Trao tặng 22 đạo sắc phong cổ bị thất lạc 16 năm trước

30-10-2022 19:05 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Ngày 30/10/2022, Ban bảo vệ di tích lịch sử xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã tổ chức lễ tiếp nhận sắc phong di tích lịch sử cấp quốc gia đình Tri Chỉ bị thất lạc 16 năm trước.

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 1.

Đại diện địa phương đã tiếp nhận 22 đạo sắc phong gốc do nhà sưu tập Đặng Vũ Khương hiến tặng. Đây là sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng cho các vị thần/Thành Hoàng làng thuộc làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên đã được nhà sưu tập Đặng Vũ Khương sưu tầm và lưu giữ. 22 đạo sắc phong này phần lớn còn giữ được nguyên hiện trạng.

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 2.

Đình làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên là một trong các di tích có niên đại sớm nhất trong huyện. Di tích có niên đại xây dựng thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII - XVIII, được gìn giữ khá nguyên vẹn giá trị nghệ thuật. Đình Tri Chỉ với gần 400 năm tồn tại, sự cổ kính của ngôi đình đã mang trên mình những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 3.

Theo Hồ sơ di tích đình làng Tri Chỉ (1985) và một số tài liệu khác, đình Tri Chỉ có 28 sắc phong, bao gồm: Quang Trung có 02 đạo sắc, Cảnh Hưng có 03 đạo sắc, Thiệu Trị có 08 đạo sắc, Tự Đức có 05 đạo sắc, Đồng Khánh có 01 đạo sắc, Thành Thái có 02 đạo sắc, Duy Tân có 01 đạo sắc, Khải Định có 06 đạo sắc. Năm 2006, đình làng đã bị thất lạc 27 sắc phong, chỉ còn lại 01 sắc phong nhưng đã bị rách một số chỗ.

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 4.

Theo thần phả xã Tri Chỉ thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, trấn Nam Thượng, do hàn lâm viện Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính soạn niên hiệu Hồng Phúc năm thứ 01 (1752) và sao lại niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 02 (1840) làng Tri Chỉ thờ sáu vị thần: Linh Lang đại vương, Đông Hải đại vương, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Thủy Hải Long vương, Thánh sư Nghiêm Thắng và Đặng An Công.

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 5.

Năm 2022, trên diễn đàn "Hội mê Sắc phong", nhà sưu tập Đặng Vũ Khương đã công bố thông tin đang lưu giữ 22 đạo sắc phong của di tích đình làng Tri Chỉ và có ý định giao tặng lại cho địa phương. Trong ảnh: Nhà sưu tập Đặng Vũ Khương kí vào sổ hiến tặng Đạo sắc phong cho chính quyền xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 6.

Đại diện chính quyền xã Tri Trung đã trân trọng cám ơn nghĩa cử hết sức cao đẹp, nhân văn, hướng đến lợi ích chung vì cộng đồng của nhà sưu tập Đặng Vũ Khương trong việc hiến tặng các sắc phong quý giá cho địa phương. Các sắc phong này sẽ được địa phương bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của hiện vật.

Trao tặng 22 Đạo sắc phong cổ cho làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên - Ảnh 7.

Toàn bộ sắc phong đã được chuyên gia Hán nôm phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ với mong muốn các sắc phong này được trao trả về di tích làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên.

Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn, triện của nhà vua, là loại văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Các văn bản này thường làm bằng loại vải hay giấy đặc biệt. Các loại sắc phong thường thấy:

Sắc phong chức tước: là loại sắc phong do nhà vua các triều đại phong kiến dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công… Loại này không còn nhiều và thường do các gia đình dòng họ lưu giữ nên không phổ biến ra công chúng.

Sắc phong thần: là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần, do nhà vua các triều đại phong kiến phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng (Thành hoàng…).

Hầu như các đình làng của người Việt đều được các triều đại nối tiếp nhau ban sắc phong. Đây là cổ vật giá trị, mặc dù đã bị mất số lượng đáng kể nhưng còn lại đến nay khá lớn và thường được bảo tồn trong các kiến trúc tín ngưỡng của làng, xã.

Đối tượng được phong tặng thường là: nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên…

Nhân vật trên sắc phong thần cũng có thể là những người dân bình thường nhưng có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công đức với cộng đồng… gắn liền với lịch sử làng xã cổ truyền.


Phúc Khánh - Tuấn Anh
Ý kiến của bạn