Tranh thủ từng phút vì người bệnh…

15-08-2021 07:00 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Suốt gần 30 năm qua, mỗi sáng mai thức dậy bác sĩ Hà Thúy (Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê, trực thuộc Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đều nhắc nhở mình phải tranh thủ từng phút vì bệnh nhân và người dân.

Bác sĩ Hà Thúy tận tình chăm sóc bệnh nhân

Theo tiếng gọi trái tim

Hà thúy sinh năm 1971 ở xã Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh), là người dân tộc T'rin. Trải qua tuổi 15, những tiếng kêu thảng thốt của người dân ở các xã phía Tây huyện Khánh Vĩnh ùa vào, neo chặt trong tâm thức của Hà Thúy. 

Đó là sự nỉ non của những bà mẹ trẻ có con mất sớm do đẻ non tại nhà; là tiếng rên siết từ các lực điền lên cơn sốt rét ác tính… Lúc nông nhàn, tốp thanh niên làng này say mềm môi đánh chửi làng khác.

Tranh thủ từng phút vì người bệnh…  - Ảnh 1.

Hà Thúy khám bệnh ở vùng sâu

Lên tuổi 18, sáng dạ, học giỏi, Hà Thúy được lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh gọi lên thông báo: "Sẽ cử Thúy đi học đại học lâm nghiệp để về làm nguồn cán bộ chủ chốt cho ngành lâm nghiệp ở địa phương". Lập tức Thúy chối từ ngay với lý do: Trồng rừng, bảo vệ rừng mình sẽ vận động buôn làng cùng trồng, coi rừng là chiếc bao tải khổng lồ bảo vệ đời sống. Còn mình, trái tim đã thúc giục mình phải thành thầy thuốc để đi tìm bệnh nhân chữa bệnh. 

Để lội đèo, vượt suối làm cho bà con hiểu phải tiêm vắc xin cho trẻ, phải phòng dịch bệnh đầy đủ; phải kết nghĩa các buôn lại để trao truyền cho nhau kiến thức mới; phải hàn gắn vết thương trong các gia đình, xóm làng.

Bác sĩ phải thì lội đèo, vượt suối làm cho bà con hiểu phải tiêm vắc xin cho trẻ, phải phòng dịch bệnh đầy đủ; phải kết nghĩa các buôn lại để trao truyền cho nhau kiến thức mới; phải hàn gắn vết thương trong các gia đình, xóm làng.
Hà Thúy

Chọn lối đi riêng, Hà Thúy phải tự thi vào học y sĩ trường Trung cấp y tế Khánh Hòa (nay là Cao đẳng y tế Khánh Hòa). Nhớ lại lúc cãi cấp trên, quyết theo lựa chọn của mình, Hà Thúy bộc bạch: Ngày ấy người dân các xã Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang còn lạc hậu lắm. Dân tộc Rắk Lây, T'rin và các dân tộc khác cũng chưa thân thiết nhau nhiều hay khăng khít hỗ trợ nhau khi cần. 

Ám ảnh nhất là có già làng cứ như tạc bóng mình trầm mặc lên vách nhà gỗ dưới chân đèo 723 (đèo nối Khánh Vĩnh với Lâm Đồng) trong không gian cô tịch khi mất con vì không chịu đưa đến cơ sở y tế, tin vào lá cây.

Nhiều em bé tiêm phòng không đủ, ốm bệnh liên miên, nằm bẹp dúm trên nhà sàn. Từ đó Hà Thúy vừa đi học y sĩ vừa tập chạy. Vì với bác sĩ nơi hẻo lánh này, chạy chậm trên trên dốc đứng hay đường mòn luồn vào buôn sâu, có khi người bệnh nặng thêm, mình cứu không kịp.

Đầu năm 1993 học xong y sĩ, Hà Thúy được đưa về làm Phó trưởng Phòng khám đa khoa Khánh Lê, cuối năm làm trưởng phòng khám, kiêm luôn trạm trưởng Trạm y tế xã Liên Sang. Là quản lý nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, nhân lực thiếu, người dân lại tản mát trên rừng, rẫy nên Hà Thúy như chiếc xe lu di động. Xuyên ngày đêm, anh cõng các dụng cụ y tế lẫn các tài liệu hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch đến từng nhà dân chữa bệnh, phân tích về hiệu quả của việc tiêm vắc xin.

Chăm sóc sức khỏe và hàn gắn mọi mâu thuẫn

Đáng nhớ nhất với Hà Thúy trong những ngày cõng thuốc luồn rừng đi chữa bệnh đó là: Có nhiều người đuổi đi hoặc cho chữa nhưng cầm sẵn gậy gộc vây quanh. Nếu chữa không khỏi sẽ cho Thúy "ăn đòn". Sáng tạo và không nhụt trí trước bất kỳ hoàn cảnh nào nên y sĩ Thúy vượt qua được mọi cam go. 

Anh bảo: Mỗi mùa mưa vắt xuất hiện khắp nơi ở các con đường mòn. Những ama (bố), away (mẹ) lại sợ tiêm kháng sinh, tiêm phòng vào sẽ không tốt cho con mình. Thế nên khi dịch tiêu chảy hay viêm phổi xảy ra vận động rất khó khăn. Phải cược với buôn làng là mình sẽ chữa khỏi. Nhiều đứa trẻ biến chứng nặng quá, Hà Thúy để đứa trẻ ngồi sau yên xe, lấy áo cột vào người mình đưa đến cơ sở y tế.

Tranh thủ từng phút vì người bệnh…  - Ảnh 3.

Áp dụng quẹt mã QR trong những ngày COVID-19

Không riêng gì trẻ nhỏ, các sản phụ mà ở 4 xã Yang Ly, Sơn Thái, Cầu Bà, Liên Sang của huyện Khánh Vĩnh, người dân hay vượt núi, luồn rừng đi lấy cây đót, đi trỉa bắp, trồng sắn… gặp nạn liên tục. Có những con đường bất kỳ phương tiện nào cũng không đi được, phải chạy bộ, dày dép bác sĩ Thúy phải đặt thợ đóng đế bằng cao su cứng thật dày cho đá khỏi chọc tứa máu chân. Vừa khám bệnh, cứu chữa cho người dân, bác sĩ Thúy vừa luyện chạy, tìm và lưu lại trong trí nhớ tất cả các con đường tắt.

Một buổi trưa hè năm 1997 ở thôn Bố Lang (xã Sơn Thái) cũng để lại cho nhiều thanh niên miền sơn thẳm này bài học đáng nhớ. Đó là ngày nghỉ lễ, họ uống rượu cồn xuyên ngày đêm. Có người ngộ độc, lòa mắt nhưng lại tin lao xuống dòng suối mát sẽ khỏi nhưng càng ngụp lặn càng nặng thêm. Hà Thúy tìm đến cược rằng hãy đến bệnh viện chữa trị nhanh, nếu bệnh không giảm anh sẽ bắt đền cho. Nhiều thanh niên nghe theo Hà Thúy đã thoát khỏi cơn ngộ độc hành hạ.

Một trong những bí quyết tuyên truyền phòng chống bệnh hiệu quả nhất mà bác sĩ Hà Thúy đúc rút ra đó là nắm vững lịch sinh hoạt và tâm lý của người dân. Phải "đột nhập" ban đêm hay giữa trưa thì mới đông đủ người ở nhà. Lúc ấy hiệu quả tuyên truyền mới cao được. Anh bảo: Mình cứ mang tất cả lòng yêu thương và chân thật ra thì người dân sẽ thương mình mà bảo vệ sức khỏe của họ thôi.

Nhiều đợt sốt rét, sốt xuất huyết triền miên, người làng chưa có bệnh kỳ thị người làng có bệnh, Hà Thúy lại đứng ra hòa giải, phân tích kỹ càng. Anh nói cho từng người hiểu nguồn cơn của bệnh tật và cách chữa trị nó và ra điều kiện nếu anh chữa khỏi thì các buôn làng không được phân biệt gì phải gắn bó, san sẻ với nhau hơn. 

Mỗi lần như vậy, Hà Thúy đều chỉ vào ngực mình thổ lộ rằng: "Tôi dân tộc T'rin nhưng với tôi, người Kinh, Rắk Lây hay tất cả các dân tộc khác đều như ruột thịt, đều là anh em". Tấm lòng của Hà Thúy được nhiều người thấu cảm, hàng loạt buôn làng xích lại gần nhau hơn.

Nhiều già làng ở phía Tây Khánh Vĩnh tâm tình: Hà Thúy đi đến vùng đất nào là người dân yêu mến xem như người nhà. Do nắm bắt được nhiều kiến thức và tâm lý nên mỗi gia đình có mâu thuẫn hay nhà nọ bất hòa với nhà kia, Thúy đều đến hòa giải hết. Thúy dặn các già làng nếu thấy trong buôn mình ai mệt mỏi thì báo ngay để anh tìm đến chữa trị kịp thời.

Có giai đoạn cao điểm dịch tả và sốt xuất huyết bùng phát, trong ba lô Hà Thúy luôn có bạt ngủ rừng. Nhà cách phòng khám chưa đầy 10km nhưng có khi cả tháng mới về vài lần. Ngoài những giờ khám chữa bệnh ở phòng khám thì lao ngay lên các cung đèo, các lán rẫy để thăm khám cho người dân. Hà Thúy còn làm cho từng người dân hiểu tác hại của việc uống rượu cồn, ăn đồ sống mất vệ sinh.

Luôn thích bận rộn vì…mọi người

Khi nhận thấy người dân đã dần chuyển biến được ý thức, có bệnh không còn tự lăn lóc chữa bằng thuốc lá hay tự khấn vái, Hà Thúy chộn rộn niềm vui. Nhưng một số bệnh vẫn không thể chữa được trong huyện nên Hà Thúy nung nấu học cao lên. Năm 2002, Hà Thúy ra Đại học y Huế học và lấy bằng bác sĩ đa khoa vào năm 2007.

Tranh thủ từng phút vì người bệnh…  - Ảnh 4.

Phút thảnh thơi hiếm hoi của Hà Thúy trước phòng cấp cứu

Về lại phòng khám, bác sĩ Hà Thúy dùng tất cả thời gian của các dịp nghỉ lễ lao vào nghiên cứu các phác đồ điều trị sốt xuất huyết, sốt rét và dịch tả ở các xã vùng sâu huyện Khánh Vĩnh. Làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh cho người dân các xã phía Tây huyện Khánh Vĩnh, mỗi ngày phòng khám đa khoa khu vực Khánh Lê đón hàng trăm bệnh nhân nên Hà Thúy nảy ngay ra sáng kiến huấn luyện cho gần 20 y tá, bác sĩ trong phòng khám cách tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch bệnh, sinh đẻ có kế hoạch tại chỗ cho bệnh nhân. Và, bất kể lúc nào tuyến dưới là các trạm y tế cần là các thầy thuốc túa xuống trợ giúp ngay.

Thấy tay nghề của thầy thuốc trong phòng khám được nâng cao, kỹ năng tuyên truyền, kết nối cộng đồng đã nhuần nhuyễn, Hà Thúy tiếp học và tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I năm 2015.

Những ngày đầu tháng 7/2021, theo chân bác sĩ Hà Thúy đến các buôn làng thuộc các xã Yang Ly, Sơn Thái, Cầu Bà, Liên Sang bắt bệnh cho dân, ai cũng trìu mến gọi ông là "đứa con chung của mọi nhà". Vẻ mặt rạng ngời, Hà Thúy bộc bạch: Nhiều khi mình như chiếc cầu nối vậy. Nhà này giận nhà kia gọi mình đến giảng hòa, tiện thể khám bệnh luôn. Những ngày dịch COVID-19 bùng phát, bà con đến các trạm y tế hay phòng khám được y, bác sĩ tuyên truyền rất kỹ càng. Đêm đến khi vãn bệnh nhân tôi lại động viên các y, bác sĩ trong cơ quan hãy dùng kiến thức xã hội, kiến thức y học của mình giúp bà con được càng nhiều càng tốt.

Theo đánh giá của Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh, Bác sĩ Hà Thúy là người năng lực vững vàng. Tận tụy với người dân. Là người quản lý nhưng luôn vượt khó khăn, bán trụ nơi gian khó. Đã có nhiều khen thưởng cao quý dành cho bác sĩ đồng thời ông cũng là người dân tộc tiêu biểu ở huyện Khánh Vĩnh.

Có những ngày nghỉ, ngày phép, giữa mưa gió bão bùng, Hà Thúy vẫn đến từng buôn làng để nắm bắt đời sống và hỏi từng người xem đã thấu hiểu các thông điệp phòng chống dịch bệnh, các chương trình xây dựng đời sống mới của chính quyền hay chưa.

Ông bảo, có khi sau một ngày cuốc bộ hoặc đánh vật với xe máy cũ đi các buôn rất mệt nhưng thấy mọi người hiểu ra lợi ích, quy định từ các chính sách của Nhà nước về sức khỏe, sinh sản thậm chí cả kinh tế đời sống thì mình rất hạnh phúc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Một xe cấp cứu đưa bệnh nhân (video minh họa)



Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn