Ghi nhận cho thấy nguyên nhân chủ yếu trật khớp gối do tai nạn giao thông, ngã cao, thể thao. Trật khớp gối ít gặp chiếm tỉ lệ < 1% trong các tổn thương chấn thương chỉnh hình, nhưng có nhiều biến chứng tổn thương nặng nề trong đó tỉ lệ cao là tổn thương mạch máu vùng khoeo. Có gần 50% sau chấn thương trật khớp gối tự nắn và dễ đưa tới một chẩn đoán sai (nghĩ chấn thương phần mềm thông thường và dễ bỏ sót tổn thương của mạch máu). Tổn thương mạch máu chiếm tỉ lệ 40-50% trong trật khớp gối, gần 40% làm khớp gối lỏng lẻo và mất vững.
Bị cắt cụt chân vì đắp lá tự chữa trật khớp gối
Sau khi bị tai nạn giao thông, người đàn ông 54 tuổi ở tỉnh Điện Biên bị trật khớp gối. Tuy nhiên thay vì đến bệnh viện điều trị, bệnh nhân tự đắp lá theo kinh nghiệm dân gian. Hai ngày sau khi đắp lá, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng sưng nề, tê bì tăng dần, mất vận động. Lúc này, bệnh nhân mới đến bệnh viện tỉnh khám trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng nặng và được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức điều trị.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định không còn khả năng bảo tồn chi và quyết định cắt cụt 1/3 dưới đùi cho bệnh nhân.
Ngày thứ 3 sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, không có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân, xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận về bình thường. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, tập phục hồi chức năng khớp háng và phần mỏm cụt đùi còn lại.
Cách nhận biết trật khớp gối
Trật khớp gối có thể được biểu hiện bằng trật ra trước, sau, trong, ngoài hay xoay, tùy thuộc sự dịch chuyển của xương chày đối với xương đùi. Trật xoay được biểu hiện như trước trong, trước ngoài, sau trong, hay sau ngoài.
Trật khớp gối là một cấp cứu chỉnh hình thực sự. Rất nhiều báo cáo đã nhấn mạnh đến tổn thương lan tỏa của dây chằng và khả năng bị biến chứng mạch máu của tổn thương này.
Khi bị trật khớp gối, người bệnh có thể nghe âm thanh ở khớp gối khi di chuyển. Cụ thể, các triệu chứng phổ biến khác có thể bao gồm:
- Đau gối: đau nghiêm trọng đến mức không thể cử động hoặc duỗi thẳng.
- Đầu gối cảm thấy không ổn định.
- Đầu gối sưng và bầm tím nghiêm trọng.
- Các bộ phận của đầu gối trông giống như lệch khỏi vị trí ban đầu.
Trật khớp gối cũng được chia ra làm nhiều loại khác nhau, cụ thể gồm:
- Trật khớp gối ra phía trước: đây là một dạng khớp gối bị trật thường gặp nhất. Khoảng 30% đến 50% người bị trật khớp gối đều nằm trong nhóm này. Phần dây chằng chéo sau sẽ bị đứt khi khớp gối bị trật. Khoảng 50% người bệnh đều bị đứt phần động mạch khoeo và có nguy cơ đến hơn 40% ảnh hưởng và tổn thương những mạch máu.
- Trật khớp gối ra phía sau: với nhóm này thì bệnh nhân có nguy cơ tổn thương đến mạch máu cao hơn 40%.
- Trật khớp gối ra ngoài.
- Trật khớp gối vào trong.
- Trật khớp gối thể phối hợp: Có thể là bị trật vào trong hoặc bị trật ra ngoài kết hợp cùng với xoay khớp.
Sau khi thăm khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang khớp gối trước và sau nắn trật khớp kiểm tra xem có gãy xương kèm theo không. Siêu âm Doppler mạch máu chân bị chấn thương kiểm tra và theo dõi tổn thương mạch máu. Có thể chụp CT scan, MRI xác định gãy xương phức tạp, tổn thương phần mềm phức tạp.
Xử trí khi trật khớp gối
Vì vậy, khi xác định bị trật khớp gối bệnh nhân cần được xử trí đúng, cần nắn sai khớp càng sớm càng tốt, kéo thẳng chi tùy vị trí đầu trên xương chày đẩy vào khớp, tránh duỗi quá mức sợ tổn thương động mạch khoeo.
Bác sĩ sẽ nắn chỉnh để khớp trở về vị trí ban đầu. Sau đó, đeo nẹp để cố định khớp đầu gối, ngăn tình trạng xương lệch về vị trí trật, đồng thời hỗ trợ đầu gối ổn định, nhanh hồi phục hơn.
Bệnh nhân cần tập gấp duỗi, vận động khớp gối sau khi bỏ bột. Sau đó cần xác định tổn thương các dây chằng, sụn chêm để có hướng điều trị tiếp.
Cũng có thể sẽ được chỉ định mổ nắn chỉnh sai khớp nếu nắn chỉnh sai khớp thất bại. Với tổn thương động mạch khoeo, sai khớp hở, tùy theo tổn thương có thể dùng khung cố định ngoài hoặc xuyên đinh steimann chéo xương đùi và xương chày để cố định, đồng thời xử trí tổn thương động mạch, vết thương hở...
Điều đáng lưu ý, nắn chỉnh khớp gối đơn thuần thành công ngay lúc khám. Tuy nhiên, vẫn cần nhập viện theo dõi các tổn thương xuất hiện muộn như tắc động mạch khoeo. Với các tổn thương dây chằng vùng gối sau thời gian bất động và luyện tập kiểm tra đánh giá lại các dây chằng bị tổn thương để có kế hoạch điều trị.