Dự thảo của Bộ GD&ĐT trao quyền nhà trường lựa chọn sách giáo khoa thế nào?
Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT về lựa chọn sách giáo khoa (SGK), mỗi trường thành lập một hội đồng lựa chọn SGK. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá SGK của giáo viên; danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu. Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Bên cạnh đó, chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn SGK của cơ sở.
Việc này có phù hợp với thực tiễn?
Theo cô Lê Bích Hằng - nguyên giáo viên Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội), khi trả lại quyền lựa chọn SGK về các nhà trường thì hội đồng lựa chọn SGK gồm nhà trường, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh… là người hiểu, nắm được hết những đặc thù của học sinh, phụ huynh địa phương mình từ đó sẽ có sự lựa chọn được bộ sách phù hợp cho học sinh, với con em phụ huynh tại địa phương đó.
"Tôi ủng hộ việc này. Giáo viên sẽ chọn cuốn sách phù hợp với học sinh của lớp mình, trường mình để đề xuất lên tổ nhóm chuyên môn. Khi giáo viên thấy quyển nào hay, phù hợp thì giáo viên chọn; hội đồng không có quyền điều chỉnh mà sẽ lập biên bản đúng theo đúng lựa chọn của tổ chuyên môn".
Tuy nhiên, theo cô Hằng, để việc lựa chọn này thật sự mang lại hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần phải có tiêu chí, hướng dẫn cũng như tập huấn thật kỹ và bài bản bởi đặc thù của giáo viên tiểu học là dạy nhiều môn, trừ các môn như tiếng Anh, Âm nhạc, Thể thao… là có giáo viên bộ môn. "Với giáo viên bậc THCS và THPT thì chỉ thẩm định SGK từng môn, giáo viên tiểu học sẽ nghiên cứu, thẩm định, nhận xét nhiều cuốn SGK từ Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm…".
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), mỗi môn học có thể có nhiều SGK. Về cơ bản, SGK của một môn học chỉ khác nhau về cách tiếp cận chương trình môn học và ngữ liệu. Trong số SGK đã được bộ trưởng phê duyệt, việc cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn một SGK bất kỳ nào đó cho một môn học là hợp pháp.
Vì vậy, theo thầy Nguyễn Xuân Khang, việc trao quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý nhất. Ở cơ sở giáo dục phổ thông thì giáo viên trực tiếp giảng dạy là quan trọng nhất. Họ đọc nhiều SGK của môn mình dạy, thảo luận trong tổ bộ môn để tìm ra sách giáo khoa nào là "thích nhất", phù hợp nhất với học sinh của trường.
Ngoài ra, phụ huynh là người bỏ tiền mua SGK cũng có vai trò quan trọng. Họ có thể quan tâm đến giá sách. Nhưng giá SGK đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chênh nhau không nhiều. Cho nên, việc lựa chọn sách giáo khoa phụ huynh thường trông cậy hết vào giáo viên của trường.
"Các cơ sở giáo dục nhiều năm nay đã sử dụng SGK lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8,10, 11 khá ổn định. Vậy, cần làm rõ nếu Bộ GD&ĐT ban hành thông tư mới về việc lựa chọn SGK thì các cơ sở giáo dục có phải tổ chức lựa chọn lại SGK đang sử dụng theo quy định mới không? Còn SGK các lớp 5, 9,12 chưa được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đến năm học 2024 - 2025 mới triển khai thực hiện. Sắp tới, khi có danh SGK các lớp 5, 9, 12 được phê duyệt và nếu thông tư quy định về lựa SGK mới ra đời thì các cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn theo quy định mới là đương nhiên", thầy Khang bày tỏ.
Nêu ý kiến về nội dung mới trong dự thảo Thông tư lựa chọn SGK, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, việc giao các nhà trường chọn sách là chủ trương khoa học, phù hợp thực tiễn cũng như trình độ học sinh. Ngoài ra, việc giao quyền cho nhà trường chọn sách còn tác động đến việc giảm chi phí phát hành sách. "Việc giao quyền trong tự chủ chọn sách đòi hỏi mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc hơn về quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của mình; phải nghiên cứu SGK thực chất, khách quan để phục vụ quá trình chọn sách; đồng thời cần sớm thúc đẩy việc biên soạn 1 bộ SGK của nhà nước để phong phú hơn lựa chọn của giáo viên".
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lại nêu quan điểm: "Việc mỗi cơ sở giáo dục là một hội đồng lựa chọn SGK tôi thấy không cần thiết. Lý do đơn giản là không một cán bộ quản lý nào có thể bao quát hết các bộ SGK. Môn Toán không thể góp ý cho môn Văn và ngược lại. Do vậy, nếu để lựa chọn thì vẫn phải là các nhóm chuyên môn. "Việc lựa chọn SGK không giống như đi chợ mua mớ rau, con cá, ta ưng thì ta chọn, không ưng thì thôi. Nếu các bộ SGK của các công ty đều ổn thì không nói làm gì, nhưng nếu đều dở, kém chất lượng thì sao?", thầy Đường nêu quan điểm.