Trong các chuyến đi đó, Sala Club đã phẫu thuật nhân đạo thành công cho hơn 400 người bệnh chấn thương, khuyết tật hệ vận động. Cùng với đó, biết bao phần quà, quần áo ấm, được trao cho người nghèo; cặp sách, ba lô trao cho thầy trò ở các trường học vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới…
Ra đời từ kết nối của những trái tim thiện nguyện
Là một bác sĩ, phẫu thuật viên, chuyên gia đầu ngành của chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn được làm việc với nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành ở Úc, Mỹ, Thụy Sĩ và rất nhiều nước khác. Những chuyên gia này, dù bận rộn đến mấy họ vẫn có thể dành thời gian, tiền bạc và công sức bay nửa vòng trái đất đến mổ từ thiện ở Việt Nam và trong những ca phẫu thuật nhân đạo đó đều có sự tham gia của ông.
Từ đó, PGS.TS.BS. Ngô Văn Toàn đặt ra câu hỏi: Tại sao, chính những con người, bác sĩ Việt Nam lại không thể chung tay làm những hoạt động như thế trên quê hương của mình?
BS.Toàn cũng biết rõ, chi phí cho một ca phẫu thuật chỉnh hình không hề rẻ, nhất là các ca phức tạp. Với người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu miên núi, biên giới còn rất khó khăn về kinh tế; quãng đường từ nơi xa xôi để đi được đến bệnh viện trung ương cũng tốn kém và vất vả. Do đó các ca bệnh phức tạp hầu như không có khả năng tiếp cận với các biện pháp điều trị hiện đại, chuyên môn sâu. Các em nhỏ, người dân ở những nơi này nếu không may bị dị tật bẩm sinh hoặc dị tật mắc phải do chấn thương thường chấp nhận số phận tàn tật suốt đời…
Trăn trở trước những số phận thiếu may mắn đó, BS.Toàn cho rằng, chính các bác sĩ là người có thể làm một điều gì đó để mang lại nụ cười họ. Với tay nghề của bác sĩ có thể góp một phần để thay đổi số phận của những con người này. Và ông là một trong những bác sĩ cần phải đi tiên phong trong hành động này. Động lực này đã thôi thúc ông (khi đó là Phó viện Trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Trưởng khoa Chấn thương Chình hình 1- Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức), quyết tâm kêu gọi đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ... để thành lập câu lạc bộ phẫu thuật nhân đạo. Và tất nhiên, điều gì xuất phát từ trái tim thì luôn có sức mạnh gắn kết.
Khi những băn khoăn của ông vừa được giãi bày, chia sẻ, đã được bạn bè đồng tình ủng hộ ngay. Năm 2010, Câu lạc bộ phẫu thuật nhân đạo do PGS.TS Ngô Văn Toàn làm chủ tịch ra đời. Với tên gọi Sala - loài hoa gắn với điển tích của Phật giáo, là tín ngưỡng và sự tốt lành, thể hiện sự yêu thương, sự bao dung của con người với con người. PGS.TS.Ngô Văn Toàn chia sẻ: Đi đến quyết định thành lập câu lạc bộ ban đầu chỉ có 4 người là tôi, nhà báo Ánh Ngọc, nhà báo Ngô Thu Trang và cô giáo Thu Minh.
Đến nay Sala Club đã kết nối thêm được rất nhiều trái tim cùng chung tay chung sức thực hiện nguyện vọng này. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch câu lạc bộ Ngô Văn Toàn, họ đã tìm được sự đồng điệu khi tham gia công việc. Đó là sự cảm thông, sự chia sẻ đối với những em nhỏ không may bị dị tật. Mỗi người một nghề góp công, góp sức, góp của để tạo thành một câu lạc bộ hoạt động mang tính chuyên nghiệp: Người là nhà báo, họa sĩ giúp làm công tác truyền thông, giáo dục; bác sĩ sẽ làm công tác chuyên môn, doanh nhân hỗ trợ tài chính…
Để lên kế hoạch cho một chuyến công tác thường mất từ 2-3 tháng. Từ liên hệ với bệnh viện tỉnh; thu thập tìm hiểu công việc, hoàn cảnh của các bệnh nhân được thăm khám… đến công tác tổ chức, kết nối các tổ chức, hậu cần cho chuyến đi… đều được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.
PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn chia sẻ: Tiêu chí của Sala Club là giúp "sửa chữa" những khuyết tật, dị tật bẩm sinh hệ vận động, khiếm khuyết và di chứng sau tai nạn cho các bệnh nhân nghèo, đặc biệt là trẻ em. Vậy là cứ nơi miền núi cao nào của Tổ quốc có nhiều số phận đáng thương cần giúp đỡ thì nơi đó sẽ có sự góp sức của Câu lạc bộ Sala.
Cứ như thế, 13 năm qua, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng không hề ngắn. Nhiều bệnh nhân nghèo ở các tỉnh miền núi khó khăn ở các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An… không phải đi lên bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương để khám và điều trị. Thay vào đó, những bác sĩ như PGS.TS.Ngô Văn Toàn cùng các cộng sự từ trong nước và nước ngoài đã về tận nơi xa xôi đó, vừa mang theo thiết bị hiện đại, vừa mang theo nguồn tài chính cũng những tấm lòng thiện nguyện, để thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Chi phí mỗi ca mổ được tính theo tiêu chuẩn của nhà nước. Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì được bảo hiểm chi trả. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế thì được Câu lạc bộ Sala tài trợ chi phí phẫu thuật và cả chi phí đi lại. Đó là những chi phí thực tế có thể quy thành "tiền".
Nhưng có những chi phí không thể quy đổi, không thể tính bằng giá trị vật chất. Đó là những tấm lòng, tâm huyết, tay nghề, kinh nghiệm phẫu thuật của các giáo sư, chuyên gia hàng đầu Việt Nam; chuyên gia từ nước ngoài mang đến cho bệnh nhân.
Để triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân tại các địa phương thì điều kiện đặt ra đầu tiên phải là "an toàn". An toàn không chỉ từ phòng mổ, trang thiết bị, cơ sở vật chất… An toàn không chỉ là những phẫu thuật viên phải có trình độ, mà cả các bác sĩ gây mê hồi sức, kỹ thuật viên, điều dưỡng, những người trong ê kíp của cuộc mổ cũng phải có trình độ.
Đó là một cuộc "phối hợp" an toàn giữa các khâu trong một cuộc phẫu thuật. Khám, xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng để phòng ngừa và loại trừ những rủi ro có thể xảy ra. Mà sự phối hợp an toàn này được tiến hành tại bệnh viện ở vùng xa xôi lại càng thêm phần khó khăn… Những điều đó, không phải tổ chức nhân đạo nào cũng có thể làm được.
Từ khởi nguồn yêu thương đến trao truyền kinh nghiệm
Tại các nơi mà Sala tới, sau khi thăm khám và sàng lọc bệnh nhân, ngoại trừ những trường hợp bắt buộc phải chuyển lên tuyến trung ương để tiến hành phẫu thuật do điều kiện khách quan tại địa phương như: Thiếu trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật; trình độ bác sĩ địa phương chưa đủ điều kiện để đáp ứng, thì rất nhiều trường hợp các chuyên gia, bác sĩ của Sala Club lại cùng các bác sĩ địa phương đã phẫu thuật điều trị tại bệnh viện tỉnh. Cũng từ các ca phẫu thuật này, các bác sĩ tuyến tỉnh đã học hỏi được không ít kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành.
Một cách hiểu đơn giản, đó là sự chuyển giao kỹ thuật, là sự trao truyền kinh nghiệm, là cầm tay chỉ việc cho các bác sĩ địa phương. Điều này vô cùng ý nghĩa đối với các bác sĩ tuyến tỉnh. Qua những ca học hỏi trực tiếp này, họ không chỉ được học những kỹ thuật cao, kỹ thuật khó từ những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và thế giới; được hướng dẫn và nâng cao trình độ chuyên môn; được học cách giải quyết vấn đề… mà quan trọng hơn cả là họ được cùng các thầy, cùng đội ngũ của Sala Club làm được việc vô cùng ý nghĩa. Đó là mang lại nụ cười cho những người bệnh dân tộc thiểu số, khó khăn ngay tại quê hương.
Cùng với tinh thần học tập cao, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện, ở địa phương cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều sau mỗi chuyến công tác của Sala Club.
BS.CK2.Vi Văn Đức, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: Nhiều ca bệnh khó, chưa có điều kiện chuyển lên tuyến trên, thì việc tiếp nhận các kỹ thuật từ thầy Toàn và cộng sự trong từng chuyến công tác của Sala Club về địa phương đã giúp chúng tôi cùng đồng nghiệp ở bệnh viện có thể xử lý được. Về mặt đào tạo trực tiếp thì vô cùng hiệu quả.
BS.Trần Tuấn Anh - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đang được người thầy đáng kính Ngô Văn Toàn đào tạo, chỉ bảo - lần đầu được đi cùng Sala Club đến Lạng Sơn vào dịp cuối năm 2022 cho biết: "Tham gia hoạt động này rất thiết thực với những trải nghiệm thú vị. Có nhiều trường hợp chưa bao giờ chúng tôi gặp ở tuyến trung ương thì ở đây chúng tôi đã thấy. Cách giải quyết của thầy Toàn rất linh hoạt và sắc bén. Thầy biết cách làm sao để một ca điều trị có thể thích nghi với điều kiện hiện có của bệnh viện tỉnh mà vẫn mang lại hiệu quả cao nhất. Đây là một trong những bài học đáng quý đối với chúng tôi".
Được hướng dẫn trực tiếp cùng các ca phẫu thuật, nhiều bác sĩ đã chia sẻ cảm xúc của mình với PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn.
"Thầy vừa là một người thầy, vừa là một người cha nâng đỡ chúng tôi. Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi được học hỏi rất nhiều điều." - BS.Phạm Ngọc Truy, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
"Chúng tôi không chỉ học được ở thầy cách đối nhân xử thế, với bệnh nhân, với đồng nghiệp và hơn cả là lòng nhân hậu đối với những hoàn cảnh khó khăn" – BS.Nguyễn Văn Sự - Khoa Điều trị tự nguyện - BV Hữu nghị Việt Đức cũng cùng ý kiến.
Hiện tại, PGS.TS.BS. Ngô Văn Toàn không còn giữ cương vị lãnh đạo trong khoa, trong bệnh viện, nhưng là một chuyên gia đầu ngành, ông vẫn giữ nhiệm vụ chuyên môn trong bệnh viện. Theo lịch, ông vẫn khám và phẫu thuật cho bệnh nhân; vẫn tham gia giảng dạy và còn đào tào cho nhiều thế hệ học trò tiếp bước.
Riêng với Sala Club, ông vẫn luôn trăn trở: Làm sao để hoạt động của Sala hiệu quả và bền bỉ lâu dài? Vẫn còn nhiều bệnh nhi và bệnh nhân nghèo chờ ông và các cộng sự. Chính vì thế đến nay ông vẫn chưa từng ngơi nghỉ, chưa từng vắng mặt trong mỗi chuyến đi…
Một ngày nào đó, sẽ có những người kế cận tiếp tục hành trình của ông. Đó là những học trò mà ông đã tâm huyết truyền dạy cả kinh nghiệm nghề nghiệp và ảnh hưởng đến họ cả nhân cách sống, đã luôn nhận thức được rằng, họ không chỉ được học kiến thức, được nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn học được rất nhiều từ tấm lòng nhân hậu cao cả của thầy.
Y và Đức phải luôn đi liền trong công việc và cuộc sống thường ngày. BS.Toàn luôn dạy học trò rằng: "Nghề y là một nghề may mắn vì được hưởng phúc và làm phúc, đó là cứu giúp cho mọi người. Làm thiện nguyện một cách có ý nghĩa cũng là làm phúc và là một hướng đi đúng cho mỗi bác sĩ".
Chính từ tâm huyết và lời dạy của thầy mà đến giờ, Sala Club đã quy tụ được rất nhiểu các bác sĩ chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, của các bệnh viện khác ở trung ương, tuyến tỉnh tham gia cùng hành trình trao yêu thương.
Để thu xếp thời gian cho một chuyến đi dài ngày đến các tỉnh miền núi đối với các bác sĩ, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, trưởng khoa tại các bệnh viện lớn không hề dễ dàng. Thế nhưng, những thế hệ kế cận của PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn luôn cố gắng, bền bỉ tham gia cùng hành trình của Sala Club.
TS.BS.Trần Cửu Long Giang - Trưởng khoa Ngoại Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình - BV Hữu nghị Việt Xô cho biết: "Vừa tham gia khám, phẫu thuật trong chuyến công tác của Sala, vừa điều hành công việc của đơn vị công tác qua điện thoại… Những vất vả đó không thể so sánh với niềm vui khi đã giúp được cho những người dân tộc kém may mắn. Câu lạc bộ Sala đã tạo điều kiện để chúng tôi được điều trị cho bệnh nhân ngay tại nơi họ sống mà họ không cần phải đi xa. Tôi rất vui vì đã là một thành viên của câu lạc bộ và đóng góp một phần nhỏ nhoi vào công việc ý nghĩa này".
Đồng hành với Sala Club từ chuyến đi đầu tiên khi là đang bác sĩ nội trú cho đến nay, TS.BS.Phan Bá Hải - Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1 - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tự hào chia sẻ: "Những chuyến đi của Sala với tiêu chí là mang lại giá trị tốt nhất cho những bệnh nhi và người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Và chúng tôi đã làm được điều đó trong những năm tháng qua. Rất tự hào là thành viên của Sala club".
Kết nối không biên giới
Với hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, được học tập, tiếp xúc và làm việc với nhiều đồng nghiệp, chuyên gia nước ngoài nên PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn không chỉ phối hợp với các chuyên gia này trong công việc chuyên môn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà còn kết nối họ phối hợp tham gia nhiều chuyến thiện nguyện cùng Sala. Nhiều năm qua, Tổ chức Chữ Thập Xanh của Thụy Sĩ cùng tổ chức của Mỹ như VietCal đã gắn kết cùng Sala Club trong những chuyến đi đến các tỉnh miền núi...
Với những việc làm thực tế, BS.Toàn đã kết nối được những trái tim đồng cảm, những trái tim nhân ái từ bên kia địa cầu, ở những đất nước văn minh cùng chung tay chia sẻ với những người bệnh khó khăn. Đó cũng là cách mà BS.Toàn muốn các học trò của mình cùng những đồng nghiệp ở địa phương được học hỏi kỹ thuật cao, sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong lĩnh vực này của thế giới.
GS.Thomes Golden Mac - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Ventura, bang California, Mỹ cùng với GS.Emily Benson (một chuyên gia đào tạo các bác sĩ nổi tiếng trong chuyên ngành này) là những người làm việc và rất thân tình với bác sĩ Toàn trong nhiều năm.
Sau thời gian cộng tác, hai vị giáo sư này đã sáng lập Tổ chức Vietcal và cùng Sala tham gia 3 chuyến công tác đến Hà Giang. Mỗi chuyến đi đều để lại ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm đối với họ. Không chỉ là văn hóa vùng miền, là sự thân thiện của người dân, là sự nhiệt tình của các bác sĩ địa phương, là những chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp của Sala Club mà còn là thành quả của công việc, đó là phẫu thuật thành công cho các bệnh nhân nghèo.
Dù trong điều kiện trang thiết bị của bệnh viện địa phương còn khó khăn, nhưng họ đã cùng nhau trao đổi, phối hợp làm việc để mang lại kết quả tốt nhất. Và sau mỗi chuyến đi, họ nhận thấy trình độ của các bác sĩ địa phương đã thay đổi hơn. Họ chia sẻ rằng, BS.Toàn chính là người kết nối 2 tổ chức này với nhau và làm nên những điều kỳ diệu.
Là một trong những bác sĩ phẫu thuật, TS.Daniel Chris Allison lần đầu tham gia chuyến công tác với Sala tại Hà Giang vào tháng 5/2023 đã vô cùng ấn tượng với BS.Toàn cùng các thành viên trong đoàn. Bản thân ông rất cảm kích với BS.Toàn và vinh dự được là một phần của chương trình mổ từ thiện lần này. Ông mong muốn được tiếp tục hợp tác với Sala Club trong những năm tiếp theo.
TS.Nguyễn Bảo Trọng ở Pountain Vally, Califormia, là một bác sĩ người Mỹ gốc Việt, tham gia lần đầu với Sala Club trong chuyến công tác này cũng tâm sự: "Trong chuyến đi này, tôi học hỏi được rất nhiều từ các bác sĩ của Sala Club về cách làm việc trong điều kiện vật chất khó khăn và thiết bị hạn chế, nhưng cùng lúc họ có thể giải quyết nhiều ca mổ. Hiểu được cách họ làm việc rất quan trọng vì chúng tôi có thể giúp đỡ họ. Và ngược lại cũng để họ giúp đỡ chúng tôi. Đó là một trải nghiệm rất thú vị".
Với những chuyên gia tầm cỡ thế giới, đi khám và mổ từ thiện cùng Sala là một cách để họ "học hỏi". Nhưng BS.Toàn lại đùa rằng "đó là cách để họ "thích nghi" với những khó khăn".
‘Phép nhiệm màu’ đã giúp những ước mơ trở thành hiện thực
Trong hành trình 13 năm, mỗi chuyến đến vùng cao, biên giới khó khăn, các bác sĩ đã khám cho hàng trăm người bệnh, trẻ em khiếm khuyết, dị tật hệ vận động, phẫu thuật cho biết bao trường hợp, giúp cho rất nhiều người bệnh, trẻ em được đi lại, học tập và lao động như người bình thường.
Sự giúp đỡ, sẻ chia của PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn và những người đồng hành dành cho bệnh nhân có thể là đơn giản, bởi đó là những gì họ mang đến từ tay nghề và tấm lòng. Nhưng đối với những người bệnh, những bậc làm cha làm mẹ vì hoàn cảnh khó khăn mà chấp nhận để con mình phải chịu khuyết tật đôi bàn tay, bàn chân thực sự là những phép màu đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống.
Con em của họ có thể cầm bút viết, tự làm việc bằng đôi tay mình; tự bước đi vững chãi, chạy nhảy trên đôi chân đã được các bác sĩ của Sala Club phẫu thuật. Ánh mắt ân cần, cử chỉ thân thiện của BS.Toàn cũng như các cộng sự đã làm bệnh nhân bớt đi sự lo lắng cho ca phẫu thuật sắp tới. Những con người lam lũ, nghèo khó đã tràn đầy ước mơ. Ước mơ về một điều kỳ diệu từ bàn tay của các bác sĩ sẽ chữa lành cho con mình. Điều tưởng chừng như phép màu ấy lại diễn ra trong mỗi chuyến công tác của Sala Club.
Ngắm nhìn con trai, chị Chảo Tào Mẩy ở Sapa, Lào Cai, vô cùng hạnh phúc nhớ lạ: Cách đây 4 năm, với dị tật của con trai mình là Chảo Láo Cáo đã có chỉ định "cắt một chân", nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chưa có đủ điều kiện để phẫu thuật, nên 2 mẹ con quay trở về.
Nhờ nhân duyên đã kết nối em đến được với PGS.TS.BS.Ngô Văn Toàn. Ông đã ân cần thăm khám, hỗ trợ tiền bạc và trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau hơn 1 tháng phẫu thuật, đôi chân của Cáo từ đi học phải có bạn cõng giờ đã có thể tập đi, rồi đi lại vững vàng. Đến nay Chảo Láo Cáo đã có thể tham gia đá bóng, chạy nhảy cùng các bạn.
Cậu bé người Mông đó là một trong những bệnh nhi nhớ đến "ông" Toàn nhất. Ước mơ của Cáo lúc này là học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho đồng bào mình. Chảo Láo Cáo chỉ là một trong hàng nghìn bệnh nhân được BS.Toàn phẫu thuật trong suốt mấy chục năm làm thiện nguyện của mình.
Làm trọn trách nhiệm đã là điều đáng quý, nhưng khi trách nhiệm đó đi cùng tình thương và sự sẻ chia thì đó là nghĩa cử cao đẹp. BS.Toàn cũng như những thầy thuốc của Sala Club có thể không nhớ hết các trường hợp từng phẫu thuật, nhưng trong lòng lũ trẻ và gia đình thì các bác sĩ chính là ông Tiên mang lại phép nhiệm màu cho họ.
Biết bao lời cám ơn, lời tri ân đến với các thầy thuốc của Sala Club trong mỗi hành trình đáng nhớ. Đối với các bác sĩ - họ có thể chỉ là những người bình thường, nhưng khi mang tấm lòng nhân nhân ái, giúp cuộc sống của bệnh nhân tốt đẹp hơn - lại trở thành những người phi thường.
Cứ sống với hành trình trao yêu thương như ý nghĩa của cây Sala trong đạo Phật, như tên của câu lạc bộ. Một loài hoa rất đặc biệt, là biểu tượng của sự thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau. Mỗi đóa hoa như một con mắt nhìn đời, nhìn nhận cuộc sống với tâm hồn yêu thương, một trái tim thuần khiết không chứa đựng thành kiến.
Không chỉ mang y học tiên tiến đến với trẻ em, người bệnh nghèo khuyết tật ở vùng cao, sức lan tỏa của Sala còn nhiều hơn thế. Đó là cầu nối giao thoa y học giữa bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, giữa các chuyên gia chấn thương chỉnh hình trong nước và quốc tế. Là sự kết nối từ trái tim đến trái tim của những người đồng điệu.
13 năm qua, sau những hành trình thiện nguyện, Sala Club đã để lại niềm tin, niềm hy vọng, những mảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn được hàn gắn với một tương lai tươi sáng hơn. Cứ trao đi yêu thương sẽ tạo nên một cộng đồng giàu tình thương và lòng nhân ái...
Mời độc giả xem thêm video:
Dưới bóng Sala