10 tuổi cũng bị xuất huyết não
Sáng 5/4, lúc đang học, bệnh nhi Đ.N (10 tuổi, trú tại Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) thấy đau đầu nhiều và nôn mửa. Người thân ngay lập tức đến đón và đưa cháu N. đến Trung tâm Bác sĩ Gia Đình Cẩm Lệ để kiểm tra.
Lúc được đưa đến trung tâm, cháu có biểu hiện mệt nhiều, môi tím, sau đó đột ngột mất ý thức rồi ngưng thở, glasgow coma score (thang điểm đánh giá hôn mê) chỉ còn khoảng 4 điểm trên thang 15 điểm.
Trẻ được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Ê-kíp các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, bóp bóng, đảm bảo cung cấp oxy máu và thông khí tốt cho trẻ. Sau cấp cứu 20 phút, da và môi của trẻ hồng trở lại, SpO2 đạt 98%, mạch huyết áp ổn định.
Bác sĩ đã chỉ định chụp CT scan sọ não 128 dãy cho bệnh nhi Đ.N. Kết quả CT cho thấy hình ảnh xuất huyết trong não thất và khoang dịch não tủy ở cột sống cổ. Có kết quả chẩn đoán bệnh, các bác sĩ đã tư vấn cho phụ huynh chuyển trẻ đến cơ sở y tế tuyến trên tiếp tục điều trị và theo dõi.
Nguyên nhân gây xuất huyết não
Đột quỵ não (hay tai biến mạch não) bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não, là tình trạng tổn thương mạch máu não đột ngột dẫn đến nhiều biến chứng thần kinh nặng nề.
Xuất huyết não là tình trạng vỡ mạch não trong não đột ngột, dẫn đến tổn thương cả mô não do mạch đó cấp máu và vùng mô não quanh khối xuất huyết bị đè đầy, hoại tử nên mức độ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh sẽ nặng nề hơn nhồi máu não. Xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não (khoảng 20%) nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết não trong đó:
- Xuất huyết não tiên phát: Do bệnh lý xơ vữa, thoái hóa vi thể thành mạch thường do hậu quả của tăng huyết áp kéo dài, rối loạn mỡ máu.
Khi người bệnh có cơn tăng huyết áp sẽ làm tăng áp lực lên thành mạch yếu và vỡ ra gây chảy máu não. Vùng chảy máu sẽ đè đầy trực tiếp mô não xung quanh, gây viêm hoại tử mô não làm nhồi máu não thứ phát. Tiếp diễn quá trình hoại tử khiến xuất huyết tiếp tục và khó cầm, khiến khối xuất huyết tăng dần. Khi kích thước đủ lớn sẽ chèn ép não, tăng áp lực nội sọ, phù não nặng, gây tụt kẹt não, sau đó chết não.
- Xuất huyết não thứ phát: Căn nguyên dị dạng mạch máu (phình mạch, thông động - tĩnh mạch, rò động - tĩnh mạch màng cứng, dị dạng mạch thể hang), biến chứng chảy máu sau nhồi máu, bệnh lý rối loạn đông máu, các khối u não chảy máu.
Diễn biến sau đó cũng gây ra bệnh lý như trên. Xuất huyết não do chấn thương sọ não có cách xử trí khác liên quan đến ngoại khoa nên thường không đề cập trong đột quỵ xuất huyết não.
Về mặt vị trí, chảy máu trong não không do chấn thương được chia thành xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết khoang dưới nhện, xuất huyết trong nhu mô não và xuất huyết trong não thất. Mỗi vị trí chảy máu có thể gợi ý vùng tổn thương, mạch máu tổn thương, dạng xuất huyết để có phương án xử trí thích hợp.
Biểu hiện xuất huyết não như thế nào?
Khởi đầu với đau đầu đột ngột, thường là trong khi vận động nặng. Sau đó xuất hiện mất ý thức, có thể thoáng qua hoặc hôn mê luôn nếu xuất huyết rộng. Buồn nôn, nôn, sảng, và cơn co giật có thể xảy ra.
Dấu hiệu thần kinh khú trú: Đột ngột và tiến triển nặng dần theo vùng não bị chảy máu, bị khối máu tụ đè đẩy, như liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ, bán manh…
Dấu hiệu nguy kịch (xuất huyết não diện rộng): Người bệnh hôn mê, đồng tử giãn, giảm hoặc mất phản xạ với ánh sáng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn thân nhiệt, dấu hiệu của phù não (phù gai thị), nguy có dẫn tới tụt kẹt não và chết não.
Tóm lại: Xuất huyết não là tình trạng vỡ mạch máu trong não đột ngột, dẫn đến tổn thương mô não do mạch máu đó nuôi dưỡng và vùng não xung quanh khối xuất huyết do bị đè ép. Mức độ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh sẽ nặng nề hơn nhồi máu não. Xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não (khoảng 20%) nhưng tỉ lệ tử vong và di chứng cao hơn.
Hiện nay xuất huyết não hoặc đột quỵ ngày càng trẻ hóa và có thể xảy ra với cả trẻ nhỏ. Do vậy các bậc phụ huynh không nên chủ quan. Khi thấy trẻ có một hoặc nhiều những biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt chi, méo mặt, giảm thị lực, bất tỉnh, hôn mê... thì nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.