Rất nhiều triệu chứng của căn bệnh trào ngược a-xít bị nhầm lẫn với một căn bệnh khác. Bệnh trào ngược a-xít nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến những bệnh về dạ dày, thực quản, thậm chí cả ung thư dạ dày- thực quản
Nếu xuất hiện những triệu chứng dưới đây, có thể bạn đang bị trào ngược a-xít.
Đau ngực
Dạ dày có chức năng tiêu hóa thức ăn nhờ các dịch vị, sở dĩ dịch vị có tính a-xít mạnh này tồn tại được trong dạ dày là do một lớp màng bao bọc. Nhưng khi con người ăn quá nhiều các loại thức ăn trong một thời gian ngắn, đặc biệt là những thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ khiến chất a-xít (dịch vị trong dạ dày) trào ngược lên thực quản. Ở đây, lớp niêm mạc thực quản không được bảo vệ nên sẽ bị ảnh hưởng bởi chất -xít của dạ dày. Người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, nặng hơn có cảm giác đau nhói ở ngực. Nhiều người nhầm tưởng những cơn đau này là đau tim. Nếu xuất hiện những cơn đau ngực sau khi ăn, hoặc đau khi gắng sức hãy đến các cơ sở y tế để được khám về tiêu hóa hoặc tim mạch, chỉ có bác sĩ là người xác định rõ nhất nguyên nhân những cơn đau ngực của bạn.
Cơn đau nặng hơn khi nằm
Các a-xít trong dạ dày khi trào ngược lên thực quản, sẽ gây ra chứng ợ nóng. Kể cả khi bạn nằm nghỉ, cúi xuống, các triệu chứng này càng dễ xuất hiện hơn. Nguyên nhân là do khi ngồi hoặc đứng, trọng lực sẽ giúp giữ thức ăn trong dạ dày bạn, còn khi nằm bạn dễ bị trào ngược a-xít hơn. Chính vì lẽ đó, bác sĩ thường khuyên những người bị ợ nóng nâng cao đầu giường và không nên ăn no trước khi ngủ.
Đau ngay sau bữa ăn
Đau ở vùng thượng vị xuất hiện ngay sau bữa ăn, đặc biệt là một bữa ăn no – điều này có nghĩa là dạ dày của bạn đang bị quá tải. Đối với trường hợp này, bạn có thể không cần dùng thuốc điều trị, chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống. Hãy chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm, dùng những đồ ăn ít chất béo, dầu mỡ, hạn chế bia rượu, thuốc lá... sẽ giúp cải thiện tình hình.
Đắng miệng
Đôi khi a-xit thoát ra từ dạ dày của bạn có thể trào lên tới tận cổ họng có kèm theo dịch mật, làm cho chúng ta cảm thấy đắng ngắt trong miệng. Nó thường xảy ra ở những bệnh nhân bị rối loạn thần kinh dạ dày( rối loạn thần kinh thực vật), sự đóng mở quá mức van môn vị, dịch mật sẽ bị trào ngược từ tá tràng vào dạ dày, theo các chất dịch dạ dày trào lên thực quản. Nếu điều này xảy ra, đặc biệt là vào giữa đêm, bạn nên gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc ức chế a-xit hay thuốc kháng a-xít. Đây chính là lý do các thuốc chống a-xít dạ dày thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân uống buổi tối, trước giờ đi ngủ.
Khàn tiếng
Bất cứ ai khi bị khàn giọng thường nghĩ mình đang bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Tuy nhiên đây cũng có thể là một triệu chứng ợ nóng. Chuyên gia y tế về dạ dày và đường ruột ở Temple, Texas- TS. Pfanner cho biết, khi a-xit dạ dày thấm vào thực quản của bạn, nó có thể gây kích ứng dây thanh âm làm giọng nói của bạn nghe có vẻ khàn hơn bình thường. Nếu điều này xuất hiện sau khi ăn, bạn có thể bị trào ngược a-xít.
Đau họng
Đau họng là một triệu chứng điển hình của bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm, nhưng thực tế đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề về tiêu hóa. Cảm lạnh, cảm cúm thường làm người bệnh lúc nào cũng đau họng, kèm theo hiện tương chảy nước mũi hoặc hắt hơi. Nếu không có những dấu hiệu này, hãy xem đau họng là hậu quả của chứng trào ngược a-xít.
Ho
Có rất nhiều triệu chứng của bệnh hô hấp như ho, thở khò khè, đều có thể là do chứng ợ nóng. Theo các chuyên gia y tế, đó là do axit trong dạ dày đi vào vùng phế quản, phổi, đây là những vị trí xa nhất a-xít dạ dày có thể di chuyển đến. Do đó nó làm cho bệnh nhân bị ho mạn tính, có cảm giác vướng cổ họng. Đặc biệt họ xuất hiện sau khi ăn hoặc khi nằm. Khi gặp trường hợp này bệnh nhân cần đi khám bác sĩ để đo độ pH trong họng của người bệnh.
Hen suyễn
Ho và thở khò khè đây là 2 triệu chứng thường làm cho cả bệnh nhân và bác sĩ nghĩ tới bệnh hen suyễn. Cũng có trường hợp người bệnh mắc một lúc 2 bệnh này, nhưng cũng có trường hợp từ ho, khó thở do ợ nóng chuyển thành bệnh hen suyễn. Đó là do a-xit dạ dày có thể kích hoạt các dây thần kinh trong ngực gây co thắt đường dẫn khí, lâu dần làm các đường dẫn khí phù nề, gây viêm...
Buồn nôn
Buồn nôn thường là hậu quả của chứng trào ngược a-xít. Tuy nhiên nếu buồn nôn không tìm được lý do, người bệnh cần nghĩ đến căn bệnh này. Nhất là sau khi ăn lại thấy buồn nôn hay buồn nôn đi kèm với một trong các triệu chứng đã nói ở trên, rất có thể bạn đã mắc bệnh trào ngược a-xít.
Tiết nhiều nước bọt
Theo TS Coyle, Trung tâm y tế Torrey Pines ở La Jolla, California cho biết, khi miệng tiết nhiều nước miếng cũng đồng nghĩa với việc dạ dày của bạn đang sản xuất quá nhiều a-xít và đang bị trào ngược lên thực quản. Điều này liên quan đến các dây thần kinh và phản xạ. Khi a-xít dạ dày trào ngược lên, một phản xạ tự nhiên là cơ thể sẽ tiết nước bọt để trung hòa lượng a-xít này.
Khó nuốt
Theo thời gian, hiện tượng a-xít dạ dày trào ngược với tần suất ngày càng nhiều sẽ làm lớp niêm mạc thực quản bị ảnh hưởng, nặng có thể gây phù nề, sưng tấy, lâu dần để lại sẹo gây chít hẹp thực quản, làm bệnh nhân có cảm giác khó nuốt.
Thu Hà
Theo Health