Trẻ 10 tháng tuổi bị hoại tử ruột do lồng ruột, cách nhận biết sớm căn bệnh nguy hiểm này

30-07-2024 09:48 | Bệnh trẻ em

SKĐS – Bé gái 10 tháng tuổi được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất dịch, môi khô, mắt trũng, li bì, ruột bị hoại tử phải cắt đại tràng do bị lồng ruột phát hiện muộn. Làm sao để nhận biết sớm căn bệnh này?

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu trường hợp trẻ 10 tháng tuổi bị lồng ruột. Gia đình bệnh nhi cho biết sáng cùng ngày, trẻ nôn nhiều, nôn ngay sau ăn kèm đại tiện 3-4 lần phân lẫn máu. Bé cũng biểu hiện mệt mỏi, li bì.

Tuy nhiên, khi bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu thì đoạn ruột lồng đã bị hoại tử, bác sĩ buộc phải cắt đoạn đại tràng, lập lại lưu thông. Tới ngày 29/7, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, tiếp tục được theo dõi tại khoa Nhi.

Trẻ 10 tháng tuổi bị hoại tử ruột do lồng ruột, cách nhận biết sớm căn bệnh nguy hiểm này- Ảnh 1.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh lồng ruột, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời chẩn đoán và xử trí

Lồng ruột ở trẻ em là gì?

Theo Ths. BS Hương Giang, BV Nhi Trung ương, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.

Nguyên nhân lồng ruột ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em hiện chưa xác định rõ, tuy nhiên 1 số giải thích được đưa ra là do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.

Dấu hiệu lồng ruột ở trẻ em

Cũng theo Ths.BS Hương Giang, trẻ em bị lồng ruột thường có dấu hiệu sau:

  • Đau bụng : Trẻ đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
  • Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.
  • Ỉa máu: có thể ỉa máu đỏ hoặc nâu, ỉa máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95% ở trẻ còn bú.
Ỉa máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.

Lồng ruột là bệnh lý nghiêm trọng, 80-90% bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh lồng ruột, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời chẩn đoán và xử trí.

Đối với các bệnh nhi được chẩn đoán lồng hồi manh tràng hoặc hồi-manh-đại tràng đến sớm, chưa có biến chứng, sẽ được xử trí tháo lồng bằng hơi, tỷ lệ thành công đạt gần 100%. Đối với các bệnh nhi bị lồng ruột đến muộn, có biến chứng thủng ruột, viêm phúc mạc… sẽ phải phẫu thuật cắt đoạn ruột bị lồng.

Người lớn cũng có thể bị lồng ruộtNgười lớn cũng có thể bị lồng ruột

SKĐS - Nhiều người cho rằng, chỉ có trẻ em mới bị lồng ruột, trên thực tế người lớn cũng có thể mắc phải vấn đề này.

Phương Lan
Ý kiến của bạn