Trào lưu sáng tác ca khúc có tiêu đề gây tranh cãi: Ngẫm về trách nhiệm của nghệ sĩ với xã hội

23-11-2018 17:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một điều dễ nhận thấy là ngày càng nhiều ca khúc nhạc trẻ có tiêu đề gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, đó đơn thuần là một chiêu câu like, câu view của êkip sản xuất trong bối cảnh nhạc Việt “người khôn, của khó”.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự đồng thuận cho rằng, nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo và ca khúc giải trí hãy để nó đúng nghĩa là giải trí.

Vì sao Như lời đồn gây bão?

Châm ngòi cho cuộc tranh luận gần đây nhất là ca khúc Như lời đồn của nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng, do ca sĩ Bảo Anh trình diễn. Như lời đồn được viết với chất liệu âm nhạc Latinh sôi động, nghe khá bắt tai và những hình ảnh trong MV cũng hấp dẫn người xem. Tuy nhiên, gây tranh cãi chính là cái tên ca khúc: Như lời đồn. Với những người lớn tuổi, “như lời đồn” chỉ là câu nói ám chỉ thông tin chưa được kiểm chứng nhưng với khán giả trẻ, cư dân mạng thì đây lại là câu nói khiếm nhã, thậm chí thường dùng để chửi thề.

Câu hỏi đặt ra là, khi quyết định tung ra sản phẩm âm nhạc, Khắc Hưng và Bảo Anh có biết rằng, Như lời đồn sẽ gây nên những luồng ý kiến trái chiều hay không. Tôi cho rằng, là những người trẻ, cập nhật nhanh những trào lưu mạng xã hội thì Khắc Hưng và Bảo Anh hoàn toàn biết rõ điều này. Thậm chí, đó là cách đặt tên ca khúc có chủ đích, bởi gây tranh cãi, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, ca khúc sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm của công chúng.

Chính ca sĩ Bảo Anh cũng từng nhắn nhủ fan hâm mộ “Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”. Trước đó, nhạc sĩ Khắc Hưng, người từng được mệnh danh là “hit maker” của làng nhạc Việt cũng gây xôn xao dư luận khi trình làng ca khúc Như cái lò. Ca khúc này bị đánh giá là sự thất bại của Khắc Hưng, bước thụt lùi trên con đường âm nhạc của chàng nhạc sĩ trẻ này.

Cuộc tranh luận nảy lửa về tiêu đề ca khúc đã nổ ra trên khắp các diễn đàn. Phần lớn cho rằng, Như lời đồn cố tình lấy tiêu đề tranh cãi để gây sự chú ý. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gay gắt nói rằng, anh đánh giá thấp những người đã mang trên vai tấm áo nghệ sĩ mà cứ muốn thể hiện cái “ngông”, cái “thô” cái “tục” trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả. Nhạc sĩ Dương Cầm thẳng thắn nói rằng, anh chỉ là một người dân bình thường, nhưng nếu có quyền, anh sẽ cấm ca khúc đó.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo và người nghe không thích thì không nghe. Khán giả cần phải tôn trọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhạc sĩ sáng tác theo trào lưu nhưng trào lưu đó xuất phát từ cách nói chuyện của giới trẻ. Trên mạng đầy rẫy những cụm từ nhạy cảm. Không nên quá khắt khe với nghệ sĩ. Một, hai ca khúc trào lưu chưa thể đánh giá được “chất” của người nghệ sĩ.

Trước những phản ứng trái chiều của khán giả trên mạng xã hội, Khắc Hưng chia sẻ rằng, anh không thấy bài hát phản cảm như khán giả đánh giá. “Tôi không nghĩ việc được nhiều người bấm like (thích) cho một điều gì đó nghĩa là mình có quyền đúng và mình sẽ tiếp tục luôn đúng, chừng nào lượt like vẫn nhiều như thế. Hãy tránh khẳng định và nên xây dựng thói quen nhìn vào nhiều mặt của một vấn đề hơn. Tôi nghĩ trên đời này, không có gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai cả”, Khắc Hưng viết trên trang cá nhân. Khắc Hưng cũng cho rằng, ca khúc không có yếu tố sâu sắc, đó chỉ là một bài giải trí. Có thể ở Việt Nam, mọi người đối với những ca khúc giải trí còn khắt khe. Giá trị nghệ thuật không phụ thuộc vào ca từ, nó thể hiện ở nhiều yếu tố như giai điệu, hậu kỳ, phối khí...

Ca sĩ Bảo Anh trong MV ca khúc gây tranh cãi Như lời đồn của nhạc sĩ Khắc Hưng.

Ca sĩ Bảo Anh trong MV ca khúc gây tranh cãi Như lời đồn của nhạc sĩ Khắc Hưng.

Nghệ sĩ phải là những người tạo ra trào lưu

Không khó để “điểm danh” những ca khúc Việt sử dụng tiêu đề gây tranh cãi theo lối chơi chữ xuất hiện trong thời gian gần đây. Những cái tên ca khúc như Nắng cực của Phạm Toàn Thắng, Xếp hình của Tăng Nhật Tuệ, Thu dẩm của rapper LK... đều có nghĩa khá tế nhị, thậm chí là bậy bạ theo cách nói của giới trẻ hiện nay. Điều đáng quan tâm là một số ca khúc lại do các nhạc sĩ trẻ rất được khán giả trẻ yêu mến sáng tác. Phạm Toàn Thắng, Khắc Hưng, Tăng Nhật Tuệ được đánh giá là những nhạc sĩ trẻ tài năng, có nhiều đột phá trong âm nhạc. Thật đáng tiếc nếu những nhạc sĩ trẻ tài năng đó lại cho ra đời những sản phẩm âm nhạc gây tranh cãi như thời gian gần đây.

Thị trường âm nhạc bão hòa và việc thu hút khán giả ngày càng trở nên khó khăn. Thực tế cho thấy, không ít ca khúc hay, chau chuốt về ngôn từ, nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc nhưng lại chật vật tìm chỗ đứng. Trong khi đó, một ca khúc nhảm, nhạt, ít, thậm chí không có giá trị nghệ thuật lại “sống khỏe, sống tốt”. Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt bị đánh giá là “vàng thau lẫn lộn”, một số nghệ sĩ trẻ tìm cách tiếp cận công chúng bằng chiêu trò. Mục đích đặt tên ca khúc gây tranh cãi không gì khác là để tạo sự chú ý. Điều này lý giải tại sao, bài hát không hay nhưng số lượng người xem, người nghe vẫn không ngừng tăng lên.

Mỗi ca khúc được coi là “đứa con tinh thần” của nhạc sĩ, trong đó tựa đề phải phản ánh được diện mạo, tinh thần của tác phẩm. Chính vì vậy, việc đặt tiêu đề gây tranh cãi là điều nên tránh. Nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo nhưng đó phải là sự sáng tạo hướng công chúng đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Chiều thị hiếu khán giả không có gì là sai vì suy cho cùng, nghệ sĩ cần có khán giả và sản phẩm nghệ thuật để phục vụ khán giả nhưng cần có chừng mực và giới hạn cần thiết, không nên chạy theo thị hiếu. Thậm chí, nghệ sĩ phải là những người tạo ra trào lưu, định hướng khán giả tới những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Đó mới là hướng đi đúng đắn, trách nhiệm xã hội cao cả của người nghệ sĩ.


Mạnh Tường
Ý kiến của bạn