Trao giải cuộc thi “Vì sự học ngày nay”

29-12-2020 16:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 29/12, tại Hà Nội, báo Văn nghệ, Chi Hội Nhà văn giáo dục đã tổ chức Tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Vì sự học ngày nay”. Cuộc thi được phát động và kéo dài trong 18 tháng.

Mục đích của cuộc thi “Vì sự học ngày nay” là tìm ra những nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc và đóng góp những ý kiến tích cực, thẳng thắn, phản biện để xây dựng một nền giáo dục đổi mới, hiện đại, nhân văn.

Theo BTC, đây là cuộc thi báo chí, do đó, các thể loại báo chí, đặc biệt là bút ký, phóng sự, ghi chép, bình luận... được ưu tiên. Giải cao được trao cho những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống thực tại và các tác giả phải chứng tỏ năng lực quan sát, điều tra; năng lực phát hiện, xử lý vấn đề, năng lực phản biện cũng như ngôn ngữ báo chí sắc sảo, cách viết cuốn hút, có bản lĩnh góp phần định hướng được dư luận, nhất là vấn đề về thi cử, sách giáo khoa.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã ghi nhận tính nhân văn của cuộc thi, đồng thời cho rằng đây là cuộc thi vô cùng quan trọng bởi đã đề cập trực tiếp đến một vấn đề mà ở bất kỳ một quốc gia nào, mọi thể chế chính trị, mọi nền văn hóa nào cũng phải quan tâm, đó là Giáo dục.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi.

“Ở cuộc thi chúng ta thấy rõ hơn những tác phẩm đoạt giải hay chưa đoạt giải của các nhà văn, nhà giáo… không chỉ tập trung vào phương pháp giảng dạy, vào cải thiện phương tiện giảng dạy của nhà trường, vào việc phải đạt bao nhiêu bằng tiến sĩ, cử nhân mà họ đang tập trung vào nhân tính của con người trong giáo dục, trong dạy học. Và điều đó quyết định toàn bộ số phận, tương lai của dân tộc”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng tin tưởng rằng sẽ có những cuộc thi thường niên và mở rộng để mọi người, mọi thành phần cùng tham gia.

Cuộc thi viết về ngành giáo dục đã diễn ra với bao biến cố: lũ lụt, thiên tai... trải rộng ở các tỉnh miền Trung đã cướp đi biết bao tài sản, sinh mệnh của nhiều người. Trong đó, có những người lính đã hy sinh tính mạng để giúp dân trong mưa lũ, sạt lở...

Những năm gần đây, trong ngành giáo dục, vấn nạn tiêu cực thi cử trong việc mua bán điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1” diễn ra ở một số tỉnh phía Bắc khiến dư luật nhức nhối, bất bình... Rồi những bất cập của các bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới khiến báo chí và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm...

Đặc biệt, năm nay, cũng là năm toàn Đảng, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bao sự kiện, biến cố với những cảm xúc vui, buồn... đều in đậm trong những tác phẩm của các tác giả gửi đến tòa soạn báo Văn nghệ.

Tại lễ trao giải, chia sẻ những cảm xúc về cuộc thi, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục nhà giáo, Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đã cảm ơn đến các nhà văn, Chi hội Nhà văn giáo dục, báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam và đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi mang tính đa chiều này.

“Cuộc thi “Vì sự học ngày nay” - đây là vấn đề nóng và quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và của tất cả các bậc cha mẹ. Đây cũng chính là những khởi đầu mới cho một con đường nhân tính của cái đẹp, của lòng bác ái để xây dựng xã hội chúng ta ngày một tốt đẹp hơn trong tương lai” – nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Ban Sơ khảo đã đọc 974 bài viết, và lựa chọn được hàng trăm tác phẩm để giới thiệu trên Tuần báo Văn Nghệ và Báo Văn nghệ oline với bạn đọc. 57 tác phẩm có chất lượng cao đã được đề nghị lên Ban Chung khảo đọc và quyết định trao 12 giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc gồm hai giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba và năm giải Khuyến khích.

Giải nhất của cuộc thi thuộc về tác giả Lê Văn Vỵ - chùm 5 tác phẩm: Giảng đường thời COVID, Lựa chọn sách giáo khoa: Nỗi lo này không chỉ riêng ai, Sách giáo khoa và BOT giao thông, Giải bài toán phân luồng cho học sinh phổ thông và Nước mắt ngày lũ; và tác giả Hoàng Trung Hiếu với chùm 2 tác phẩm: Làm hư trò có phải do người thầy? và Chống gian dối trong thi cử - chống từ đâu.

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ và nhà văn Chu Thị Thơm trao Giải B cho các tác giả.

Các tác giả nhận giải khuyến khích


HB
Ý kiến của bạn