Theo thống kê, ở nước ta, số lượng người bị thoái hóa khớp – một trong những căn bệnh dễ dẫn đến tàn phế chiếm khoảng 23,3% ở người trên 40 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở người dưới 50 tuổi ngày càng gia tăng, khiến đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm trước đây.
Chính vì vậy, trọng tâm của buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm ứng dụng tế bào gốc trong điều trị khớp gối của các chuyên gia của Bệnh viện Nexwel Nhật Bản và các bác sĩ Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thể Thao Việt Nam đặc biệt xoay quanh việc điều trị khớp gối bằng tế bào gốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người bệnh.
Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị khớp gối.
Tại Hội thảo, BS Nguyễn Trọng Thủy – BSCKI Y học thể thao, Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia Hà Nội cho biết, liệu pháp tế bào gốc đã mở ra tương lai đầy triển vọng trong điều trị các bệnh về khớp xương như đầu gối, vai, thắt lưng… Đáng chú ý, hiệu quả điều trị không chỉ ở người cao tuổi mà ở cả những chấn thương hay vết thương ngoài.
Theo các chuyên gia ưu điểm vượt trội của phương pháp trên là thời gian điều trị ngắn, không ảnh hưởng đến sức khoẻ do sử dụng tế bào tự thân, hiệu quả cao, ít gây biến chứng, áp dụng được cho cả bệnh nhân ung thư, suy tim, suy thận… Đặc biệt, tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn sau khi điều trị bằng phương pháp này lên tới 83% chỉ sau một liệu trình.
Giáo sư Tatsunao Sugiura (Bệnh viện Nexwel Nhật Bản) Ủy viên Hiệp hội chăm sóc y tế Nhật Bản, một trong những chuyên gia đầu ngành về huyết học và nuôi cấy tế bào gốc cho biết, phần lớn nguyên nhân đau đầu gối ở nhiều người bệnh là do sụn khớp bị bào mòn. Các phương pháp điều trị hiện nay là tiêm hyaluronic axit để giảm đau, nếu không thể hồi phục sẽ tiến hành phẫu thuật khớp nhân tạo. Tuy nhiên, có nhiều người lo ngại về khớp nhân tạo và cũng nhiều người khó có thể tiến hành phẫu thuật. Hiện nay tái tạo sụn khớp bằng tế bào gốc thường được nhiều người thử trước khi sử dụng khớp nhân tạo.
GS. Tatsunao Sugiura phân tích, ưu điểm của điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc là khả năng tiếp cận trực tiếp vào chỗ viêm và sụn khớp - nguyên nhân của đau khớp gối, cụ thể là tiêm tế bào gốc vào khớp giúp ức chế chỗ viêm và thúc đẩy phục hồi phần sụn khớp. Điểm thứ 2 là điều trị bằng các tế bào lấy từ chính cơ thể người bệnh nên tính an toàn cao.
Tế bào gốc được chia thành 4 nguồn chính, đó là tế bào gốc phôi, tế bào gốc thai, tế bào gốc từ dây rốn và tế bào gốc từ người trưởng thành. Trong đó, việc sử dụng tế bào gốc nguồn gốc từ người trưởng thành là khả thi nhất. Tế bào gốc ở người trưởng thành hiện diện ở nhiều cơ quan như tủy xương, máu ngoại vi, não bộ, gan, tụy, da cơ...
Trước đây, việc lấy tế bào gốc chủ yếu ở tủy xương và máu ngoại vi nhưng số lượng thường ít, do đó hoặc phải lấy rất nhiều tủy xương hay máu, hoặc cần nuôi cấy để đạt được số lượng tế bào cần thiết.
Ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy lấy tế bào gốc nguồn gốc mô mỡ là một biện pháp tối ưu: mô mỡ, đặc biệt mỡ bụng có rất nhiều tế bào gốc, không phải nuôi cấy phức tạp mà vẫn có thể lấy đủ số lượng tế bào gốc phục vụ điều trị, lấy mỡ bụng rất đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ vùng bụng mà hầu như không gây ảnh hưởng cho bệnh nhân.
Phần trao đổi trực tiếp giữa những người tham dự cầu nối sức khỏe Việt Nhật - JVHB và các chuyên gia từ Nhật Bản diễn ra sôi nổi với hàng loạt câu hỏi thiết thực được đưa ra và được giải đáp toàn diện. Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành khám, tư vấn miễn phí cho 16 bệnh nhân đăng ký.
Cũng trong tại hội thảo các bác sĩ cùng nhau trao đổi về các triệu chứng của bệnh, các phương pháp điều trị hiệu quả và các thông tin nghiên cứu mới về bệnh lý xương khớp và khớp gối...
Được biết, các chuyên gia Nhật Bản đến từ Bệnh viện Nexwl hiện đang nghiên cứu sử dụng cả tế bào gốc tự thân lẫn cả tế bào gốc của những người khỏe mạnh, đồng thời mong muốn mang những kiến thức cập nhật này tới giao lưu cùng các bác sĩ Việt Nam.
Ở Hoa Kỳ, theo Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey NHIS), năm 2008 bệnh xương khớp mãn tính ở người trưởng thành cao hơn 60% so với bệnh tim mạch và gấp hai lần bệnh hô hấp mãn tính. Cụ thể, tần suất của bệnh cơ xương khớp trong dân số trưởng thành chiếm gần 50%, còn tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch là 30% và hô hấp khoảng 24%.
Ở Việt Nam, trước đây thoái hóa khớp thường gặp ở những người 50 tuổi trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên. Nhưng hiện nay, tình trạng thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở người mới 35 tuổi, thậm chí trẻ hơn. Thống kê sơ bộ cho thấy, thoái khớp có tỷ lệ 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và đến 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp, đây đang là thách thức y tế lớn của nước ta. Tổ chức Y tế Thế giới WHO chọn thập niên 2011 - 2020 là “Thập niên xương và khớp” và WHO cũng đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới.