Luật hóa việc mang thai hộ là cần thiết nhưng theo nhiều đại biểu, dự thảo luật còn nhiều kẽ hở, chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh trong thực tế.
Chiều 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT - sửa đổi).
Luật hóa hôn nhân đồng giới cần lộ trình
Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH - mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm những người cùng giới tính kết hôn nhưng họ vẫn chung sống như vợ chồng bất chấp các cơ quan nhà nước phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để xử lý. Do đó, việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành không còn phù hợp, cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng các điều kiện mang thai hộ như dự thảo quy định còn chưa đầy đủ Ảnh: THẾ KHA
Đại biểu (ĐB) QH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng sửa luật cũng phải có bước đi, lộ trình phù hợp. “Trong thời điểm này, công nhận ngay cũng có nhiều cái phức tạp. Tôi mong muốn cần có các bước đi chắc chắn hơn để cộng đồng yên tâm. Xu thế xã hội ủng hộ song để luật hóa cần phải có quá trình” - ông Quốc góp ý.
Trong khi đó, ông Dương Đăng Huệ - Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi (Bộ Tư pháp) - thống kê thế giới mới có 16 quốc gia thừa nhận kết hôn đồng giới, ở châu Á chưa có nước nào. Do vậy, việc bỏ cụm từ “cấm kết hôn đồng giới” bằng cụm từ “không thừa nhận hôn nhân đồng giới” đã là 1 bước tiến trong nhận thức và tiến bộ, phù hợp với tình hình hiện nay.
Băn khoăn cho phép “mang thai hộ”
Đồng tình với quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự luật, song các ĐBQH cũng tỏ ra băn khoăn. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) nói: “Muốn có con là nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, vấn đề mang thai hộ hết sức phức tạp và tiềm ẩn những hệ quả khó lường”. Bà Thanh đề nghị cần đưa ra những điều kiện, tiêu chí chi tiết về sức khỏe, thậm chí về đạo đức của người mang thai hộ để tránh hệ lụy đáng tiếc. ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đề cập trong các trường hợp phát sinh như: người nhờ mang thai hộ không muốn nhận con khi đứa trẻ có vấn đề về sức khỏe, bị khuyết tật; người mang thai hộ sinh đôi, sinh ba trong khi người nhờ chỉ nhận 1 trẻ; người mang thai hộ không trả con... thì giải quyết ra sao?
Dưới góc nhìn của người quản lý trong lĩnh vực y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng thực tế đã nảy sinh tình trạng mang thai hộ nên phải luật hóa để tránh những chuyện không hay xảy ra. “Nội dung của dự thảo chưa bịt được việc thương mại hóa vấn đề này. Hơn nữa có rất nhiều người chồng tinh trùng không “chất lượng” hoặc trứng của người vợ có vấn đề thì cũng không thể mang thai được nên quy định như dự thảo cũng cần xem lại” - bà Lan nói.
Thảo luận về dự thảo Luật BHYT, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng cần quan tâm đến chất lượng hơn là chạy theo số lượng. Số người tự nguyện tham gia BHYT hiện rất thấp. Nếu ngay lập tức buộc hàng triệu người mua BHYT là thiếu khả thi.
Theo Người lao động