Hà Nội

Trẻ bị bệnh tay chân miệng có nên bôi thuốc sát trùng, giảm đau?

17-07-2018 14:57 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bé Mai Tuấn K., 22 tháng tuổi, nhà ở xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bị sốt, đau họng, nổi bóng nước ở tay và chân đã 2 ngày, mẹ dùng thuốc sát trùng và giảm đau bôi trong miệng và ngoài da cho bé K, nhưng không khỏi nên vào bệnh viện khám.

Bác sĩ khám thấy em còn sốt, hay giật mình, có nhiều bóng nước trên lòng bàn tay, chân và loét miệng nên chẩn đoán là bệnh tay chân miệng độ hai, cần nhập viện theo dõi. Bà mẹ hỏi bác sĩ có nên tiếp tục bôi thuốc giảm đau và sát trùng trên da và trong miệng của bé nữa không? Bác sĩ nhìn các thuốc bôi do mẹ K mang theo, bác sĩ lắc đầu nói mẹ K không nên bôi các loại thuốc trên, nó vừa không có tác dụng, có khi lại gây hại thêm cho bé.

Về chuyên môn, bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng gây ra, các loại thuốc bôi có tính sát trùng như kháng sinh, cồn, thuốc gây tê đều không có tác dụng. Nguyên nhân là do siêu vi trùng bệnh tay chân miệng do cấu tạo lớp vỏ ngoài cùng của nó không có lớp lipid bao bọc nên rất bền ở môi trường acid như dịch dạ dày, các dung môi hòa tan lipid như cồn, ethe, chloroform. Ngược lại siêu vi này rất dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 56 độ C, bất hoạt dưới tia nắng mặt trời, nước chứa Clo như nước máy, dung dịch formaldehyde, xà phòng...

Thuốc gây tê cục bộ như Lidocain, Benzocain, Tetracain, là các thành phần chính trong các loại kem thoa trong miệng, nó chỉ có tác dụng làm mất cảm giác đau tạm thời do ức chế sự dẫn truyền thần kinh, không có tác dụng tiêu diệt siêu vi, ngược lại nó có tác dụng làm phụ có hại như tê lưỡi, mờ mắt, co giật, dị ứng, rối loạn nhịp tim. Vì không kiểm soát dược liều lượng thuốc tê và tác dụng phụ, nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi, nên bà con không dùng. Nếu bé bị đau rát họng nhiều bà con mình nên cho cháu súc miệng bằng nước muối pha loãng như nước mắt sau mỗi lần ăn, có thể bôi thuốc tráng niêm mạc miệng bằng thuốc dùng để tráng bao tử trước khi cho bé ăn, thuốc này do thầy thuốc ghi toa và hướng dẫn dùng.

Thuốc sát trùng bôi ngoài da cũng không có tác dụng với các bóng nước, nên bà con không dùng, chỉ cần giử vệ sinh ngoài da cho bé, tắm xà phòng hàng ngày, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi tiêu bằng xà phòng, lau sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi của bé bằng xà phòng hoặc dung dịch cloramin B và nước javel. Đối với bột cloramin B, pha 1 muỗng cà phê (loại muỗng có càn dài, thường dùng để uống cà phê đá) với 1 lít nước để dùng khử khuẩn mỗi tuần trong trường hợp nhà không có bệnh nhân. Nếu trong nhà có bệnh nhân, phải pha theo hướng dẫn của nhân viên y tế, thường pha 5 muỗng cà phê nói trên trong 1 lít nước.


BS. Nguyễn Thành Úc
Ý kiến của bạn