Hà Nội

Trao bằng tốt nghiệp cử nhân về hoạt động trị liệu đầu tiên ở Việt Nam

06-08-2019 17:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 6/8/2019, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho nhóm 36 cử nhân đầu tiên về Hoạt động trị liệu (HĐTL) tại Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu của dự án 5 năm (2016-2020) về phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam.

Ngày 6/8/2019, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho nhóm 36 cử nhân đầu tiên về Hoạt động trị liệu (HĐTL) tại Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu của dự án 5 năm (2016-2020) về phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam.  Dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức HI (Humanity - Inclusion).

Dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam về phát triển đào tạo HĐTL được thực hiện với sự phối hợp của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Đại học Y dược-TP Hồ Chí Minh. Mục đích nhằm phát triển đội ngũ nhân lực về hoạt động trị liệu thông qua việc dựng các điều kiện tiền đề phát triển ngành HĐTL tại Việt Nam, trong đó có việc cung cấp các giảng viên nguồn về HĐTL, phát triển chương trình học chuẩn năng lực, phát triển các tài liệu dạy và thúc đẩy các chính sách về HĐTL tại Việt Nam.

TS Đinh Thị Diệu Hằng- Hiệu trưởng Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương trao bằng tốt nghiệp cử nhân về hoạt động trị liệu đầu tiên ở Việt Nam

Hoạt động trị liệu là một chuyên ngành y khoa lấy người bệnh làm trung tâm hướng đến việc thúc đẩy sức khỏe người bệnh thông qua trị liệu. Mục tiêu quan trọng của HĐTL là cho phép người bệnh tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày. Các chuyên gia về HĐTL thực hiện HĐTL thông qua làm việc với mọi người và cộng đồng từ đó thúc đẩy khả năng thực hiện các hoạt động mà người bệnh muốn làm, cần làm hoặc dự kiến làm hoặc thông qua điều chỉnh việc trị liệu hoặc môi trường để giúp người bệnh tham gia việc trị liệu được tốt hơn.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có các kỹ thuật viên HĐTL được đào tạo chuyên sâu. Các dịch vụ HĐTL chủ yếu do các kỹ thuật viên vật lý trị liệu đảm nhận. Các kỹ thuật viên này hoặc chưa được đào tạo về HĐTL hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn tại trong nước hoặc nước ngoài với các kiến thức cơ bản. Hiện chỉ có một số ít các bệnh viện lớn có cung cấp các dịch vụ về HĐTL.

Theo TS Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo- Bộ Y tế: Nguồn lực chuyên sâu về PHCN của Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn. Trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài để cung cấp nhuồn nhân lực về lĩnh vực này Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan để có một chiến lược phù hợp. Về đào tạo sẽ thống nhất với Bộ Giáo dục đào tạo để có lộ trình, trước mắt xây dựng mã số chuyên nhành riêng về PHCN, trong đó có các chương trình chuyên ngành. Trong chương trình chuyên ngành có chương trình chuyên về HĐTL. Trong hệ thống y tế cần có những chính sách phát triển hệ thống PHCN kể cả trong bệnh viện cũng như cộng đồng; có chính sách để hỗ trợ cho những người làm công tác PHCN.

Trong thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam đã triển khai xây dựng chương trình HĐTL và đang áp dụng thí điểm ở Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh… đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực kể cả trình độ cao cũng như đào tạo ngắn hạn về lĩnh vực HĐTL cho Việt Nam và đây là những nòng cốt để phát triển, mở rộng ra trong tương lai khi định hướng sẽ mở thành một ngành độc lập trong cơ cấu đào tạo nhân lực y  tế.


Thu Hương
Ý kiến của bạn