Trẻ bị hen phế quản bao lâu thì khỏi?

25-12-2023 14:31 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Hen phế quản ở trẻ là tình trạng đường thở và phổi của trẻ bị viêm khi có các tác nhân gây dị ứng xâm nhập như bị cảm lạnh, hít phải phấn hoa, lông thú hoặc mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh hen phế quản bao lâu thì khỏi là vấn đề nhiều cha mẹ thắc mắc.

Hen phế quản ở trẻ mùa lạnh, cách xử trí đúng cơn hen cấpHen phế quản ở trẻ mùa lạnh, cách xử trí đúng cơn hen cấp

SKĐS - Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính hay gặp nhất ở trẻ em. Đây là tình trạng bệnh lý đa dạng, với đặc điểm là viêm mạn tính đường thở. Thời tiết lạnh ẩm khiến căn bệnh có xu hướng tái phát, gia tăng và làm nhiều bậc cha mẹ lo lắng vì bệnh thường kéo dài dai dẳng.

Bệnh hen phế quản có biểu hiện như thế nào?

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và hay tái phát với các triệu chứng khò khè, khó thở. Trên thực tế, nếu trẻ chỉ bị khò khè thì không phải là hen, nhưng có nguy cơ trở thành hen khi các triệu chứng khò khè hoặc ho kéo dài dai dẳng từ nhỏ đến lớn, mà nhiều khi do cha mẹ thường chủ quan không quan sát kỹ.

Đặc điểm của triệu chứng khò khè khi bị hen phế quản thường xuất hiện từng cơn, thoáng qua, kết hợp với nhiễm virus hoặc do nhiều yếu tố khởi phát như thay đổi thời tiết, dị ứng theo mùa… Triệu chứng khò khè thường xuất hiện trước 3 tuổi và kéo dài đến sau 6 tuổi, khò khè khởi phát muộn sau 3 tuổi có thể xuất hiện từng cơn hay do nhiều yếu tố khởi phát. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu thở khò khè thì gia đình cần đưa trẻ đi kiểm tra đường hô hấp ngay, để chặn nguy cơ thành hen phế quản.

Trong trường hợp không phát hiện bệnh kịp thời ở giai đoạn khò khè thì bệnh hen phế quản sẽ dần xuất hiện với các triệu chứng điển hình hơn. Trẻ bắt đầu viêm long đường hô hấp trên với các dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi… và xuất hiện cơn hen với các triệu chứng khò khè, đặc biệt vào nửa đêm về sáng, khó thở ra, có tiếng rít cò cử... hoặc nhiều trường hợp trẻ xuất hiện bệnh ở thể không điển hình, chỉ có viêm long đường hô hấp trên và thở khò khè.

Khi trẻ đã có những dấu hiệu rõ như trên thì nghe phổi sẽ có ran rít và ran ngáy, xét nghiệm máu sẽ thấy số lượng bạch cầu không tăng, chỉ tăng bạch cầu ái toan. Trong trường hợp hen bội nhiễm thì số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Khi đó chụp phổi thấy ứ khí phổi.

Trẻ em khi bị hen phế quản thường gặp phải những triệu chứng khó chịu, gây cản trở đến quá trình học tập, vui chơi, sinh hoạt, vận động và cả giấc ngủ. Nhiều trường hợp trẻ bị hen suyễn nếu không được kiểm soát và quản lý tốt có thể dẫn tới các cơn hen cấp tính vô cùng nguy hiểm.

Trẻ bị hen phế quản bao lâu thì khỏi?- Ảnh 2.

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp. Ảnh minh hoạ.

Hen phế quản bao lâu thì khỏi?

Có thể nói hen phế quản là dạng bệnh lý khiến tỷ lệ nhập viện cấp cứu của trẻ tăng cao. Bệnh không có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn nên các triệu chứng vẫn sẽ tiếp diễn, thậm chí là còn tăng nặng hơn cho tới khi trưởng thành.

Ở giai đoạn cấp tính, các biểu hiện của bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày hoặc hơn. Nếu được chữa trị đúng cách, bệnh sẽ không tái đi tái lại nhiều lần.

Đối với giai đoạn mạn tính thì các biểu hiện xuất hiện dai dẳng, có thể kéo dài đến vài tháng, thậm chí là vài năm. Bệnh có thể làm suy giảm chức năng của phổi và gây ra những tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Sau khi được điều trị, bệnh có nguy cơ tái phát cao.

Các yếu tố kích thích khiến trẻ có thể bị lên cơn hen là: Nhiễm trùng đường hô hấp (thường gặp nhất), thay đổi thời tiết, gắng sức, xúc cảm mạnh, chất có mùi nồng, khói bụi (hàng đầu là khói thuốc lá), thú có lông (chó, mèo), mạt bụi nhà, nấm mốc, thức ăn…

Cơn hen cấp tính ở trẻ có các mức độ khác nhau từ mức độ nhẹ đến trung bình, có thể nặng và nguy kịch. Mỗi lần trẻ lên cơn hen là mỗi lần trẻ có thể đối diện với nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc biết cách phát hiện dấu hiệu trẻ lên cơn (đặc biệt là những dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu) và biết cách giúp trẻ cắt cơn hen ngay tại nhà sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ này.

Các dấu hiệu cho biết một cơn hen đang đến là: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở. Trong trường hợp này nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng ngay thuốc cắt cơn dạng tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay phun khí dung).

Cần lưu ý là không nên dùng thuốc uống để cắt cơn hen, do thuốc có tác dụng yếu, chậm và có thể có nhiều tác dụng phụ hơn. Dù cho trẻ tốt lên cũng cần cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ.

Tóm lại: Tái khám định kỳ đầy đủ và tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố quan trọng giúp quản lý và điều trị hiệu quả bệnh hen ở trẻ.

Hen ở trẻ em chủ yếu thuộc tuýp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như Corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc Corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (ICS-LABA). Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen, đồng thời nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên thường gặp gây cơn hen cấp. Bạn có thể giúp con mình tránh khỏi nguy hiểm, bảo tồn chức năng phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ nếu chăm sóc đúng cách.

Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, điều này sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng.

Để đạt được kiểm soát thật tốt bệnh hen, cha mẹ nên giúp trẻ tuân thủ điều trị các thuốc dự phòng để ổn định bệnh, giảm tần suất lên cơn hen cấp và giữ chức năng phổi tốt. Cần đảm bảo chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần biết cách xử trí khi trẻ lên cơn hen cấp và đưa trẻ tái khám sớm hơn để được các bác sĩ đánh giá lại.

BS Nguyễn Thị Thuỳ
Ý kiến của bạn