Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư số 27 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2024.
Ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa
Tại Thông tư số 27, Bộ GD&ĐT đưa ra ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa: Thứ nhất, lựa chọn trong danh mục đã được Bộ GD&ĐT tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục; Thứ hai, mỗi khối lớp lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục; Thứ ba, việc lựa chọn sách giáo khoa phải đảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Theo Thông tư mới, quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước đây. Cụ thể, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn
Về quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục, hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách; phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Căn cứ vào kế hoạch của hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện.
Tổ trưởng tổ chuyên môn cũng tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường) tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó. Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách.
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 sách giáo khoa cho môn học đó. Trường hợp môn học chỉ có 1 sách giáo khoa được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt thì tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa trong quyết định, không cần bỏ phiếu. Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn.
Sau khi hội đồng đề xuất với người đứng đầu danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn, cơ sở giáo dục sẽ lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và cấp THCS), Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT).
Đối với việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, Thông tư 27 nêu: "Phòng GD&ĐT có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; báo cáo Sở GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý lựa chọn.
Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; rà soát báo cáo của các phòng GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn; tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.
4 năm học, 3 lần thay đổi quy định
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới đưa vào thực tiễn. Thông tư số 01 của Bộ GD&ĐT khi đó trao quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên và các trường. Bộ GD&ĐT quy định mỗi trường thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa dưới sự điều hành của hiệu trưởng. Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục.
Sang đến năm học thứ 2 (năm học 2021 - 2022) Bộ GD&ĐT lại ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01 về chọn sách giáo khoa. Theo đó, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập.
Lý giải việc quyết định đổi quyền lựa chọn sách giáo khoa, khi ấy đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, từ ngày 1/7/2020, luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành với quy định "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn" (điểm c khoản 1 điều 32).
Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trong tháng 5/2020 để các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn tổ chức in ấn, phát hành… kịp cho khai giảng năm học vào tháng 9/2020.
Đến giữa cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT lại ra dự thảo thông tư trao trả quyền lựa chọn sách giáo khoa về các thầy cô, nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25. Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng và giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.
Như vậy, Thông tư này được ban hành, trong vòng 4 năm học từ 2020 - 2024, Bộ GD&ĐT đã 3 lần thay đổi việc lựa chọn sách giáo khoa ở các trường phổ thông.