Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có gia đình trở về. Phần đông trong số những người trở về, tôi thấy họ không được khỏe, da xanh bủng, mắt trắng, môi thâm. Nghe người lớn kháo chuyện với nhau thì họ bị “ngã nước”. Tôi không thể nào hiểu nổi, vì vào mùa hè, ngày nào tôi cũng cùng bạn bè ra sông Bắc-Hưng-Hải tắm mà có thấy đứa nào bị “ngã nước” đâu. Chẳng lẽ nước trên miền ngược lại độc như trong chuyện cổ tích mà tôi được nghe. Bọn trẻ con chúng tôi hỏi nhau, tranh cãi nhau về chuyện này mà chẳng bên nào thắng được bên nào. Đi hỏi người lớn, cũng chẳng ai giải thích được cho chúng tôi, còn dọa: Nếu tắm sông nhiều quá thì hãy coi chừng. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu rằng, chuyện “ngã nước” mà tôi thắc mắc bao nhiêu năm qua chính là bệnh sốt rét mà nguyên nhân duy nhất là do bị muỗi đốt.
Cần tạo thói quen ngủ màn cho cộng đồng.
Vào năm 1974, khi ấy tôi là bộ đội trên đường vào Nam (Chiến trường B). Trên đường Trường Sơn, chúng tôi dễ được nhận ra là lính mới tò te từ Bắc vào, không những bởi những gương mặt trẻ măng, mà còn bởi chúng tôi vẫn mặc nguyên những bộ quân phục mới tinh được trang bị trước khi vào chiến trường. Gặp những anh lính cũ ở Trường Sơn, chúng tôi mừng lắm, hỏi chuyện tíu tít. Trong các câu chuyện không thể nào nhớ hết có một chi tiết làm tôi ngạc nhiên đến khó tin: “Đứa nào ngủ trưa nhiều đứa ấy rất dễ bị sốt rét”. Chúng tôi, những gương mặt còn hồng hào này vẫn quen ngủ trưa khoảng 30 phút. Nay nghe vậy tôi không khỏi băn khoăn, ngủ trưa hay không ngủ trưa? Quan sát đồng đội của tôi, họ vẫn ngủ trưa như thường, như chưa từng nghe câu nói trên. Riêng tôi, câu nói trên như găm vào, không thể nào quên. Tuy nhiên, tôi vẫn ngủ trưa như bao đồng đội của tôi. Chỉ khác, dù ngủ trưa tôi vẫn mắc màn cẩn thận. Ấy là tôi nghe quân y phổ biến về cách phòng bệnh sốt rét và làm theo. Chỉ khoảng vài tháng sau, đơn vị chúng tôi đã có người bị sốt rét. Thì ra các anh lính Trường Sơn có thâm niên (lính cũ-chúng tôi gọi thế) đã rất tinh: Những người hay ngủ trưa bị sốt rét trước thật. Nhưng theo quan sát của tôi, đó là những anh chàng lười mắc màn buổi trưa vì cho rằng: ban ngày làm gì có muỗi đốt.
Vào năm 1989, khi ấy tôi đã là bác sĩ. Còn nhớ một chuyến công tác về vùng sâu vùng xa để cắm điểm phòng và điều trị sốt rét tại huyện Cát Tiên - tỉnh Lâm Đồng. Khi ấy, quên gì không quên, lại quên cái màn. Thật là tai hại, suốt đêm đầu tiên của chuyến công tác tôi không hề chợp mắt vì sợ bị muỗi đốt. Rồi cũng đến sáng. Anh bạn đồng nghiệp tại địa phương đến thăm, hỏi han về sức khỏe, ổn định nơi ở và làm việc. Tôi thú thực đêm qua không ngủ để đuổi muỗi vì rằng quên cái màn. Anh bạn mỉm cười nói với tôi “Tránh muỗi chẳng xấu mặt nào”. Tôi đang lo không biết tìm đâu ra cái màn giữa vùng vừa lạ vừa đặc biệt khó khăn này thì buổi chiều, anh bạn đem đến tặng luôn cho tôi một cái màn còn lành lặn. Chính nhờ cái màn ấy mà sau chuyến công tác dài ngày tại vùng sốt rét tôi vẫn không bị sốt rét. Bây giờ tôi vẫn nhớ như in kỉ niệm này.
Đến đây, cũng cần phải nói rõ rằng: Phòng chống muỗi đốt không những phòng được bệnh sốt rét mà còn đồng thời phòng được bệnh sốt xuất huyết. Vì rằng bệnh sốt xuất huyết cũng do muỗi truyền.
Chợt nhớ một bài văn vần từ thủa tôi đi học lớp 1:
Đêm qua hóng mát ngoài hiên
Có anh bạn tú ngủ quên mắc màn
Họ nhà muỗi rủ nhau sang
Dương vòi ra đốt anh mang bệnh liền
Tôi muốn bổ sung thêm: Thế rồi xuất huyết liên miên.
Thiết nghĩ, việc phòng chống muỗi đốt, phòng chống dịch bệnh nói chung trước hết phải do chính bản thân mình phòng cho mình, cho gia đình mình, không ai làm thay được. Cũng ví như không ai ăn thay, thở thay cho mình được. Các cụ xưa nói rằng: Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nếu ta đứng trước một con voi và một con muỗi thì rõ ràng con voi sẽ vô cùng nguy hiểm, còn con muỗi thì không. Tuy nhiên, đối với cộng đồng con người thì loài muỗi lại nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của chúng ta hơn rất nhiều so với loài voi. Loài voi, về cơ bản còn có lợi cho việc cân bằng sinh thái, có lợi cho chính con người chúng ta. Bởi vậy, anh bạn đồng nghiệp của tôi nói rằng “Tránh muỗi chẳng xấu mặt nào” cũng cần được lưu ý lắm thay!