Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

29-10-2024 18:05 | Y tế

SKĐS - Hôm nay 29/10, tại trụ sở Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc trực tuyến với GS. Valery Feigin, Giám đốc Viện Quốc gia về đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand.

Cùng tham dự làm việc với Thứ trưởng tại điểm cầu Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế và Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. Buổi làm việc kết nối đến nhiều điểm cầu các chuyên gia về đột quỵ, thần kinh trong nước và quốc tế.

Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam- Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc tại điểm cầu Bộ Y tế.

Buổi làm việc nhằm chia sẻ những nội dung liên quan đến tình hình đột quỵ trên toàn cầu và tại Việt Nam, chia sẻ công nghệ NISAN và các dự án toàn cầu, tìm hiểu về vấn đề y tế số của Việt Nam và các nội dung khác 2 bên cùng quan tâm.

Thông tin tại buổi làm việc cho thấy, gánh nặng đột quỵ tăng trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ tăng hàng năm liên tục, trong vòng 30 năm qua. Tại Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não tăng lên cao và ngày càng trẻ hoá. Vấn đề đặt ra làm thế nào để cải thiện tình trạng này?

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đột quỵ và những bệnh mãn tính khác có thể phòng ngừa. Theo đó, một công nghệ quản lý đột quỵ hiện đã được nhiều nước trên thế giới cấp phép sử dụng, góp phần hiệu quả quản lý nguy cơ, giúp giảm tỷ lệ đột quỵ não từ 25-30% đã được các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại buổi làm việc.

Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam- Ảnh 2.

GS. Valery Feigin và các chuyên gia trong nước, quốc tế tham dự làm việc trực tuyến.

Từ điểm cầu Bộ Y tế, các chuyên gia y tế của Việt Nam và lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện đã trao đổi với GS. Valery Feigin và chuyên gia quốc tế để làm rõ hơn vai trò của công nghệ quản lý đột quỵ nói riêng và phòng chống các bệnh không lây nhiễm khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ ấn tượng với phần trình bày của GS. Valery Feigin và các chuyên gia quốc tế liên quan đến công nghệ góp phần giảm nguy cơ bệnh không lây nhiễm, không những cho đột quỵ mà còn là ung thư, tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp...

"Qua nghe thông tin của các chuyên gia cho thấy công nghệ này hiệu quả và đã áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, đã được FDA cấp phép, Mỹ cho phép sử dụng. Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác để cùng trao đổi làm sao để người dân Việt Nam được tiếp cận" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam- Ảnh 3.

Quang cảnh tại điểm cầu Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giao Cục Y tế dự phòng phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị liên quan cùng kết nối với GS. Valery Feigin và cộng sự để trao đổi có thêm thông tin, bàn bạc cụ thể trước khi GS. Valery Feiginsang sang Việt Nam tháng 12 tới đây.

Đáp từ, GS. Valery Feigin bày tỏ cảm ơn những thông tin của Thứ trưởng và cho biết trong lần đến Việt Nam tháng 12 tới đây, ông sẽ có bài trình bày về điều trị dự phòng đột quỵ não, cũng như chấn thương sọ não... "Nếu các bạn có quan tâm, tôi sẵn sàng chia sẻ rộng rãi" - GS. Valery Feigin nói.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ lời cảm ơn đến GS. Valery Feigin và đề nghị khi có thời gian và chương trình cụ thể làm việc ở Việt Nam, GS. Valery Feigin kết nối trực tiếp với đơn vị đầu mối là Cục Y tế dự phòng để Bộ Y tế sắp xếp các đơn vị liên quan đến nghe các bài giảng của Giáo sư...

Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam- Ảnh 4.
Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam- Ảnh 5.
Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam- Ảnh 6.

Đại diện các đơn vị tham gia buổi làm việc phát biểu.

Mỗi ngày, 50-60 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, 3 khuyến cáo phòng chống cần biếtMỗi ngày, 50-60 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, 3 khuyến cáo phòng chống cần biết

SKĐS - Tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng 50 ca nhập viện mỗi ngày, có những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh. Đột quỵ ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hoá.


Thái Bình/ Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn