Trẻ 5-12 tuổi đã mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine không?

10-04-2022 14:33 | Y học 360
google news

SKĐS - Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn mới nhất về tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi… Nhiều cha mẹ rất mong chờ ngày con được tiêm vaccine để an toàn hơn khi đã đến trường. Tuy nhiên, băn khoăn mà các bậc cha mẹ cần được giải đáp là: liệu con là F0 rồi thì có cần tiêm vaccine nữa không?

Phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với TS. BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Nhi TW về vấn đề này.

Phóng viên: Tại sao vaccine phòng COVID-19 lại quan trọng với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi?

TS.BS.Lê Kiến Ngãi: Hiện nay, với một số lượng lớn người đã mắc COVID-19, các trường hợp mới mắc tiếp tục xuất hiện, các biến chủng của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Omicron - dễ lây lan đã lưu hành trong cộng đồng, thì khả năng sẽ có nhiều trẻ em bị nhiễm bệnh hơn và một số có thể bị bệnh nặng, hay biến chứng là một thực tế.

Ts. BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Nhi TW

TS. BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Nhi TW

Một số trẻ khi mắc COVID-19 có thể trải qua tình trạng các triệu chứng lâm sàng xuất hiện kéo dài, thường được gọi là "tình trạng COVID-19 kéo dài", "tình trạng hậu COVID-19", hoặc "biến chứng sau nhiễm SARS-CoV-2". Tỷ lệ gặp cũng như đặc điểm biểu hiện của các tình trạng này đang tiếp tục được điều tra phân tích. Tuy nhiên có thể nói, đây là vấn đề mới về sức khỏe trẻ em phát sinh ở những trẻ mắc COVID-19 và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ.

Ngoài ra, tình trạng siêu viêm (hyperinflamatory) liên quan đến nhiều cơ quan hệ thống trong cơ thể trẻ em khi mắc COVID-19, thường được gọi là MIS-C: hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (Multi-system inflamatory syndrome in children) đã được ghi nhận trên toàn cầu, là biến chứng nặng có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình hồi phục sau khi mắc COVID-19 ở trẻ em.

Ngày nay, trẻ em mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì, hay dị tật bẩm sinh về tim và tuần hoàn … không hiếm. Nhóm trẻ này rất dễ có tình trạng nặng khi mắc COVID-19 so với những trẻ không có bệnh nền. Một nghiên cứu gần đây của Hoa Kỳ  thông báo rằng những người dưới 18 tuổi mắc COVID-19 có khả năng xuất hiện đái tháo đường sau giai đoạn nhiễm 30 ngày cao gấp 2,5 lần so những người không mắc COVID-19 và những người bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trước đại dịch. Các nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính không do SARS-CoV-2 không liên quan đến việc gia tăng nguy cơ đái tháo đường.

Ở khía cạnh về xã hội hội, đã có bằng chứng cho thấy tỷ lệ tử vong trong số trẻ mắc COVID-19 ở các nước thu nhập thấp và trung bình cao hơn so với các nước có thu nhập cao.

Vaccine dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc COVID-19 tiếp tục cần thiết.

Vaccine dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc COVID-19 tiếp tục cần thiết.

Như vậy, mặc dù trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng do nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn khi so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 đã lan rộng trong cộng đồng thì nguy cơ trẻ em mắc COVID-19 không hề thấp. Hơn nữa, trẻ em hoàn toàn có đầy đủ các nguy cơ tiến triển bệnh nặng và biến chứng khi mắc COVID-19, đặc biệt là những trẻ có bệnh lý nền. Dự phòng COVID-19 cho trẻ em là không để trẻ mắc bệnh và nếu có mắc thì biểu hiện bệnh nhẹ và không có biến chứng. Cùng với các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu, thì vaccine chính là giải pháp căn cơ, lâu dài bảo vệ trẻ trước những diễn biễn liên tục thay đổi, khó lường của đại dịch COVID-19.

Phóng viên: Các quốc gia trên thế giới đã sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong thời gian vừa qua như thế nào? Việt Nam lựa chọn vaccine phòng COVID-19 nào sử dụng cho trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi thưa TS?

TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Đến nay đã có 3 loại vaccine phòng COVID-19, đó là vaccine mRNA, vaccine virus bất hoạt và vaccine tái tổ hợp được lựa chọn sử dụng cho trẻ em. Ngay sau khi được các tổ chức có thẩm quyền phê duyệt, các vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em đã được sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn cầu cũng như ở các nước trong khu vực.

  • Đối với vaccine mRNA, cho đến tháng 2/2022, các quốc gia trên thế giới đã sử dụng cho trẻ từ 5-11 tuổi bao gồm: Hoa Kỳ, Brazil, UAE, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Israel, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Estonia, Latvia, Lithuania, Ban Lan, Italia, Tây Ban Nha, Đảo Cypsus, Hy Lạp, Hungary, Bỉ, Pháp, Anh, Cộng hoà Séc, Đức, Thuỵ Sỹ. Đến tháng 3/2022, 17 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng đã bắt đầu sử dụng vắc xin mRNA phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
  • Đối với vaccine bất hoạt đã được một số quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, UAE, Bahrain sử dụng cho trẻ từ 3-17 tuổi; Campuchia sử dụng cho trẻ 5-17 tuổi; Chile (cho trẻ 6-11 tuổi).
  • Đối với vaccine tái tổ hợp, đã có Cuba và Venezuela sử dụng cho trẻ từ 1-18 tuổi.

Việt Nam chúng ta đã lựa chọn vaccine mRNA, đó là các vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech và Spike Vax của Moderna là các vaccine phòng COVID-19 sẽ được sử dụng cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi. Đây là các vaccine phòng COVID-19 cũng đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng.

Phóng viên: Thưa TS, trẻ từ 5-dưới 12 tuổỉ đã mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine phòng COVID-19 không? Nếu cần thì thời gian nào tiêm sẽ thích hợp?

TS. BS Lê Kiến Ngãi: Như tôi đã nói, trẻ đã mắc COVID-19, vẫn có thể mắc lại. Khi trẻ đã mắc COVID-19 thì nguy cơ diễn biến nặng, có thể tử vong, rồi mắc các tình trạng hậu COVID, và cả các biến chứng khác là hoàn toàn có thể. Vì vậy khi dịch bệnh đang tiếp tục diễn ra thì vaccine dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc COVID-19 tiếp tục cần thiết.

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, căn cứ vào các bằng cớ khoa học cũng như kinh nghiệm đã công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 là 3 tháng.

Đây là khoảng thời gian được cho là nếu trẻ đã mắc COVID-19, thì cũng gần như đã hồi phục hoàn toàn, đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên thu được khi trẻ nhiễm bệnh cũng suy giảm, vì vậy tiêm vaccine cho trẻ là phù hợp. Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn.

Xem thêm video được quan tâm

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tỷ lệ chấp thuận của phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ là 60-80%


Song Anh
Ý kiến của bạn