Trẻ bị ho, cảm có cần bổ sung vitamin C và kẽm?

28-04-2022 19:13 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Như một thói quen, hễ trẻ bị ho, sổ mũi… phụ huynh thường nghĩ ngay tới các loại thuốc bổ cho con. Trong đó vitamin C và kẽm thường đươc sử dụng do quan niệm sẽ giúp tăng sức đề kháng. Vậy 2 loại thuốc này có thực sự cần thiết?

1. Vitamin C có lợi ích khi trẻ bị ho không?

Trong những thử nghiệm ngẫu nhiên từ năm 2013 đến nay, bổ sung vitamin C liều từ 200mg/ngày trở lên ngay sau khi khởi phát các triệu chứng ho đã không làm giảm được thời gian biểu hiện bệnh (có 7 thử nghiệm, với 3.249 đợt cảm lạnh) cũng như độ nặng của các triệu chứng (có 4 thử nghiệm với 2.708 đợt cảm).

Mặc dù không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào của vitamin C được báo cáo, nhưng lợi ích của vitamin C trong việc trợ giúp điều trị đợt cảm lạnh của trẻ là không rõ ràng. Do vậy không nhất thiết dùng vitamin C cho bé trong mỗi đợt cảm.

2. Kẽm có giúp giảm độ nặng cho trẻ bị ho?

Bác sĩ chuyên khoa nhi cũng không gợi ý việc sử dụng kẽm trong điều trị cảm lạnh thường ở trẻ em. Hiệu quả của kẽm trong việc làm giảm thời gian hay độ nặng của các triệu chứng ở trẻ em là không rõ ràng mà các tác dụng phụ của nó lại khá phổ biến.

Trẻ bị ho, cảm có cần bổ sung vitamin C và kẽm? - Ảnh 1.

Không nhất thiết phải bổ sung vi chất khi trẻ bị ho.

Mặc dù có một vài thử nghiệm ngẫu nhiên có hệ thống gợi ý rằng kẽm có thể rút ngắn thời gian của các triệu chứng nhưng lại có sự khác biệt đáng kể giữa các thử nghiệm này.

Một tổng quan hệ thống và phân tích từ 8 thử nghiệm (có 934 người tham gia, trong đó có 371 người lớn và 563 trẻ em), kẽm đã làm giảm được thời gian biểu hiện triệu chứng (1,65 ngày). 

Khi phân tích trong từng nhóm thì thấy kẽm làm giảm được thời gian biểu hiện triệu chứng ở người lớn (trung bình 2,63 ngày) nhưng ở nhóm trẻ em thì không (chỉ khác biệt 0,26 ngày).

Tác dụng của kẽm còn thay đổi tùy theo công thức của kẽm và liều của ion kẽm (kẽm acetate thì có hiệu quả, kẽm gluconate và kẽm sulfate thì không có hiệu quả, liều là trên 75mg thì hiệu quả hơn liều thấp hơn).

Nhưng các tác dụng phụ bao gồm:

- Vị khó chịu

- Buồn nôn

Các tác dụng phụ này phổ biến, góp phần làm kẽm trở nên khó sử dụng ở trẻ em.

- Các chế phẩm kẽm dùng tại mũi bao gồm vi lượng đồng căn nhỏ vào mũi (kẽm gluconate) có thể làm giảm lâu dài thậm chí mất hẳn khả năng ngửi. Do đó không khuyến cáo cho trẻ em sử dụng chế phẩm này.

Hiệu quả của kẽm đối với cảm lạnh thông thường ở trẻ thì ít và tác dụng phụ lại lớn hơn, do đó không nên dùng kẽm cho trẻ bị cảm.

Mời độc giả xem thêm video:

Tưng bừng khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2022

BS Trần Công
Ý kiến của bạn