Trào ngược dạ dày (hay còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản) được biểu hiện khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào miệng, gây ra cảm giác nóng rát sau xương ức. Tình trạng này thường xảy ra sau bữa ăn, khi cúi người về phía trước hoặc khi nằm.
Trào ngược dạ dày rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Các triệu chứng bắt đầu trong ba tháng đầu và tăng dần cho đến cuối thai kỳ.
1. Tại sao trào ngược dạ dày lại khi mang thai lại phổ biến
Mặc dù trào ngược dạ dày có thể xảy ra bất cứ lúc nào và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng đặc biệt phổ biến khi mang thai do một số yếu tố, bao gồm:
- Thay đổi hormone: Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ tiết ra nhiều progesterone hơn. Hormone này làm cho cơ tử cung trở nên linh hoạt hơn, đồng thời hạn chế nguy cơ co bóp sớm. Tuy nhiên, hormone thai kỳ này còn ảnh hưởng đến các cơ khác trong hệ tiêu hoá, gây giảm co thắt của cơ thực quản dưới làm cho dịch dạ dày dễ trào ngược lên thực quản.
- Sự phát triển của em bé và tử cung: Thai nhi ngày càng lớn hơn và chiếm nhiều không gian hơn. Do đó, các cơ quan khác của khoang bụng, bao gồm cả dạ dày, được đẩy lên trên. Do áp lực đè lên dạ dày có thể gây trào ngược dạ dạy.
Trào ngược dạ dày khi mang thai không gây nguy hiểm nghiêm trọng, nhưng có thể tạo ra nhiều khó chịu và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người mang thai. Trong một số trường hợp, trào ngược dạ dày ở bà bầu có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như thiếu dinh dưỡng, giảm cân...
Nếu đang mang thai và gặp triệu chứng trào ngược dạ dày, tốt nhất nên thảo luận với bác sĩ để nhận được sự tư vấn cụ thể. Bác sĩ sẽ có thể đánh giá tình trạng và đề xuất các biện pháp điều trị hoặc quản lý phù hợp để giảm triệu chứng và đảm bảo sức khỏe thai kỳ.
2. Điều trị cách nào?
2.1 Điều trị không dùng thuốc
Điều trị trào ngược dạ dày cho phụ nữ mang thai về cơ bản giống như đối với những người khác. Một số điều có thể làm để ngăn ngừa hoặc điều trị trào ngược dạ dày khi mang thai, bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Thay đổi cách thức và những gì bạn ăn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trào ngược dạ dày. Tốt hơn là nên ăn những bữa ăn nhỏ. Dạ dày căng lên do ăn hoặc uống quá nhiều cùng một lúc có thể gây trào ngược axit.
Nên ăn ít nhất trước giờ đi ngủ 2-3 tiếng để dạ dày tiêu hóa thức ăn. Nên hạn chế thực phẩm chứa đường tinh luyện, caffeine (trà hoặc cà phê), sô cô la, các sản phẩm từ sữa và gluten.
Một số thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa trào ngược axit dạ dày là thực phẩm giàu chất xơ. Gừng có chứa gingerol và shogaols giúp thúc đẩy quá trình làm rỗng dạ dày cũng rất hiệu quả để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày.
- Thay đổi tư thế ngủ: Tư thể ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến cách dạ dày tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, nếu bị trào ngược, nên nằm nghiêng về bên trái khi ngủ. Nằm nghiêng bên phải khiến dạ dày cao hơn thực quản, có thể gây trào ngược.
2.2 Điều trị dùng thuốc
Khi các biện pháp không dùng thuốc không hiệu quả, thuốc kháng axit tác dụng tại chỗ được sử dụng trong thời gian ngắn và với liều lượng vừa phải là lựa chọn để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai. Những thuốc này tạm thời trung hòa axit dạ dày và có hiệu quả chống trào ngược dạ dày.
Các thuốc này bao gồm: Natri alginate, natri bicarbonate, canxi cacbonat, nhôm hydroxit, magiê hydroxit...
Để thuốc thực sự có hiệu quả, thời điểm sử dụng cũng rất quan trọng. Cơ thể cần độ axit của dạ dày để bắt đầu quá trình tiêu hóa. Do đó, nên đợi ít nhất 1 giờ sau bữa ăn để uống thuốc kháng axit. Nên dùng vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ để có hiệu quả lâu dài hơn.
Mặc dù có hiệu quả và được bán không cần kê đơn, nhưng không nên sử dụng những thuốc kháng axit này trong thời gian dài mà không có lời khuyên của bác sĩ. Vì dùng thuốc lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và thiếu hụt dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số thuốc kháng axit là sản phẩm có chứa muối magie và/hoặc muối nhôm. Tuy nhiên, nhôm có thể hoạt động như một chất gây độc thần kinh và ảnh hưởng đến phôi và thai nhi.
Đối với những trường hợp trào ngược axit nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị dùng nhóm thuốc kháng axit thứ hai bao gồm thuốc chẹn H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton.
- Thuốc chẹn H2 như ranitidine làm giảm sự tiết dịch dạ dày, bằng cách ngăn chặn hoạt động của histamine. Thuốc được sử dụng với liều lượng thấp trong điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi có chỉ định của bác sĩ.
Các thuốc ức chế bơm proton phổ biến là esomeprazole, omeprazole hoặc pantoprazole.
Cuối cùng, cần lưu ý, để thuốc mang lại hiệu quả và an toàn khi sử dụng, đặc biệt trong thai kỳ, cách tốt nhất là nên thảo luận với bác sĩ trước khi dùng. Bác sĩ có thể xác định loại thuốc nào là phù hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Trào Ngược Dạ Dày - Thực Quản: Có Nên Kiêng Đồ Ăn Nhiều Chất Béo? I SKĐS