Hà Nội

Trẻ bị căng thẳng tâm lý do COVID-19: Biết rồi, khổ lắm nhưng... vẫn phải nói

12-03-2022 09:08 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Hiện nay đa số các em học sinh từ mầm non đến đại học đều phải học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19. Có trẻ do mắc COVID-19 hoặc do sợ lây nhiễm nên cũng bị cách ly. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều em rơi vào trạng thái căng thẳng tâm lý, khó kiểm soát.

1. Những nguyên nhân khiến trẻ bị căng thẳng tâm lý trong dịch bệnh COVID-19

1.1. Không gian hẹp

Học online ở nhà, diện tích có hạn, bốn phía được giới hạn bởi những bức tường, tầm nhìn hạn chế khiến cho trẻ cảm thấy "tù túng", gây ra căng thẳng. 

Với trẻ em, nhu cầu có một sân chơi diện tích rộng là rất quan trọng. Trong không gian đó, chúng có thể đi lại, nô đùa hoặc chơi thể thao. Tất cả những điều đó khiến cho trẻ cảm thấy thư giãn, giúp trẻ cảm thấy thoái mái sau những giờ học căng thẳng. 

Việc được nghỉ ngơi, chơi đùa ở sân chơi khoảng 5-10 phút cứ sau mỗi giờ học rất quan trọng, giúp trẻ lấy lại cân bằng và có cảm giác gần giống như giờ ra chơi khi học ở trường. 

Khi trẻ chỉ có thể ở trong không gian của một căn phòng quá lâu khiến chúng cảm thấy căng thẳng, dễ cáu bẳn, khó chú ý, khó tiếp thu và hay quên. Tất cả những điều đó khiến cho trẻ học kém và chán học.

Trẻ bị căng thẳng tâm lý do dịch bệnh COVID-19, vì sao? - Ảnh 3.

Việc học online kéo dài khiến cho nhiều trẻ bị căng thẳng tâm lý.

1. 2. Không được giao tiếp với bạn bè trong thế giới thực

Sự tương tác của trẻ với thầy, cô và bạn bè trong thế giới thực không còn nữa khi học online. Những vấn đề cá nhân mà trẻ muốn chia sẻ với bạn thân của mình sẽ bị hạn chế rất nhiều khi học online. Trẻ cảm thấy cô đơn hơn ngay trong chính ngôi nhà của mình vì mọi người thì đi làm, còn bạn bè thì chỉ còn xuất hiện loáng thoáng trên... màn hình.

Khi đi học trực tiếp ở trường, trẻ đã tự hình thành các mối quan hệ thân thiết với các bạn cùng lớp, cùng trường. Chúng cảm thấy hân hoan, vui sướng khi gặp nhau (trực tiếp), khi được nô đùa cùng nhau, được tâm sự, trao đổi, hờn giận nhau trong thế giới thực. Những thói quen và hành vi đó đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Chẳng thế mà mọi đứa trẻ đều tỏ ra rất vui mừng khi được đi học trở lại.

Giờ đây, khi phải học online, môi trường thân thuộc không còn nữa, giao tiếp xã hội bị hạn chế khiến trẻ căng thẳng, lo âu, chán ăn, mất ngủ... Tất cả những điều này đều dẫn đến kết quả học tập tồi tệ của trẻ.

1. 3. Tiếp xúc quá nhiều với máy tính hoặc điện thoại

Màn hình của các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh đều phát ra các ánh sáng màu xanh. Những ánh sáng này kích thích lên não của trẻ gây hưng phấn quá mức trên não bộ. Kết quả là trẻ dễ mỏi mắt, lo lắng, hay cáu, bồn chồn, khó ngủ, ăn mất ngon, đau đầu và trí nhớ kém.

Bên cạnh đó, các hỏng hóc về máy tính, camera, tai nghe, micro, đường truyền... đều khiến trẻ căng thẳng vì không thể theo dõi bài giảng một cách liên tục được.

Hơn nữa, trẻ có thể sử dụng máy tính vào mục đích xem phim, chơi game, tán gẫu hoặc làm những việc mà chúng ta không thể kiểm soát hết. Nhiều trẻ đặt mua hàng online gây tốn tiền của gia đình. Nhiều cháu mua quá nhiều đồ ăn vặt khiến trẻ bị béo phì.

2. Phòng chống căng thẳng tâm lý cho trẻ thế nào?

Trẻ bị căng thẳng tâm lý do dịch bệnh COVID-19, vì sao? - Ảnh 4.

Trẻ cần vận động ngoài trời để thư giãn và phát triển.

Để phòng chống các căng thẳng tâm lý cho trẻ trong đại dịch COVID-19 rất khó khăn. Các bậc phụ huynh nên thu xếp thời gian cho trẻ được chơi thể thao dưới sân, nơi có không gian rộng và có thể giao tiếp với thế giới thật. Sẽ là rất hữu ích nếu cho các cháu được đến chơi với nhau trong ngày nghỉ hoặc lúc nghỉ.

Thực tế cho thấy những việc giản dị như vậy cũng rất khó thực hiện. Ban ngày thì bố mẹ phải đi làm nên các cháu ở trong phòng một mình. Buổi tối thì sân chơi (nhất là ở khu tập thể) lại quá đông người, sợ bị lây bệnh...

Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau cha mẹ hãy tạo những điều kiện tốt nhất cho con trẻ được vận động, vui chơi, được giao tiếp với bạn bè và được sống trong thế giới thực nhiều hơn. 

  • Buổi tối cha mẹ nên dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ những vui buồn trong ngày cùng con, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ để kịp thời uốn nắn, hướng con đến những hoạt động bổ ích, có lợi cho sức khỏe như cha mẹ có thể chơi cùng con. Qua việc vui chơi, trẻ sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị trong cuộc sống, cũng như học được nhiều kỹ năng sống bổ ích và thiết thực. 
  • Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, ngủ nghỉ của con sao cho hợp lý, khoa học, phù hợp với lứa tuổi của con, tránh nuông chiều để trẻ ở nhà sinh hoạt không nền nếp, thiếu khoa học, theo cảm hứng...
  • Đồng thời các bậc cha mẹ cần hạn chế để trẻ tiếp xúc quá nhiều với màn hình máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng... Cha mẹ cần quy định cho trẻ thời gian tiếp xúc với máy tính trong ngày phù hợp với lứa tuổi của trẻ (trẻ dưới 2 tuổi tránh tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại, trẻ từ 2 - 5 tuổi thời gian tiếp xúc với màn hình máy tỉnh, điện thoại 1 giờ/ngày...).

Bên cạnh đó, thiết nghĩ, tiêm phòng vaccine COVID - 19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là biện pháp tốt nhất giúp các cháu sớm được đến trường.

Rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ em trong đại dịch COVID-19Rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ em trong đại dịch COVID-19

SKĐS - Đại dịch COVID-19 đã sang năm thứ 3. Các ngôi trường đóng cửa một một thời gian dài, trẻ phải ở nhà học trực tuyến, không gặp bạn bè, thiếu giao tiếp xã hội, hoạt động vui chơi bị hạn chế… khiến nhiều trẻ rơi vào các rối loạn tâm lý, tâm thần.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm vaccine COVID-19- Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm


PGS. TS. Bùi Quang Huy
Chủ nhiệm khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân y 103
Ý kiến của bạn