Selfie có thể hiểu là tự chụp ảnh hay cư dân mạng vẫn quen gọi nó là “tự sướng”. Việc ghi lại hình ảnh của chính mình rồi đăng tải lên mạng khiến người ta cảm thấy thoải mái, vui sướng và thỏa mãn. Tuy nhiên việc lạm dụng quá mức như “nghiện sướng” mọi lúc mọi nơi gây phản cảm, thậm chí mang nhiều hệ lụy...
Giới trẻ “nghiện... selfie”
Ở Phương Tây, thuật ngữ “selfie” được ghi nhận xuất hiện lần đầu vào tháng 9 năm 2002 trên một diễn đàn mạng ở Úc khi một người đàn ông say rượu bị trượt cầu thang và rách môi. Người đàn ông đã tự chụp hình ảnh của mình sau tai nạn và đăng lên diễn đàn rồi gọi đó là một selfie. Năm 2004, Nhà xuất bản Oxford University Press của Anh đã thành lập một danh hiệu “Từ khóa của năm” (word of year). Từ khóa này đã lập nên kỷ lục về tần suất sử dụng trong cộng đồng những người sử dụng tiếng Anh và vì vậy nó được Ban biên tập Oxford English Dictionary bình chọn là từ khóa của năm 2013. Ở nước ta xu hướng này cũng đang nổi lên trong những năm gần đây. Hầu như các bạn trẻ Việt đều tỏ ra thích thú và thỏa mãn khi tự chụp hình và đăng tải trên mạng. Selfie diễn ra ở khắp mọi nơi như: con phố, quán xá, nhà riêng, trường học, nơi thắng cảnh, di tích,...; diễn ra ở bất kể thời điểm nào: sáng, trưa, chiều, tối, đêm với bất kể hoạt động nào như ăn, ngủ, tắm, học, làm việc, đi đường,... cũng có thể selfie. Không quá ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến cảnh tượng các bạn trẻ cầm điện thoại lên cười hay chu môi. Hình như selfie đã “ngấm vào máu” của các bạn trẻ Việt. Và hình như nó cũng giống một cách để chứng tỏ rằng: “À, mình đâu đến nỗi, cũng đẹp trai, xinh gái đấy chứ”. Và cũng là cách để các bạn trẻ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thậm chí khoe khoang... Cũng có lúc đơn giản đó chỉ là cách họ lưu giữ kỷ niệm cùng bạn bè, người thân... Tuy nhiên, xu hướng này đôi khi bị lạm dụng quá mức lại trở thành những hệ lụy và tác hại không đáng có.
Một nữ sinh cấp III sẵn sàng để bạn trai sờ ngực và tự chụp ảnh.
Ðừng “tự sướng” bừa bãi
Chụp ảnh “tự sướng” khi đã trở thành thói quen, thậm chí khi giới trẻ trở thành con nghiện của nó thì thật tai hại. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, chụp ảnh “tự sướng” nhiều được coi là triệu chứng tâm thần, cụ thể là hội chứng mặc cảm về ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder). Trên thế giới đã ghi nhận trường hợp của một cậu thanh niên người Anh tên Danny Brown đã tự tử khi không thể tìm ra cho mình bức ảnh hoàn hảo nhất. Việc “nghiện” chụp ảnh “tự sướng” có thể là dấu hiệu của sự thiếu tự tin và quá phụ thuộc vào sự chú ý của xã hội. Điều này khiến họ trở thành nạn nhân của các vấn đề khác như trầm cảm...
Gần đây trên mạng lan truyền hình ảnh một nữ sinh cấp III mặc nguyên áo đồng phục cố tình để một bạn trai sờ ngực và tự cầm máy chụp hình ngay trong lớp học. Dẫu biết rằng đất nước mở cửa để hội nhập, suy nghĩ tư tưởng cởi mở hơn nhưng cảnh tượng trên không khỏi làm chúng ta lo ngại và trăn trở về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay.
Không dừng lại ở đó, gần đây, cư dân mạng không khỏi phẫn nộ khi có những hình ảnh nam nữ thanh niên tươi cười chụp ảnh ngay trong đám tang người thân vừa qua đời. Dù đó là một tình huống thật ngoài đời hay chỉ là tình huống trong một bộ phim thì hành vi cầm máy điện thoại lên tự chụp hình và tươi cười cạnh quan tài cũng khiến chúng ta không thể tin nổi. Không thể tồn tại bất kỳ một lý do nào biện minh cho sự vô cảm và xem thường đạo lý đó.
Selfie hay chụp ảnh “tự sướng” không phải là trào lưu xấu. Chỉ có điều cái gì cũng thế, khi bạn lạm dụng và sử dụng nó một cách quá mức đến nỗi “nghiện ngập” thì chắc chắn nó sẽ để lại những hệ lụy tai hại mà bạn không thể lường hết được. Hy vọng rằng giới trẻ Việt sẽ biết cách quản lý và sử dụng nó một cách có ý thức và có văn hóa.