Trâu -  thực phẩm dinh dưỡng và chữa bệnh

SKĐS - Con trâu gắn liền với cuộc sống của những người nông dân vùng quê, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước, gắn bó mật thiết với quá trình sản xuất của người miền núi, vùng cao Tây Bắc.

Giá trị dinh dưỡng của thịt trâu không hề kém cạnh so với thịt lợn hay thịt bò. Rất nhiều bộ phận của con trâu được sử dụng làm thức ăn, làm thuốc như sừng trâu, da trâu, thịt trâu, sữa trâu, cặn sỏi mật trâu (ngưu hoàng), móng chân, đuôi, tinh hoàng, mũi trâu...

Da trâu có gelatin, keratin, protid và calci. Da trâu nấu cao và cô đặc gọi là minh giao hay hoàng minh giao.

Sữa trâu có 82,7% nước, 4,05-7% protid, 7,9-10% lipid, 5% đường, 190mg% Ca, 135mg% P, 0,2mg% Fe, 0,04mg% vitamin B1, 0,16mg% vitamin B2, 0,01mg% vitamin B6, 0,1mg% vitamin PP, cung cấp 142 calo.

Rất nhiều bộ phận của con trâu được sử dụng làm thức ăn, làm thuốc như sừng trâu, da trâu, thịt trâu, sữa trâu, cặn sỏi mật trâu (ngưu hoàng),...

Rất nhiều bộ phận của con trâu được sử dụng làm thức ăn, làm thuốc như sừng trâu, da trâu, thịt trâu, sữa trâu, cặn sỏi mật trâu (ngưu hoàng),...

Thịt trâu có 20,9-22,8% protid, 3,1-3,3% lipid, 20mg% Ca, 160mg% P, cung cấp 115-124 calo. Thịt trâu chứa ít cholesterol và chất béo hơn thịt bò.

Sạn sỏi mật trâu chứa acid cholic, cholesterol, acid béo, bilirubin, vitamin D, các muối khoáng như trong mật bò

Theo Đông y, da trâu vị mặn ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc. Tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận táo.

Sữa trâu vị ngọt, tính bình. Tác dụng bổ dưỡng nhuận tràng.

Sừng trâu vị mặn, hơi chua, tính lạnh. Tác dụng thanh nhiệt mát huyết, tiêu sưng, giảm đau, giải độc, cầm máu.

Cặn sỏi mật (ngưu hoàng) vị đắng, tính bình; vào kinh tâm và can. Tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, mạnh tim, giải độc.

Cao da trâu (minh giao): vị ngọt, tính bình; vào kinh phế, can, thận. Tác dụng tư âm, bổ phế, nhuận táo, dưỡng huyết, chỉ huyết, an thai. Chữa hư lao, huyết suy, thổ huyết, băng huyết, ho đờm có lẫn huyết, sản hậu huyết hư, kinh nguyệt không đều.

Thịt trâu (thủy ngưu nhục) vị ngọt tính mát, không độc. Tác dụng bổ tỳ vị, bổ gân cốt, ích huyết.

Về mặt dinh dưỡng, thịt trâu chứa ít cholesterol và chất béo hơn thịt bò nên rất tốt cho sức khỏe.

Một số bài thuốc và món ăn chữa bệnh từ trâu

Chữa phong thấp, tay chân đau nhức (Nam dược thần hiệu): da trâu 40g, ngâm nước cho mềm, thái nhỏ, thêm nửa chén nước cốt gừng (15-20ml), đun nhỏ lửa cho đặc quánh. Để nguội, phết lên giấy, dán vào chỗ đau.

Chữa tiểu són: cao da trâu, vỏ hàu nung, lộc nhung, tổ bọ ngựa (tẩm rượu sao), liều lượng bằng nhau. Sấy khô tán bột, trộn hồ nếp làm viên, viên bằng hạt ngô đồng. Ngày uống 50 viên, chia làm 2 lần, uống với nước muối loãng pha rượu, vào lúc đói.

Chữa đau vú, nhũ ung: cao da trâu nấu với ít giấm cho tan, dán vào chỗ đau.

Chữa động thai: cao da trâu 20g, tang ký sinh 50g, ngải diệp 12g. Sắc uống 2 lần trong ngày.

Chữa rong kinh, chảy máu nhiều như băng huyết: cao da trâu 10g, bách thảo sương 8g, cao ích mẫu 3g. Trộn đều, uống với nước sạch.

Chữa đau tai: sữa trâu trộn với nước ép lá màn màn hoa vàng. Nhỏ vào tai.

Chữa sốt cao, phát cuồng, viêm họng, ho: sừng trâu mài với nước hay tán bột. Ngày dùng 4-8g.

Chữa băng huyết (Nam dược thần hiệu): sừng trâu (đốt tồn tính), than tóc rối 40g, bồ hóng bếp 40g. Tất cả nghiền mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g. Uống với nước sắc lá ngải. Hoặc sừng trâu, mai mực, liều lượng bằng nhau, trộn thêm ít xạ hương; mỗi lần uống 4g với ít rượu vào lúc đói.

Chữa liệt dương, đau ngang thắt lưng, đi tiểu nhiều lần: lõi trong sừng trâu 50g, ba kích 250g, hà thủ ô chế 50g, kỷ tử 50g, rễ cỏ chỉ 25g. Tất cả sao khô, tán bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn bằng hạt nhãn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên.

Các thầy thuốc y học cổ truyền coi tác dụng của sừng trâu như sừng tê giác nên còn có tên Thủy tê giác. Có tài liệu coi 8 sừng trâu bằng 1 sừng tê giác nên liều dùng thay tê giác thường cao gấp 6-8 lần.

Chữa kinh phong trẻ em: bột sừng trâu 5g, câu đằng 15g, bọ cạp 2,5g, nam tinh chế 5g, chu sa 1,5g. Sắc uống.

Chữa thủy thũng, tiểu dắt: đuôi trâu cạo bỏ lông, thái nhỏ, nấu canh.

Chữa nóng trong, miệng khô khát, nước tiểu đỏ ở người cao tuổi: thịt trâu 250-300g, nấu với ít gừng, vỏ quýt, hành, giấm, muối. Ăn lúc đói.

Chữa huyết hư, nóng trong xương, mồ hôi trộm: thịt trâu hoặc xương tủy hầm với ngó sen hoặc củ cải, củ súng cùng các vị rau thơm.

Tác dụng làm tăng tiết sữa, chữa tắc sữa: thịt mũi lõ trâu, gạo nếp 50g, lá sung tật 30g, quả mít non 30g. Nấu cháo.

Thực đơn dân gian có rất nhiều món ăn hấp dẫn như: trâu xào, trâu nướng, trâu hấp, sách trâu, lẩu trâu...

Tại Ấn Độ, sữa trâu và các sản phẩm được sử rộng rãi.

Tại Italy, có loại pho-mát chế từ sữa trâu (Mozzarella) có tác dụng tốt, được nhiều người ưa thích.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn