Tránh xa thuốc “3 không” kẻo rước họa vào thân

19-10-2018 07:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thuốc y học cổ truyền chứa tân dược, mà lại là những chất gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng như phenformin, dexamethason đã được cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu thu hồi các sản phẩm thuốc chứa những chất này.

Qua đây, thêm một lần cảnh báo người dân không nên tin tưởng vào những lời quảng cáo vô căn cứ mà sử dụng; đồng thời cơ quan chức năng phải thu hồi ngay những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm định, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành để tránh tiền mất, tật mang.

Liên tục phát hiện những mẫu thuốc mập mờ “3 không”

Cách đây vài ngày, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã có công văn thông báo về sản phẩm có nhãn ghi là Viên thuốc màu xám (thuốc trị bệnh tiểu đường) dương tính với phenformin. Mẫu sản phẩm Viên thuốc màu xám được lấy tại tỉnh Cần Thơ do Nhà thuốc YHCT tư nhân Vạn Tế Sanh sản xuất và không có thông tin về số lô, hạn dùng, số đăng ký. Sản phẩm này qua kiểm nghiệm dương tính với phenfomin - đây là hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả nước ta cấm lưu hành từ nhiều năm qua.

Theo đó, Cục Quản lý y dược cổ truyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh, các cơ sở khám chữa bệnh tạm dừng sử dụng và thu hồi thuốc này; tổ chức tiến hành kiểm tra chất lượng, xác định nguồn gốc xuất xứ của thuốc nói trên và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, báo cáo về Cục trước ngày 10/11/2018. Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các cơ sở trên chuyển toàn bộ kết quả, hồ sơ, tài liệu xử lý thuốc này cho cơ quan công an trên địa bàn đển tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Cũng liên quan đến chất lượng thuốc, Cục Quản ý y dược cổ truyền đã thông báo đến các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh thuốc trên cả nước rà soát, ngừng kinh doanh, sử dụng sản phẩm mang tên thuốc Thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn và thuốc 092414343.

Tránh xa thuốc “3 không” kẻo rước họa vào thânLực lượng chức năng kiểm tra một số thuốc đông dược không rõ nguồn gốc.

Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết, Cục đã nhận được báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đăk Nông sau khi đã lấy 2 mẫu sản phẩm nói trên gửi Viện Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm TP. Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện Thuốc thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn và loại thuốc 092414343 đều có chứa các chất paracetamol, dexamethason và berberin. Trong số các chất này thì hoạt chất dexamethason dễ gây ra các tác dụng phụ như: phù, tăng cân, đau dạ dày và nếu dùng lâu dài có thể gây ra các tai biến về xương  khớp.

Đáng lưu ý, cả hai loại sản phẩm thuốc trên đều có dạng bào chế viên trụ tròn như một số thuốc y học cổ truyền, không có thông tin về nơi sản xuất, số lô, hạn dùng và số đăng ký.

Xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, không có số đăng ký lưu hành

Liên quan đến chất lượng thuốc nói chung, thuốc y học cổ truyền nói riêng, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền Bộ Y tế cho biết, cách đây không lâu, Cục cũng nhận được báo cáo về việc có người bệnh đái tháo đường sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ để điều trị đã làm cho bệnh nặng thêm.

Cục trưởng Khánh cho biết, để tăng cường công tác quản lý khám chữa bệnh, sản xuất và kinh doanh thuốc cổ truyền trong toàn quốc đảm bảo chất lượng phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, Cục thường xuyên có các văn bản đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh y dược cổ truyền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cổ truyền trên địa bàn gồm: các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc cổ truyền, phòng chẩn trị y học cổ truyền, các cơ sở hành nghề bài thuốc gia truyền và các cơ sở quảng cáo khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc cổ truyền trên mạng internet. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong hoạt động khám chữa bệnh sản xuất, kinh doanh thuốc cổ truyền, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký lưu hành theo quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường lấy mẫu thuốc cổ truyền, thuốc gia truyền của các cơ sở khám chữa bệnh để kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Trường hợp có nghi ngờ thuốc không đảm bảo chất lượng nhưng Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của tỉnh, thành phố chưa đáp ứng yêu cầu để kiểm nghiệm chất lượng thuốc đề nghị gửi mẫu thuốc đến Viện Kiểm nghiệm thuốc TW và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh.

Thực phẩm chức năng cũng chứa chất cấm

Trên thực tế không chỉ có thuốc mà ngay cả với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng đã phát hiện có sản phẩm chứa chất cấm lưu thông trên thị trường. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân có chứa sibutramine, các sản phẩm này đã bị thu hồi và xử lý theo quy định.

Theo Cục An toàn thực phẩm, sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, được sử dụng từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện ra tác dụng phụ, đặc biệt sau 2 ca tử vong do tim mạch ở Ý và bị cấm bán ở nước này từ năm 2002. Tại Pháp, thuốc bị cấm bán từ năm 2007. Sau đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới đã liệt kê sibutramine là chất cấm, đưa ra khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch đối với các thuốc chứa hoạt chất này.

Tại Việt Nam, từ năm 2010, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine. Đầu năm 2011, Cục tiếp tục thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn và quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.


Thái Bình
Ý kiến của bạn