Khoảng 5% trẻ bị dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn, các chất này được gọi là dị nguyên.
Theo nghiên cứu có khoảng 5% trẻ bị dị ứng thức ăn và tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, chúng ta có thể xác định được nguy cơ dị ứng của trẻ ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Ví dụ nếu cả bố và mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng, thì 50 - 80% con sẽ có nguy cơ; nếu một trong hai bố mẹ bị dị ứng thì khoảng 20 - 40% con có nguy cơ bị, ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng, vẫn có 5 - 15 % trẻ có nguy cơ mắc bệnh.
Theo các nghiên cứu gần đây, có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi, phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống và cách sống của từng cộng đồng, cá thể.
Thành phần gây dị ứng thức ăn ở trẻ em chủ đạo là các chất protein trong thực phẩm. Nguyên nhân do hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao, rất dễ phát triển thành dị ứng.
Ban đỏ, viêm da, mày đay, chàm, đau bụng và rối loạn tiêu hóa... là những triệu chứng thường xuất hiện trong các phản ứng dị ứng thức ăn. Một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao.
Biểu hiện dị ứng thức ăn ở trẻ
Trẻ có thể bị dị ứng thức ăn nếu như trẻ có những triệu chứng dị ứng xuất hiện trong vòng 2 giờ sau khi ăn:
- Sưng môi, lưỡi, miệng.
- Tiêu chảy hay nôn ói.
- Phát ban.
- Đỏ da kèm ngứa (nhất là khi trẻ bị chàm).
Những triệu chứng ít gặp hơn ở dị ứng thức ăn ở trẻ:
- Đau họng.
- Nghẹt mũi, chảy mũi hay hắt hơi.
Hiếm hơn, dị ứng thức ăn ở trẻ có thể có triệu chứng nặng, đe dọa tính mạng khởi phát đột ngột (gọi là phản ứng phản vệ):
- Khó thở.
- Khó nuốt.
- Trụy tim mạch.
- Thay đổi tri giác (bứt rứt, lú lẫn hay mê).
Khi trẻ bị chàm hay suyễn trước đây sẽ dễ bị dị ứng với thức ăn hơn những trẻ không có các bệnh lý này. Dị ứng thức ăn có thể gây nên các cơn suyễn, đau nửa đầu, đau bụng... ở những trẻ có tiền sử bị suyễn. Những trẻ này đồng thời sẽ có các biểu hiện dị ứng như đã liệt kê ở trên.
Dị ứng thức ăn có tính di truyền, nếu bố mẹ hay anh chị em trong nhà bị dị ứng thức ăn, trẻ cũng có thể bị dị ứng thức ăn.
Thức ăn gây dị ứng thường gặp nhất là gì?
Câu hỏi được nhiều cha mẹ lo lắng là thực phẩm nào dễ khiến trẻ bị dị ứng? Tùy theo từng trẻ sẽ có thể bị dị ứng với các thực phẩm khác nhau. Thực tế cho thấy: Lạc, trứng, sữa bò, sữa đậu nành, lúa mì… là những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất. Có khoảng trên 80% nguyên nhân gây dị ứng thức ăn bởi các thực phẩm này. Ngoài ra, cá, tôm, cua, sò... cũng chiếm trên 95% nguyên nhân gây dị ứng.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng, vì trẻ càng lớn thì vấn đề dị ứng thức ăn càng giảm dần và hết. Theo nghiên cứu, hơn ½ số trẻ bị dị ứng thức ăn trong năm đầu tiên sẽ hết dị ứng khi trẻ được 2 - 3 tuổi. một số dị ứng với thức ăn như sữa sẽ hết nhanh hơn. Khoảng 3 - 4% trẻ dị ứng với sữa bò, dị ứng với đậu, cá, tôm cua, sò... thường sẽ kéo dài.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?
Khi trẻ bị dị ứng, cha mẹ cần phải loại trừ nguyên nhân gây dị ứng và tránh cho trẻ tiếp xúc với các thứ đó. Nhiều khi phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn đối với trẻ.
Khi trẻ ăn dặm, cha mẹ cần cho ăn ít một, ăn từng loại thức ăn để thích ứng và để dễ phát hiện dị ứng ở trẻ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm nên bắt đầu với các thức ăn ít bị dị ứng như gạo và các loại củ.
Với trẻ bị mề đay, viêm thanh quản cấp sau khi ăn tôm và các loại thức ăn trứng, cá, đậu… cần tuyệt đối tránh ăn tôm hoặc các sản phẩm có chứa tôm, vì triệu chứng viêm thanh quản do dị ứng với tôm có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Tốt nhất cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng khi nghi ngờ con mình dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể cho trẻ thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt, sau đó sẽ đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cụ thể hơn.
Chúng ta không nên chờ khi con mình xuất hiện các triệu chứng dị ứng rồi mới phòng tránh. Những trẻ bị dị ứng thức ăn khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh dị ứng khác trong suốt cuộc đời như: viêm mũi dị ứng, chàm hoặc hen phế quản... Vì vậy, dựa vào tiền sử gia đình để xác định nguy cơ dị ứng cho trẻ ngay từ khi mang thai là cần thiết. Nếu xác định trẻ có nguy cơ cao, nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn như: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ.
Trường hợp không có sữa mẹ, nên sử dụng các công thức sữa giảm tính dị ứng với đạm thủy phân một phần, tránh sử dụng sữa bò. Không cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: Lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
Mời độc giả xem thêm video:
5 Loại Trái Cây Giúp Tăng Cường Miễn Dịch Khi Chuyển Mùa | SKĐS