nguy cơ tiềm ẩn tác dụng phụ thần kinh đáng sợ trong khi hiệu quả giảm ho không đáng bao nhiêu. Tác dụng giảm ho là do dùng liều cao gây ức chế thần kinh trung ương.
Do đó các hiệp hội y khoa lớn trên thế giới đều đồng loạt khuyến cáo không sử dụng các chế phẩm, kể cả thuốc không kê đơn có chứa các thành phần tương tự để giảm ho trong bệnh cảm ở trẻ em đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi.
- Thuốc giảm ho: Thuốc có tác dụng giảm ho do ức chế trung tâm gây ho như codein, pholcodin, dextromethorphan. Trong đó codein và pholcodin có tác dụng gây nghiện, giảm đau và ức chế nhẹ trung tâm hô hấp. Thuốc ho có chứa codein chỉ dành cho người lớn, tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi vì gây ức chế hô hấp.
Dextromethorphan giảm ho do tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Hiệu lực giảm ho của dextromethorphan gần tương đương với codein nhưng ít gây tác dụng phụ ở đường tiêu hóa hơn. Dextromethorphan thường được phối hợp với nhiều chất khác trong điều trị triệu chứng đường hô hấp trên. Không dùng thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Thuốc kháng histamine: Một số thuốc kháng histamin chống dị ứng (kháng histamine thế hệ 1) đồng thời có tác dụng làm dịu, giảm ho và an thần như diphenylhydramin, chlopheniramin, alimemazine, promethazine. Thuốc được điều trị các chứng ho khan do dị ứng, kích ứng.
Nhược điểm chính của các thuốc này là gây buồn ngủ do tác động trên các thụ thể H1 ở não, vì vậy bất lợi khi dùng thuốc ban ngày nhưng thuận lợi khi dùng về đêm… Loại thuốc này cũng có tác dụng làm khô quách đặc dịch tiết, khó tống đờm, có thể gây ra cục đờm tắc nghẽn vì vậy không nên dùng trong trường hợp ho có đờm, người hen suyễn.
Thuốc giảm ho chỉ dùng cho trường hợp ho khan, không dùng khi ho có đờm và có triệu chứng suy hô hấp. Nên dùng liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian càng ngắn càng tốt để hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Không dùng đồng thời kết hợp thuốc giảm ho với thuốc long đờm vì đờm sẽ tiết nhiều hơn nhưng không ho khạc ra được.
Những thuốc trị ho phối hợp nhiều thành phần (neocodion, codepect, atussin, arsiba…) ngoài tác dụng phụ còn có thể có những tương tác bất lợi với các thuốc khác khi dùng cùng lúc.
3. Những thuốc trị ho nào an toàn cho trẻ?
- Nhóm có tác dụng ức chế ho, giảm ho, tác dụng lên ngoại biên như menthol, dầu khuynh diệp, gừng, eucalyptol… Lưu ý: Không dùng chế phẩm chứa methol cho trẻ em dưới 2 tuổi vì khả năng ức chế hô hấp. Với trẻ dưới 2 tuổi có thể dùng dầu khuynh diệp.
- Nhóm thuốc ho dược liệu thường chứa gừng, trần bì, mật ong, bạc hà có ưu điểm là an toàn. Tuy nhiên nhóm này điều trị ho chưa thực sự hiệu quả.
- Thuốc kháng H1: Các thuốc kháng histamine để điều trị ho, viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ chỉ nên dùng các loại an toàn như desloratadine, levocetirizine… có thể dùng được cho trẻ từ 6 tháng trở lên.
Trước khi cho trẻ dùng thuốc giảm ho, phụ huynh phải đánh giá tình trạng ho như sau:
- Ho đơn thuần hay ho là triệu chứng của cơn hen cấp. Nếu trẻ ho là do cơn hen cấp thì phải được điều trị như một cơn hen.
- Ho có phải do nguyên nhân hít sặc hay không? Trong trường hợp trẻ hít sặc thì cần đến ngay cơ sở y tế để được loại bỏ dị vật.
Mời độc giả xem thêm video:
Nghỉ hè: trẻ ăn gì đảm bảo sức khỏe và phòng bệnh mùa hè | SKĐS