Hà Nội

Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ, dị tật cần phát hiện sớm

Tiến sĩ – BS  Hoàng Hải Đức

Tiến sĩ – BS Hoàng Hải Đức

Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi – Bệnh viện Nhi Trung Ương

12-06-2020 14:57 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trật khớp háng bẩm sinh nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì việc điều trị sẽ đơn giản, tỉ lệ thành công có thể đạt 98 %. Nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ rất phức tạp, kết quả có thể kém, để lại nhiều di chứng..

 

Trật khớp háng bẩm sinh là một dị tật rất khó được phát hiện sớm, thậm chí gia đình thấy trẻ có bất thường khi vận động đã đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám vẫn không phát hiện được.

Trật khớp háng bẩm sinh nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì việc điều trị sẽ đơn giản, tỉ lệ thành công có thể đạt 98 %. Nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ rất phức tạp, kết quả có thể kém, để lại nhiều di chứng như: tái trật khớp, hoại tử chỏm xương đùi, loạn sản tiến triển ổ cối và chỏm xương đùi gây mất cân xứng chiều dài của chi, teo cơ cứng khớp, hạn chế vận động

Dấu hiệu “tố cáo” trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh

TS.BS  Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi – Bệnh viện Nhi TW

Bệnh viện Nhi TW cho biết, mỗi năm khoa Chỉnh hình nhi tiếp nhận khoảng 50 đến 70 bệnh nhi đến điều trị phẫu thuật vì bị trật khớp háng bẩm sinh. Theo TS Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi – Bệnh viện Nhi TW thì đây chỉ là một con số rất nhỏ.

Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc căn bệnh này là khoảng 1/800 đến 1/1000 (cứ 800 đến 1000 trẻ sinh ra, có 1 trẻ mắc bệnh), tỷ lệ mắc của trẻ gái khoảng 80%, trẻ trai chiếm 20%, trẻ gái so với trẻ trai là 4/1. Điều đó cũng có nghĩa nhiều trẻ chưa được phát hiện, đang phải sống chung với căn bệnh này.

Trên thế giới, trật khớp háng bẩm sinh được phát hiện và nghiên cứu tương đối sớm về sinh bệnh học cũng như các phương pháp điều trị. Cooperman D (2013) đã tổng hợp nhiều nghiên cứu trên thế giới và đưa ra kết luận về cơ chế bệnh sinh của trật khớp háng bẩm sinh là do loạn sản ổ cối. Qua nghiên cứu, giới chuyên môn chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây nên bao gồm: thai ngôi ngược, thiểu ối, gia đình có tiền sử bị trật khớp háng, bất thường hệ cơ xương …

Đối với trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh, khi mới sinh ra sẽ rất khó phát hiện. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu gợi ý, các phụ huynh khi chăm sóc con cần chú ý, đó là:

- Sự chênh lệch chiều dài của chi (chân);

- Nếp lằn mông, đùi với bên bị trật khớp háng dài hơn bên lành;

- Bàn chân trẻ đổ ra ngoài khi trẻ nằm duỗi chân;

- Trẻ hạn chế việc dạng khớp háng nên khó khăn khi thay bỉm, tã, quần;

- Khi trẻ lớn bị lệch vai 1 bên, chân đi tập tễnh;

- Bên chân bị trật khớp háng sẽ yếu hơn …

Đối với các trường hợp bị trật khớp háng 2 bên thì khó xác định hơn do 2 bên có dấu hiệu giống nhau. Ở trẻ lớn bị trật khớp háng 2 bên sẽ có dấu hiệu ưỡn trước cột sống lưng quá mức.

"Tại khoa Chỉnh hình Nhi, chúng tôi nhận thấy để nhận biết sớm thì việc sàng lọc qua siêu âm, qua lâm sàng ở cách bệnh viện sản nhi là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa thật sự được chú trọng. Vì thế, quá trình chăm sóc sự quan sát, chú ý của bố mẹ có ý nghĩa quyết định việc phát hiện con bị bệnh sớm hay muộn"- TS Đức nhấn mạnh

98% trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Theo TS Hoàng Hải Đức, việc đưa ra chỉ định điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng, lứa tuổi và cơ địa của mỗi trẻ. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng, trẻ càng lớn thì việc can thiệp càng khó khăn

Thực tế, từ năm 2016 đến nay khoa Chỉnh hình Nhi đã phẫu thuật điều trị cho gần 300 ca, tỷ lệ chữa khỏi đạt trên 98%. Chỉ có 4/gần 300 ca bị trật khớp lại cần phải mổ lần 2.

Theo đó, trật khớp háng có thể điều trị ngay từ khi trẻ còn ở trong độ tuổi sơ sinh đến 6 tháng bằng các loại đai nẹp nhằm nắn chỉnh và duy trì sự nắn chỉnh, tạo môi trường thuận lợi tối ưu cho đầu trên xương đùi và ổ cối phát triển.

Trẻ từ 6 đến 18 tháng, điều trị trật khớp háng phải kết hợp nắn chỉnh kín và bó bột cố định. Nếu nắn chỉnh kín thất bại thì cũng cần phải phẫu thuật nắn chỉnh mở.

Đặc biệt trên 18 tháng cần phẫu thuật nắn chỉnh mở, có thể phải cắt xương chậu để tạo hình ổ cối kèm theo cắt sửa trục cổ - chỏm xương đùi.

Ngoài ra, tuy vào từng trường hợp cụ thể chi phí điều trị trật khớp háng bẩm sinh cũng khác nhau. Tại Bệnh viện Nhi TW chi phí điều trị chỉ giao động trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng/1 ca. Bởi vậy, nhiều trường hợp đưa con ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí lên đến 400 đến 500 triệu đồng là hết sức lãng phí.

TS.BS Hoàng Hải Đức thăm khám cho bệnh nhân

“Thực tế trình độ, tỷ lệ thành công, phương pháp điều trị trật khớp háng tại Bệnh viện Nhi TW không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Thậm chí là có những ưu điểm vượt trội” – BS Đức cho biết thêm.

Ví dụ một số nơi vẫn áp dụng phương pháp mổ cũ với chiều dài vết mổ lên đến 8-12cm. Lý do là các bác sĩ phải mổ rộng để lấy xương chậu tự thân, để ghép tạo hình ổ cối cho trẻ.

Hiện Bệnh viện Nhi TW sử dụng xương đồng loại để ghép và tạo hình ổ cối. Ưu điểm của kỹ thuật này đường mổ chỉ dài từ 4-6cm, đỡ mất máu hơn, đỡ tổn thương thần kinh, mạch máu, trẻ hồi phục nhanh hơn, vết mổ có tính thẩm mỹ hơn.

Cuối cùng, BS Đức một lần nữa khuyến cáo phụ huynh hãy quan sát để sớm phát hiện bệnh, đưa trẻ đi khám, điều trị sớm nhằm hạn chế tốn kém và đạt hiệu quả điều trị cao.

Sau giai đoạn được phẫu thuật và bất động phụ huynh cần tập vận động cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu sau tháo bột cần chú ý tránh để trẻ vận động quá mức hoặc bị chấn thương, vì đây chính là nguyên nhân khiến trẻ có thể bị trật khớp háng trở lại.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn