Thông tin tại buổi lễ cho biết, chương trình liên kết thạc sĩ khoa học dược các nước tiểu vùng sông Mekong được tổ chức luân phiên tại ba nước Đông-Nam Á gồm Việt Nam, Lào và Campuchia với sự tham gia giảng dạy của đội ngũ giảng viên đến từ các trường đại học hàng đầu của Pháp.
Khung chương trình được sử dụng là chương trình giáo dục hiện đang được áp dụng chính thức trong đào tạo thạc sĩ tại các Trường Đại học Paris Descarte, Aix- Marseille; Toulouse Paul-Sabatier, Angers với bốn chuyên ngành: hóa dược, dược động học, dược lý và khoa học thuốc, công nghệ dược và bào chế thuốc. Bằng được cấp trong chương trình được chấp nhận trong chương trình đào tạo sau Đại học của tất cả các nước thuộc khối EU.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, chương trình khóa thạc sĩ được thực hiện từ năm 2012 đến nay, kết quả đã đào tạo được 133 chuyên gia dược trình độ cao, trong đó các học viên đến từ Việt Nam là 89 người, Lào là 13 người và Campuchia là 29 người. Số học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ở những vị trí phù hợp với chuyên môn, một số học viên tiếp tục học ở những bậc học cao hơn. Đây là nguồn bổ sung nhân lực có chất lượng cao cho ngành dược của Việt Nam, Lào và Cambodia.
GS .TS Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội phát biểu tại buổi lễ
Hằng năm có từ bốn đến sáu lượt các giảng viên của ba nước được tham gia trợ giảng cùng với các giảng viên Pháp. Thông qua hoạt động này, các giảng viên vừa được cập nhật kiến thức vừa được bồi dưỡng về kỹ năng giảng dạy. Một số môn học đã được các trường đại học của Pháp chuyển giao cho các giảng viên Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Pháp, đáp ứng được yêu cầu chương trình.
Ngoài ra, theo GS .TS Nguyễn Thanh Bình, một số môn học, nội dung giảng dạy được tích hợp trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Dược Hà Nội ở bậc sau đại học.
Cùng với những kết quả trên, chương trình đã tạo ra mối liên hệ của khoảng 20 nhà khoa học của bốn trường Đại học ở Pháp và khoảng 20 nhà khoa học của bốn trường Đại học ở các nước Đông Dương. Mối liên hệ này giúp cho giảng viên các trường Đại học Đông Dương tiếp cận được các chương trình giảng dạy tiên tiến, từng bước hội nhập quốc tế
Thay mặt lãnh đạo Cục Khoa học- Đào tạo, Bộ Y tế, phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Minh Lợi- Phó Cuc trưởng Cục Khoa học - Đào tạo nhấn mạnh trong những năm qua Cộng hoà Pháp đã luôn hỗ trợ cho công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Về chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ khoa học dược các nước tiểu vùng sông Mekong, TS Nguyễn Minh Lợi đánh giá cao hiệu quả của chương trình và cho rằng hướng tiếp cận mới trong đào tạo thạc sĩ dược này mở ra nhiều hiệu quả về nhiều mặt, đã không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dược của các nước tham gia dụ án mà còn nâng cao chất lượng giảng viên và các môn học trong chương trình đào tạo tiên tiến của các trường
Được biết, chương trình liên kết thạc sĩ khoa học dược các nước tiểu vùng sông Mekong kết thúc đồng thời cũng mở ra một chương trình hợp tác mới "Mạng lưới dược tiểu vùng sông Mekong" được tổ chức tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các trường Đại hóch của Cộng hòa Pháp và sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Piere Fabre với trị giá khoảng 1,7 triệu Euro và Hiệp hội các trường sử dụng tiếng Pháp. Chương trình này sẽ bắt đầu vào năm 2020 trong thời gian 5 năm với mục tiêu góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên Châu Á trong đào tạo khoa học và nghiên cứu khoa học.
Lễ ký kết về chương trình hợp tác mới "Mạng lưới dược tiểu vùng sông Mekong" giữa Đại học Khoa học Y tế Campuchia (UHSC), Đại học Khoa học Y tế Lào (UHSL), Trường Đại học Dược Hà Nội (HUP), Trường Đại học Y Dược tại Thành phố Hồ Chí Minh (UMP), Cơ quan Đại học La Francophonie (AUF) và Quỹ Pierre Fabre được tổ chức dưới sự chứng kiến của đại diện Pháp và Việt Nam. Các bên cùng ghi nhận những nội dung thoả thuận và cùng ký kết những nội dung.