Video: Khuyến cáo của bác sĩ về bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình báo cáo về trường hợp cháu N.G.H. (SN 2020, trú tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) tử vong nghi do bệnh dại. Theo lời kể của gia đình, cách đây 1 tháng cháu H. bị chó khoảng 2 tháng tuổi cắn, cào gây ra nhiều vết thương ở vùng dưới má trái, mu bàn tay trái. Sau khi bị cắn, cháu H. không có biểu hiện bất thường. Con chó cắn cháu H. được phát hiện chết khoảng 4 ngày sau đó.
Ngày 17/5 cháu H. có biểu hiện sốt, mệt mỏi. Đến ngày 20/5 người nhà đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Đa Khoa Tuyên Hóa và được chẩn đoán bị viêm ruột. Đến tối cùng ngày, cháu H. lên cơn co giật, nói nhảm. Bệnh nhân này được chuyển tới Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới lúc 1h30 ngày 21/5 với triệu chứng sợ nước, nuốt sặc.
Sáng ngày 21/5, bệnh nhân có biểu hiện cào cấu, cắn người chăm sóc… sau đó dần rơi vào hôn mê và tử vong lúc 9h10 phút. Bệnh nhân được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chẩn đoán tử vong do sốc không hồi phục (chẩn đoán khác do bệnh dại).
Ngoài trường hợp cháu bé đã tử vong, 3 trường hợp khác cũng bị chính con chó này cắn trong cùng một ngày là cháu N.H.T. (SN 2017), N.T.A. (SN 2020) và cháu T.H.L. (SN 2017). Sau khi bị chó cắn các trường hợp này cung không được xử lý vết thương và không tiêm phòng bệnh dại. Bố, mẹ của cháu H. trong lúc chăm sóc con tại viện bị cắn nhiều lần vào tay, vết thương rướm máu.
Trong quá trình thực hiện công tác giám sát, điều tra tại địa phương có nạn nhân chết nghi do bệnh dại, cán bộ CDC Quảng Bình ghi nhận có 6 trường hợp khác cách nhà cháu H. Không xa cũng bị 3 con chó cắn, sau đó người dân đã đánh chết cả 3 con chó.
Ngay sau đó, tất cả các trường hợp bị chó cắn, cào đã được tư vấn và vận động tiêm vaccine phòng dại. Hiện sức khỏe của các tường hợp trên vẫn bình thường.
BS. Huỳnh Công Hùng – Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp cháu bé tử vong nghi do bệnh dại, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị thực hiện điều tra, điều trị và tuyên truyền.
Lực lượng y tế nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh tất cả các trường hợp bị chó cắn tại thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa. Cùng với đó, cung cấp những thông tin cần thiết về cách phòng, chống bệnh dại, đặc biệt là việc phát hiện súc vật nghi ngờ bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn cho người dân.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa, Trạm Y tế xã Đồng Hóa tăng cường giám sát các trường hợp nguy cơ, vận động các trường đến cơ sở y tế khám và điều trị dự phòng đúng phác đồ để hạn chế tối đa ca tử vong.
BS. Hùng cho biết thêm, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh này thường lây từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt của động vật bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với virus dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 9 ca tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022 có 3 ca tử vong do bệnh dại (huyện Lệ Thủy 1 ca, huyện Tuyên Hóa 2 ca). Do nhận thức của người dân về vaccine phòng dại còn thấp nên có ít trường hợp đến cơ sở y tế tiêm khi bị chó dại cắn.
"Đối với bệnh dại, công tác điều trị dự phòng rất quan trọng. Khi bị chó, mèo, chuột và các súc vật khác cắn, người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị. Nếu bị nhiễm virus dại mà không tiêm vaccine thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Các trường hợp tiêm vaccine phòng dại sớm, đủ, đúng liều, chưa có trường hợp nào tử vong cả", BS. Hùng cho biết.
Để ngăn chặn từ đầu nguy cơ về bệnh dại, CDC Quảng Bình cũng đã đề xuất Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình triển khai tiêm vaccine phòng bệnh dại cho số lượng đàn chó trên địa bàn Tuyên Hóa và toàn tỉnh Quảng Bình.