Trẻ 5 tuổi 'kẹt' đồng xu trong thực quản

11-11-2021 15:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bé Hoàng Ngọc Diễm (5 tuổi, trú tại xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị hóc đồng xu đường kính 2 cm trong thực quản đã được thầy thuốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang can thiệp, xử trí kịp thời.

Bà của bệnh nhi Diễm kể lại, khoảng 16h30 ngày 5/11, bệnh nhi cùng anh trai sang nhà hàng xóm chơi và mang một số đồ chơi về nhà. 

Tới khoảng 17h00, thấy cháu trai báo là em gái nuốt đồng xu vào trong bụng. Không biết xử trí ra sao và lo sợ cháu có thể gặp nguy hiểm nên ngay lập tức bà của bệnh nhi đưa cháu đến bệnh viện.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, thầy thuốc Khoa Ngoại, BV Sản Nhi Bắc Giang đã tiến hành chụp X-quang để xác định chính xác vị trí của dị vật. 

Trẻ 5 tuổi 'kẹt' đồng xu trong thực quản - Ảnh 1.

Hình ảnh X.quang đồng xu "kẹt" tại thực quản cháu bé

Kết quả cho thấy, đồng xu đường kính khoảng 2cm bị mắc kẹt tại thực quản của bệnh nhi. Rất may dị vật có cạnh tròn xung quanh nên không gây bịt đường thở của trẻ. 

Do trẻ không có triệu chứng bất thường nên thầy thuốc Khoa Ngoại quyết định tiếp tục theo dõi sát tình trạng của trẻ và tạm thời chưa can thiệp thủ thuật.

1 ngày sau trẻ được chụp X-quang kiểm tra thấy đồng xu vẫn nằm tại thực quản không di động được, thầy thuốc Khoa Ngoại đã hội chẩn với thầy thuốc nội soi tiêu hoá và quyết định tiến hành gây mê nội soi đường tiêu hoá trên để gắp dị vật ra khỏi thực quản bệnh nhi, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 

Sau khoảng 20 phút nội soi gây mê, đồng xu mắc kẹt tại cơ thắt thực quản trên đã được BS CKII Nguyễn Văn Sang - Phó Trưởng Khoa Nội Nhi tổng hợp lấy ra khỏi thực quản của bệnh nhi. 

Nội soi kiểm tra vùng thực quản của bệnh nhi thấy hiện tượng viêm phù nề, xung huyết kèm trợt, rớm máu, trẻ tiếp tục được điều trị tại Khoa Ngoại và 4 ngày sau, sức khoẻ của bệnh nhi đã ổn định, ăn uống bình thường và được xuất viện về nhà với gia đình.

BSCKII Nguyễn Văn Sang - người trực tiếp nội soi gây mê đường tiêu hoá trên để gắp đồng xu ra khỏi thực quản của bệnh nhi cho biết: Từ tháng 8/2018 sau khi được chuyển giao thành công kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi đã triển khai thường quy kỹ thuật nội soi tiêu hóa gây mê cho trẻ. 

Trẻ 5 tuổi 'kẹt' đồng xu trong thực quản - Ảnh 2.

Bệnh nhi được thầy thuốc thăm khám. Ảnh: BVCC

Hơn 1.000 ca gây mê nội soi đường tiêu hoá trên và đường tiêu hoá dưới đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang và đảm bảo an toàn sức khoẻ tuyệt đối cho trẻ, không để xảy ra bất kỳ biến chứng nào. 

Với những ưu điểm của nội soi tiêu hoá có gây mê, các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hoá để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp và đây là 1 trong rất nhiều trường hợp nuốt phải dị vật đã được điều trị thành công bằng phương pháp nội soi gây mê tại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, mỗi năm Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nuốt phải dị vật. Trường hợp cháu bé nói trên rất may mắn khi dị vật bé nuốt vào được phát hiện sớm và chưa gây biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ. 

Trong một số trường hợp, dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường tiêu hoá. Nhưng nhiều dị vật (nhất là các dị vật sắc nhọn) nằm lại trong thực quản hoặc đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, thủng ruột… thậm chí có thể khiến trẻ bị ngộ độc do các thành phần hoá chất có trong dị vật như pin, đồ chơi có thủy ngân...

Để giảm nguy cơ hóc dị vật ở trẻ, BSCKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại, BV Sản Nhi Bắc Giang khuyến cáo tới các bậc phụ huynh:

- Không nên cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ, dễ vỡ và luôn để mắt tới trẻ khi trẻ đang chơi đùa. Những vật trẻ dễ nuốt phải như: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, viên bi, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ…

- Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm và tập cho trẻ lớn có thói quen ăn chậm, nhai kỹ.

- Không để trẻ cho đồ trang sức vào miệng vì trẻ dễ nuốt vào.

- Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả có hạt vì hạt dễ rơi vào đường thở hoặc thực quản có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời…

Trường hợp thấy trẻ đang ngậm, ăn những đồ ăn dễ gây hóc thì không nên hoảng hốt la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi sẽ càng dễ hóc dị vật hơn. Khi trẻ đang cười thì phụ huynh cũng không nên cho trẻ ăn thức ăn hoặc cho trẻ uống thuốc vì dễ khiến trẻ bị nghẹn, sặc.

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ nuốt phải dị vật thì cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, không nên tự ý điều trị cho trẻ tại nhà hay điều trị theo mẹo dân gian sẽ khiến bệnh trở nên phức tạp và nguy hiểm tới sức khoẻ của trẻ.


Mời bạn xem thêm video được quan tâm:


Hiền Chúc (BV Sản Nhi Bắc Giang)
Ý kiến của bạn