Trẻ bị bệnh máu khó đông, cần làm gì?

22-11-2015 16:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Con tôi mắc bệnh máu khó đông thể A. Tôi rất lo lắng về bệnh tình của cháu. Xin hỏi, gia đình chúng tôi cần phải làm gì, thưa bác sĩ?

Con tôi mắc bệnh máu khó đông thể A. Tôi rất lo lắng về bệnh tình của cháu. Xin hỏi, gia đình chúng tôi cần phải làm gì, thưa bác sĩ?

Lê Hải Hà (Nghệ An)

Máu khó đông (hay là bệnh Hemophilie A) thường gặp ở bé trai từ 3 tuổi trở lên. Đây là hiện tượng rối loạn quá trình đông máu có tính di truyền. Do rối loạn đông máu nội sinh, trẻ xuất hiện tình trạng ưa chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời thì rất dễ tử vong. Dấu hiệu bị bệnh là bệnh nhân xuất hiện nhiều vết bầm tím hoặc những mảng bầm tím lớn, chảy máu cam, khó cầm máu, chảy máu khó cầm khi cắn phải môi hoặc khi đánh răng, đau và sưng phù các khớp xương, đái ra máu. Mỗi yếu tố gây đông máu khác nhau sẽ sinh ra các thể bệnh khác nhau như Hemophilie A, B, C. Bệnh Hemophilie A là thể hay gặp nhất (khoảng 80%), do thiếu yếu tố VIII (có nhiệm vụ phối hợp với tiểu cầu và tổ chức dưới nội mạc tạo thành yếu tố kết dính - nếu không có sự kết dính này thì thời gian chảy máu sẽ kéo dài. Việc điều trị chủ yếu dựa vào phương pháp truyền máu và huyết tương để bù đắp sự thiếu hụt yếu tố VIII. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin để giảm đau vì thuốc này sẽ làm nặng thêm tình trạng xuất huyết. Một điều cần lưu ý là vì phải truyền máu và huyết tương nhiều lần nên bệnh nhi dễ mắc bệnh tan huyết cấp do bất đồng nhóm máu, nhiễm ký sinh trùng sốt rét, viêm gan B... Vì vậy, cần theo dõi trẻ sát sao để phát hiện và phòng ngừa các chứng bệnh này.

BS. Phạm Thu Thủy

 


Ý kiến của bạn