Đi trảy hội, lễ chùa mà phải chen lấn, giẫm đạp lên nhau thậm chí còn bị ngất xỉu thì đúng là… “trảy khổ” chứ không còn gì là vui xuân nữa. Thế nhưng, tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm qua mỗi khi mùa lễ hội đến. Hàng ngàn, hàng vạn người vẫn kéo nhau đi “trảy khổ” trong mưa rét, nhếch nhác và tiều tụy, lại còn bị “chặt chém” đủ đường!
Bắt đầu từ mồng 4 Tết âm lịch, nhiều lễ hội được khai mở. Không khí xốn xang, lóng lánh, rộn ràng nhiều làng quê thanh bình, mộc mạc. Chính những lễ hội đó đã làm duyên cho các làng quê, biến nó trở nên sinh động, lung linh hơn. Nhiều vùng quê đã cố gìn giữ, phát triển các lễ hội truyền thống của quê hương, như “món đặc sản tinh thần” mà bất cứ ai cũng có quyền hưởng. Đã là lễ hội thì sẽ thu hút đông người, các dịch vụ cũng cứ thế mà tăng theo. Từ sắp lễ, bán hàng lễ, hàng ăn, quà vặt, hương nến đến cả dịch vụ gửi xe, vui chơi… Cho nên, có lễ hội là có tốn kém. Nhiều người không ngại tốn tiền, vượt đường sá xa xôi để được hành hương, cúng lễ, du xuân, cầu mong năm mới phát tài, phát lộc, cuộc sống an nhàn, vui vẻ. Tất cả điều đó là nét văn hóa từ nhiều năm qua của nhân dân ta.
![]() Nạn cờ bạc diễn ra công khai tại nhiều lễ hội. |
Nhưng đâu chỉ có thế, xung quanh tháng Giêng cũng sinh ra nhiều tiêu cực, bởi đã không ít người lợi dụng tín ngưỡng, niềm tin của người khác để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi, hốt bạc. Tháng Giêng cũng “đồng hành” với nhiều người trốn việc, chỉ thích hưởng thụ, lấy của công để làm việc riêng tư. Rồi nạn cờ bạc, chặt chém xảy ra cả những nơi linh thiêng, chốn cửa đình, chùa, miếu, phủ… làm cho lễ hội trở nên nhếch nhác. Nhiều người cầu mong nhiều lễ hội kéo dài thêm nữa, bởi đó là “cơ hội làm ăn” của họ. Có người cho rằng, người khác “ăn chơi” tạo công ăn việc làm cho họ, để qua tháng Giêng họ có thể sống rủng rỉnh đến cuối năm.
Chen lấn ở lễ hội. |
Ngày mồng 6 Tết, ông Vũ Hữu Huy (Hà Nội) cùng vợ đội mưa rét vượt mấy chục cây số để trảy hội chùa Hương. Với ông, đó thực sự là một ngày đầy… kinh hoàng. Không biết người từ đâu đổ về mà ngay từ sáng sớm đã chật ních, chen lấn, xô đẩy, vứt rác bừa bãi. Không khí ngột ngạt ấy đã làm giảm sự tôn nghiêm ở chốn linh thiêng, gây ra sự nhếch nhác đến thảm hại của không ít đoàn khách. Mấy hôm sau, quay trở lại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), ông Huy và vợ cũng lâm vào tình cảnh khốn khổ, chen lấn đến suýt… bẹp ruột. Mệt mỏi sau một ngày trảy hội, ông chia sẻ: “Tưởng đi lễ hội là để được thanh thản, nào ngờ người quá đông, gây náo loạn cả chốn thánh thần tôn nghiêm, tôi chẳng tìm được chút thoải mái nào cho ngày này cả. Giá mà ban tổ chức làm tốt hơn, mỗi người đi lễ hội có ý thức hơn thì đâu đến nỗi”.
Cùng tâm trạng đó, bà Trần Thị Biển ở Long Biên, Hà Nội tham gia rất nhiều lễ hội trên địa bàn Thủ đô và ngoại tỉnh, đi đến đâu bà cũng thấy cảnh người tham gia thiếu ý thức, gây ảnh hưởng đến lễ hội và người khác. Các tệ nạn như trộm cắp, chặt chém, bói toán làm ảnh hưởng xấu đến lễ hội, chưa kể đến chuyện vì quá đông người nên không khí trở nên ngột ngạt, khó thở, mất vệ sinh. Bà Biển cho biết: “Đến lễ hội nào tôi cũng thấy cả biển người chen chúc. Dẫu biết rằng, nhu cầu tham gia lễ hội của người dân ngày càng tăng, nhưng nếu cứ xảy ra tình trạng này thì thật khổ sở cho người đi lễ hội”.
Hình ảnh rác thải mất vệ sinh, nhếch nhác ở nhiều lễ hội. |
Ở đền Bà, thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) vào dịp đầu xuân cũng luôn diễn ra tình trạng lộn xộn, thậm chí có năm nhiều người bị ngất xỉu vì chen lấn trong màn khói hương dày đặc. Năm nay, Ban quản lý các lễ hội này sẽ chấn chỉnh không để tình trạng trên tiếp diễn, nhưng sự thật, tình hình cũng chẳng tiến triển được là bao.
Người tham gia lễ hội ngày nay còn thêm một nỗi khổ nữa, là bị “ăn quả lừa” bởi các hàng quán, các dịch vụ chặt chém. Sau đó còn bị chèo kéo, bị đòi mừng tuổi dù đã trả hết tất cả tiền dịch vụ. Một khách hành hương cho biết, ông bị một kẻ lừa đảo đưa vào tình thế dở khóc dở cười đó là mời ngồi vào ghế, sau đó đòi tính tiền. Khách không muốn trả cũng bị bọn chúng ép cho bằng được. Vì không muốn rắc rối nên đành phải rút ví trong ấm ức.
Lễ hội là kho tàng văn hóa của dân tộc ta. Tham gia lễ hội là quyền của mỗi người. Thế nhưng, chúng ta cũng phải xác định lại nhu cầu trảy hội của mình, không thể a dua, theo phong trào để gây nên sự lộn xộn, nhếch nhác mất vệ sinh ở lễ hội. Không chỉ vậy, nhiều người còn phải chuốc lấy bực bội vào mình, thậm chí là gặp nạn trong lễ hội. Giữ gìn không khí tôn nghiêm nơi lễ hội phải có sự kết hợp ý thức của mọi người và khả năng nhạy bén, quyết liệt của Ban tổ chức. Có như vậy thì xuân mới vui, lễ hội mới đẹp, mới ý nghĩa.
Ngô Thục Miên