Trao nhầm con: Hãy biến sự cố thành niềm vui bất tận cho những đứa trẻ

13-07-2018 14:20 | Xã hội

SKĐS - Mấy ngày nay dư luận đang quan tâm vụ trao nhầm con tại BVĐK huyện Ba Vì cách đây 6 năm giữa hai cháu bé còn anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và con của chị Vũ Thị Hương trú tại Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội. Câu chuyện trao nhầm con có lẽ cũng không quá mới khi mà năm 2013 ở Bình Phước đã có một vụ và mới đây nhất năm 2016, một người mẹ ở Hà Nội cũng hơn 40 năm đi tìm con đẻ của mình . Có những câu chuyện đã đi đến cái kết có hậu thấm đẫm tình người nhưng vẫn còn đâu đó sự day dứt khôn nguôi của những người trong cuộc. Nhưng, cho dù thế nào đi nữa thì hãy quan tâm đến cảm xúc của những đứa trẻ. Bởi, hơn ai hết, chúng có lẽ là những người dễ bị tổn thương nhất mà ta lại đang vội vàng bỏ qua!

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Hãy cùng lắng nghe hai đứa trẻ!

Có thể nói trong những sự việc liên quan đến vấn đề trao nhầm con báo chí và dư luận đã đóng góp rất to lớn trong hành trình tìm lại người thân ruột thịt cho những người không may bị trao nhầm từ lúc sơ sinh, như trường hợp của chị Tạ Thị Thu Trang và mẹ nuôi chị bà Nguyễn Thị Mai Hạnh hơn 40 năm về trước mà báo chí đã thông tin.

Thế nhưng, mọi cái sẽ là " quá đà" khi mà chúng ta lại chỉ chăm chú và đi khoét sâu vào đời tư của bố mẹ, của việc tại sao bây giờ hai đứa trẻ vẫn chưa được về với gia đình vì một người mẹ chưa "sẵn sàng" giao con, hay là sự bất cẩn của nhân viên y tế là trách nhiêm của bệnh viện. Sự bất cẩn là có thật và trách nhiệm của bệnh viện cũng là thật. Và qua đây cũng là một bài học của không chỉ riêng gì hai nữ hộ sinh ở BVĐK Ba Vì mà còn là bài học lớn cho tất cả các nữ hộ sinh, điều dưỡng những người làm công việc liên quan đến lĩnh vực này một lời cảnh tỉnh.

Ai có đã viết rằng: "Hãy quan tâm đến cảm xúc của hai đứa trẻ, xin đừng xát muối vào vết thương, bởi chúng là những đối tượng còn rất non nớt và dễ bị tổn thương nhất trong câu chuyện này. Vậy thì cùng với việc đi tìm trách nhiệm và đòi hỏi sự công bằng hãy biến "sự nhẫm lẫn"  thành một niềm vui khi hai gia đình "bỗng dưng" có thêm những đứa con để yêu thương, để che chở...".

Còn việc chị Hương chưa sẵn sàng giao cháu M cho bố đẻ cháu là anh Sơn cũng là điều hết sức bình thường và hoàn toàn dễ hiểu, bởi ngoài tình máu mủ còn là tình mẫu tử thiêng liêng chăm bẵm, ôm ấp yêu thương 6 năm trời.

Ai đã từng làm mẹ đã từng chăm bẵm nuôi nấng những đứa con của mình từ khi lọt lòng đến khi khôn lớn đã cùng gắng bó với mình trong suốt những tháng năm gian khó của cuộc đời thì sẽ hiểu được tâm trạng của chị Hương lúc này. Bởi, chị Hương là một người mẹ với tất cả tình yêu thương dành cho đứa con của mình đã gắn bó với con, yêu thương con.

Mặc dù trước đó, Chị Hương sau khi sinh cháu bé thứ 2 (2014) được 6 tháng, nhìn 2 đứa con (gồm bé M và em trai) không giống nhau. Vợ chồng chị đã có lúc to tiếng dẫn đến việc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Để rồi, khi biết chuyện cháu M không phải con đẻ của mình chị Hương đã bất ngờ đến nỗi, sụt một lúc 10kg. Hoang mang, lo lắng, xen lẫn những cảm xúc không diễn đạt được thành lời!.

Hi vọng hai bé H - M cũng sẽ có một cái kết thật đẹp được sống trong tình yêu của những người bố người mẹ.Hãy lắng nghe hai đứa trẻ, hãy để chúng dần làm quen với sự thay đổi đường đột này, các ông bố bà mẹ cùng ngồi với nhau, cho chúng gặp nhau để tạo sự thân thiện gần gũi...!

Vụ trao nhầm con năm 2013 ở Bình Phước: Hai đứa trẻ được sống cùng một gia đình

Có lẽ câu chuyên của hai đứa trẻ  bị trao nhầm con ở BVĐK thị xã Bình Long, Bình Phước cũng đã mang đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc khác nhau và cũng là bài học cho những người làm cha, làm mẹ. Người ta cảm phục trước những tấm lòng của những người bố, người mẹ đã đem đến cho hai cô con gái của mình một cái kết thật tình, thật hậu. Đó là trường hợp của gia đình anh Vũ Đình Khiên cha ruột  của bé Lan Anh và chị Thị Liên mẹ ruột của cháu Ngọc Yến là dân tộc S’tiêng. Cháu Lan Anh đã bị trao nhầm vào gia đình chị Thị Liên và cháu Ngọc Yến bị trao nhầm vào gia đình anh Khiên.  Sau rất nhiều ngày làm việc giữa các bên do BVĐK Bình Long đứng ra nhận trách nhiệm và bổi thường thiệt hại.  Các cháu đã được trở về với cha mẹ ruột của mình.

Hai đứa trẻ cháu Thị Ngọc Yến (trái) và Vũ Ngọc Lan Anh(phải) bây giờ đã cùng được sống trong một gia đình do vợ chống anh Vũ Đình Khiên nuôi nấng

Mặc dù trước khi chính thức về với cha mẹ ruột của mình các cháu đã có khoảng thời gian làm quen, tuy nhiên vẫn gặp những bỡ ngỡ và lạ lẫm trong cuộc sống mới.  Bé Ngọc Yến đang ở phố thị với  bố mẹ nuôi (là vợ chồng anh Khiên) giờ phải vào bản sống, cuộc sống mới xa lạ nên bé chưa quen, thậm chí lại gầy yếu sút cân. Nhìn thấy đứa trẻ mình nuôi nấng 3 năm gầy gò, ốm yếu, và chỉ sau 2 tuần Ngọc Yến về với  mẹ ruột của mình (chị Thị Liên), gia đình anh Khiên đã vào bản và xin gia đình chị Thị Liên nhận bé  về nhà nuôi. Bởi theo anh Khiên “ dù sao cũng nuối nấng con 3 năm gắn bó với con, giờ nhìn thấy con gầy, sút cân không được chăm sóc thì rất xót con, nên dù có khó khăn thì cũng gắng nuôi hai con”. Chị Thị Liên cũng đồng ý để bé Ngọc Yến được về với cha mẹ nuôi của mình. Câu chuyện trao nhầm con ở đây đã có lúc tưởng như đi vào bế tắc nhưng rồi tình người và vì tương lai của những đứa trẻ lại có một cái kết bất ngờ và đẹp đẽ. Bé Lan Anh và Ngọc Yến giờ đây đã được sống trong cùng một gia đình.

Vụ trao nhầm con hơn 40 năm ở Hà Nội và cái kết đoàn viên cho tất cả mọi người

Không riêng gì những đứa trẻ, chị Trang trong câu chuyện về đứa con bị trao nhầm hơn 40 năm khi biết mình không phải là con ruột của mẹ mình cũng đã "sốc" đã hoang mang, đau buồn và vẫn phải mất một thời giai mới thích nghi được sự thật trớ trêu đó thì "sự thật " này đối với những đứa trẻ nó sẽ khủng khiếp như thế nào?!.

Hơn 40 năm bà Nguyễn Thị Mai Hạnh đã ròng rã đi tìm con đẻ và  chị Tạ Thị Thu Trang đứa con bị trao nhầm cũng đi tìm bố mẹ đẻ của mình. Sau những ngày tìm kiếm với những  hi vọng rồi thất vọng cũng đã có một cái kết có hậu khi vào tháng 10/2017, chị Trang công bố đã tìm được cha mẹ đẻ của mình và mẹ nuôi chị bà Mai Hạnh cũng đã tìm được con gái ruột của mình.

Bà Hạnh và chị Trang đã phải sống trong những ngày thấp thỏm lo âu, có lúc tưởng như người thân đã ở ngay trước mặt. Bởi sau câu chuyện nhầm con được báo chí lan tỏa, một gia đình đã tìm đến nhà bà Hạnh để hỏi thông tin, cũng như bày tỏ mong muốn được giám định AND. Những ngày sau đó, chị Trang rất vui, háo hức vì nghĩ mình sắp được gặp được mẹ đẻ của mình và mẹ Hạnh cũng tìm được con gái.

Chị Trang (ngoài cùng bên phải) và mẹ nuôi chị bà Mai Hạnh đã tìm được những người ruột thịt của mình

Vậy mà, sự trớ trêu của số phận đã khiến chị Trang và bà Hạnh vẫn còn phải mất nhiều nước mắt. Kết quả ADN không biết nói dối. Người phụ nữ có khuôn mặt giông giống bà Hạnh không phải con gái đẻ của bà. Và chị Trang cũng không cùng huyết thống với người cha, người mẹ của gia đình bên kia.  Nhưng cuối cùng sau rất nhiều những cung bậc cảm xúc từ hi vọng rồi thất vọng lại hi vọng, cuối cùng chị Trang và bà Hạnh cũng đã có một cái kết có hậu khi vào tháng 10/2017, chị Trang công bố đã tìm được cha mẹ đẻ của mình và mẹ nuôi chị bà Mai Hạnh cũng đã tìm được con gái ruột của mình.

Thay cho lời kết

Ai cũng muốn nuôi đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, nhưng một phần do sự bất cẩn và một phần có lẽ như sự sắp đặt của số phận đã tạo ra những tình huống trớ trêu kể trên về việc trao nhầm con. Nhưng dù sao, đối với mỗi độc giả khi tiếp nhận thông tin này, ai cũng mong muốn sẽ có một cái kết thật sự có hậu cho những người trong cuộc. Đặc biệt hơn nữa, trong cái rủi lại có cái may, như một sự sắp đặt của "cơ duyên" để cho những đứa trẻ được có thêm một người bố, một người mẹ nhất mực yêu chúng. Vì vậy, hãy biến "sự cố" thành niềm vui khi những đứa trẻ có đến hai ông bố bà mẹ đi cùng cuộc đời chúng!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Vi Cầm
Ý kiến của bạn