Những hoạt động trao đổi sách cũ, đấu giá những bản sách quý hiếm đang được công chúng cổ vũ bởi giá trị cộng đồng sâu sắc. Từ những chương trình gói gọn, nhỏ lẻ, hoạt động này đã phát triển lên một bậc, trở thành một sinh hoạt văn hóa đáng được ghi nhận.
Từ những chương trình nhỏ lẻ
Từ nhiều năm trước, phong trào đổi sách cũ đã được các bạn trẻ hưởng ứng và lan rộng trong cộng đồng. Đó thực sự là một hoạt động hữu ích nhằm nâng cao văn hóa đọc cũng như khởi động một chương trình có ý nghĩa trong bối cảnh sách và văn hóa đọc chưa được quan tâm đúng mức. Bắt đầu là việc trao đổi những cuốn sách ngoại văn cũ không còn xuất bản ở những hiệu sách lâu đời. Điều đáng nói là trong số những người đầu tiên khởi xướng phong trào này, có cả người nước ngoài, vì niềm yêu thích sách cũng như mong muốn tốt đẹp về những cuốn sách cho trẻ em, người nghèo, người cần tư liệu nghiên cứu đã lập ra nhà sách, thư viện tổng hợp để đáp ứng nhu cầu này. Đó là hiệu sách Bookworm được mở ra bởi hai người Australia.

Hưởng ứng hoạt động này, nhiều nhà sách, thư viện, nhà xuất bản cũng đã lựa chọn những dịp phù hợp để phát động ngày hội đổi sách cũ, trao đổi sách như Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, Thư viện Khoa học tổng hợp, Tổ chức sinh viên Quốc tế SIFE, Nhà xuất bản Kim Đồng... Rất nhiều người đã có được nguồn tri thức phong phú nhờ được tiếp cận và sở hữu những tư liệu, bản sách quý giá, hữu dụng trong những chương trình này. Tinh thần chia sẻ cùng những hội nhóm trao đổi sách cũng từ đó ra đời.
Không phải ai cũng may mắn được tiếp cận nguồn tri thức quý giá từ những cuốn sách hay, nắm bắt được tinh thần này, những hội sách cũ để quyên tiền từ thiện cho trẻ em nghèo, các hoạt động nhân đạo đã được hưởng ứng nhiệt liệt.
Phát triển thành hoạt động dài hơi
Nhà sách Nhã Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động bán đấu giá các bản sách cũ có chữ ký, thủ bút của nhiều nhà văn nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Tuân. Tại những buổi offline sách cũ của Nhã Nam, chân dung của những “mạnh thường quân” sẵn sàng bỏ tiền để có được những bản sách quý và lưu giữ lại như một thú sưu tập độc đáo đã lộ diện. Tinh thần gìn giữ, bảo tồn những bản sách quý hiếm sống mãi với thời gian thực sự đáng hoan nghênh.
Cũng là một đơn vị nhiệt thành trong các hoạt động xã hội hóa cộng đồng, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cũng khẳng định được chức năng khi ra mắt Câu lạc bộ đổi sách Hà Nội. Không những các thành viên mà những người yêu sách đều có thể mang những cuốn sách cũ đến để nhận thẻ chọn sách mới. Nhờ đó, những người không có điều kiện kinh tế cũng như thời gian đi sưu tầm có thể có được những cuốn sách mình cần, đồng thời thắt chặt các hoạt động giao lưu, trao đổi.
Những phiên chợ đồ cũ vốn rất quen thuộc ở nước ngoài đã “nhập cảnh” sang Việt Nam, không những ở lĩnh vực thời trang, gia dụng mà còn là sản phẩm phục vụ văn hóa đọc của công chúng. Ở những phiên chợ được tổ chức quy mô, rầm rộ, không khó để nhận mặt những trang mạng đổi sách được các bạn trẻ yêu thích như trang Facebook mang tên Book Sale, Sách cũ Sài Gòn, Tiệm sách cũ, Sách cũ xưa nay, Bán sách mua kem... Các cuộc thi viết về cuốn sách tuổi thơ, review sách, trích dẫn yêu thương, góc đọc sách của tôi với phần thưởng chính là những cuốn sách hay đã làm sáng lên tinh thần của chương trình.
Sách cũ nhưng giá trị không hề cũ, ý thức sâu sắc về ý nghĩa của hoạt động lưu giữ, bảo tồn và phổ biến những bản sách hữu ích cho cộng đồng đã thôi thúc những người khởi xướng tổ chức chương trình có sức lan tỏa lớn. Trong tình hình xuất bản sách chưa có được một giải pháp toàn diện để tinh lọc nguồn tri thức như hiện nay, hoạt động trao đổi sách cũ hơn bao giờ hết mang đến những giá trị to lớn về mặt tinh thần, khơi dậy bản năng tiềm tàng trong tiếp nhận văn hóa, tri thức của công chúng.
Ngữ Nam