Hà Nội

Trào ngược dịch mật: Nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý

05-03-2022 08:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Nhiều người có các biểu hiện của trào ngược dịch mật như thường xuyên đau vùng thượng vị, chua hoặc đắng miệng, ợ nóng, có cảm giác nóng rát ở vùng ngực, sau đó lan dần đến cổ họng… nhưng chủ quan đến khi bệnh nặng mới đi khám.

1. Tổng quan về trào ngược dịch mật

Dịch mật được tiết ra từ gan, có màu vàng hoặc hơi xanh, có vị đắng và gan mỗi ngày tiết ra khoảng 700 - 800ml dịch mật, đưa qua ống dẫn mật, cô đặc lại và được dự trữ trong túi mật.

Dịch mật có khả năng tiêu hóa chất béo, loại bỏ một số độc tố và tế bào chết ra khỏi cơ thể, được cơ thể tiết ra khi tiêu hóa thức ăn.

Giữa ruột và dạ dày có van môn vị luôn đóng mở nhịp nhàng, chỉ mở ra khi có thức ăn xuống ruột và đóng lại ngay để ngăn không cho dịch thức ăn ở ruột trào ngược vào dạ dày. Khi dịch từ tá tràng trào vào dạ dày sẽ đem theo dịch mật, lúc này được gọi là hiện tượng trào ngược dịch mật.

Trào ngược dịch mật: nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 1.

Thường xuyên đau vùng thượng vị, đắng miệng - Cảnh giác với trào ngược dịch mật.

2. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dịch mật

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trào ngược dịch mật có thể là do van môn vị đóng không chặt hoặc đóng mở không đúng lúc.

Khi dịch mật di chuyển vào trong dạ dày sẽ gây tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Trào ngược dịch mật là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây trào ngược dạ dày thực quản.

Phẫu thuật dạ dày khiến cho van môn vị bị suy yếu và hoạt động không ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dịch mật. Tình trạng này tạo điều kiện cho dịch mật trào ngược lên dạ dày và những cơ quan phía trên.

Cắt túi mật được chỉ định trong trường hợp viêm tụy, viêm túi mật, sỏi mật nằm trong ống mật hoặc túi mật. Khi túi mật được cắt bỏ, gan chỉ tiết dịch mật vào các bữa ăn để tiêu hóa và hấp thu vitamin, chất béo. Do đó, thay vì dự trữ trung gian qua túi mật, dịch mật sẽ được gan tiết trực tiếp đến tá tràng.

Một số nghiên cứu cho thấy, cắt bỏ túi mật khiến gan tiết dịch mật nhiều hơn bình thường. Vì không có túi mật dự trữ nên toàn bộ dịch mật sẽ được vận chuyển trực tiếp xuống ruột non, hệ quả là gây trào ngược dịch lên dạ dày và thực quản.

Trào ngược dịch mật: nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 2.

Ợ nóng, có cảm giác nóng rát ở vùng ngực - Cảnh giác với trào ngược dịch mật.

3. Triệu chứng trào ngược dịch mật

Khi bị trào ngược dịch mật, người bệnh thường xuyên có biểu hiện:

  • Đau bụng vùng thượng vị, đau tức hoặc đau từng cơn, có cảm giác nóng rát, cồn cào vùng ngực và bụng trên;
  • Ợ nóng, đắng miệng;
  • Ho khan, khàn giọng do dịch mật trào ngược từ tá tràng, dạ dày lên thực quản;
  • Nôn ra chất lỏng xanh vàng, đắng;
  • Đầy bụng, chậm tiêu và sụt cân.

Khi dịch mật trào ngược từ tá tràng lên dạ dày sẽ gây tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Trào ngược dịch mật cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trào ngược dạ dày - thực quản. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có nguy cơ mắc barrett thực quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày,...

4. Chẩn đoán trào ngược dịch mật

Sau khi khám lâm sàng các bác sĩ chỉ định nội soi, đo Manometry – Đo áp lực và nhu động thực quản, đo P.H và trở kháng 24h (là phương pháp chính xác nhất chẩn đoán GERD), đo điện thế niêm mạc đường tiêu hóa trên để khẳng định tình trạng viêm niêm mạc ở người trào ngược...

5. Điều trị trào ngược dịch mật

Sau khi chẩn đoán tùy trường hợp các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể cho từng bệnh nhân, việc điều trị nội khoa bao gồm các thuốc hạ cholesterol giúp hạ lipid máu, ngăn ngừa tổng hợp dịch mật và muối mật. Các thuốc làm tăng thời gian rỗng dạ dày, thuốc ức chế bơm proton làm giảm tiết acid dạ dày, acid ursodeoxycholic làm giảm acid mật nội sinh.

Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật được cân nhắc khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Hiện nay, liệu pháp tích hợp vẫn chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng hoặc còn quan điểm bất đồng giữa các nhà nghiên cứu.

Y học ngày nay chưa có một biện pháp nào thật sự hiệu quả để chữa khỏi tình trạng trào ngược dịch mật ngoài phương pháp phẫu thuật nối ống mật và hỗng tràng (phần sau của tá tràng). Còn lại, chủ yếu là những phương thức giúp giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thay vì giải quyết dịch mật trào từ tá tràng vào dạ dày.

Chính vì vậy, ở người bệnh ngoài việc tuân thủ chỉ định của các bác sĩ thì việc tập thể dục nhằm duy trì cân nặng hợp lý rất quan trọng. Nếu béo phì, lớp mỡ bụng dày làm tăng áp lực ổ bụng dễ gây ra hiện tượng trào ngược. Duy trì thể dục phù hợp và cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ trào ngược.

Trào ngược dịch mật: nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 4.

Hình ảnh túi mật, dịch mật, dạ dày....

Người mắc chứng trào ngược dịch mật thường có xu hướng tìm kiếm xem trào ngược dịch mật nên ăn gì. Nhưng trên thực tế, việc ăn uống đúng giờ, tránh xa các chất kích thích chính là phương pháp khoa học trong điều trị chứng bệnh này.

Ngoài ra, một số thực phẩm mà người bị trào ngược dịch mật cần tránh như sô cô la, bạc hà, đồ chua, cay… Hạn chế uống rượu bia và chất kích thích.

Sau khi ăn là lúc dịch mật được tiết ra nhiều nhất. Nếu bạn nằm dịch mật sẽ dễ dàng di chuyển lên dạ dày và thực quản, do đó sau khi ăn không nên đi nằm ngay.

Tóm lại: Trào ngược dịch mật là tình trạng dịch mật từ tá tràng trào ngược lên dạ dày hoặc thậm chí là thực quản. Bệnh có triệu chứng tương tự như chứng trào ngược axit dạ dày nhưng khác biệt về nguyên nhân. Chính vì vậy, không giống như trào ngược axit dạ dày thực quản, trào ngược dịch mật dường như không liên quan nhiều đến các yếu tố lối sống.

Tuy nhiên, vì nhiều người mắc phải cả 2 dạng trào ngược này cùng lúc nên thay đổi lối sống cũng là cách góp phần làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh. Người bệnh cần bỏ thuốc lá, ăn ít và chia nhiều bữa nhỏ, không nằm ngay sau khi ăn, hạn chế thực phẩm béo, tránh các thức ăn và đồ uống có hại, hạn chế hoặc tránh uống rượu… Khi có biểu hiện nghi ngờ trào ngược dịch mật cần đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Mời xem video đang được quan tâm:

Hướng dẫn F0, F1 cách tập thở và vận động tại nhà

BS. Đông Mai
Ý kiến của bạn