Lâu nay, sản phẩm mỹ thuật truyền thống đóng góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên bản sắc và giá trị văn hóa Việt, trong đó có tranh thêu tay. Cùng mảng thủ công mỹ nghệ nên “đầu ra” của sản phẩm luôn là vấn đề nan giải, nhưng tranh thêu tay truyền thống có lý lẽ riêng để tồn tại và phát triển theo hướng chậm mà chắc.
Còn nhiều nhựa sống
Thêu tay là nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường cộng với đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nghệ nhân tranh thêu được ví như người họa sĩ vẽ tranh bằng chỉ. Mỗi bức tranh thêu là một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ đơn giản là cách lựa chọn và sắp xếp những khối chỉ màu theo đường nét sẵn mà còn trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Cùng một mẫu thêu, nhưng mỗi nghệ nhân với những cảm xúc khác nhau sẽ tạo nên những cách phối màu riêng biệt.
Sức lan tỏa của tranh thêu tay truyền thống ngày càng sâu và rộng.
Sự phát triển của nghệ thuật tranh thêu tay từ một cở sở nhỏ cách đây nhiều năm ở Đà Lạt, nay trở thành niềm tự hào của nghề thủ công truyền thống Việt Nam cho thấy những giải pháp sâu xa, căn cốt. Đó sự tôn vinh người thợ và tôn vinh những giá trị bản sắc của ngành nghề. Hiện nay, ở Công ty XQ Việt Nam (chuyên sản xuất tranh thêu) có cả một không gian dành riêng cho các nghệ nhân nghỉ ngơi và truyền nghề khi mắt mờ, tay mỏi không cầm được kim thêu. Có lẽ đó chính là nơi những tinh hoa của nghề thêu, cũng như tình yêu với nghề tổ từ bao đời đã được giữ gìn, truyền lại cho lớp người trẻ, lặng lẽ mà bền bỉ như từng mũi chỉ đường kim. Chính cảm giác được tôn vinh giá trị bản thân đã khiến hơn 2.000 người gắn bó với nơi này. Họ thêu để thể hiện khát vọng, để nói lên niềm vui nỗi buồn của mình. Sau ngần ấy năm xây dựng, tới nay kỹ thuật thêu tranh phong cảnh, đặc biệt là thêu tranh chân dung nổi 2 mặt của XQ đã đạt đến độ tinh xảo, không chỉ chinh phục du khách đến Việt Nam mà còn vươn ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Nga, Anh, Singapore.
Điều đáng mừng là tranh thêu tay truyền thống không chỉ “co cụm” tại một cơ sở mà phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, tranh thêu Quất Động (xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) cũng là một sản phẩm truyền thống được du khách trong và ngoài nước yêu chuộng. Điều đáng mừng hơn nữa là người làm nghề đang chọn cách duy trì sản phẩm truyền thống theo cách “cha truyền con nối”.
Anh Lê Văn Hưng, sinh năm 1978, tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong những nghệ nhân trẻ có tiếng hiện nay. Anh Hưng cho biết, việc tạo ra những bức tranh thêu tay đẹp đã khó nhưng việc bán ra thị trường cũng vô cùng khó khăn. Mặc dù tranh thêu tay Quất Động vẫn là sản phẩm thủ công, làm ra mất nhiều thời gian, tâm huyết nhưng giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với các sản phẩm thêu khác, chỉ vài trăm nghìn đồng cho tới một triệu đồng người mua đã được một bức tranh thêu ưng ý. Điều quan trọng trong thời điểm này là việc quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm ấy như thế nào. Anh Hưng từng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội..., đến từng cửa hàng tranh để tìm nơi tiêu thụ. Dần dần tranh thêu của anh mới được nhiều cửa hàng các tỉnh “ngó” tới...
Và niềm hy vọng
Câu chuyện tự quảng bá sản phẩm của nghệ nhân Lê Văn Hưng không chỉ mở ra nhiều hy vọng cho dòng tranh thêu tay mà còn là một gợi ý cho các nhà quản lý sản phẩm truyền thống ở nhiều địa phương. Tại Quảng Ninh, tranh thêu tay truyền thống được coi là dấu ấn của thành phố biển đối với du khách trong nước và đặc biệt là khách nước ngoài. Không chỉ dừng lại ở việc duy trì và sản xuất, nhiều buổi tọa đàm, triển lãm giới thiệu tranh thêu tay đến người dân Quảng Ninh và du khách cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá sản phẩm truyền thống với thế giới. “Điểm nhấn” đáng chú ý chính là buổi tọa đàm giới thiệu không gian trưng bày “Nghệ thuật thêu cung đình” diễn ra vào trung tuần tháng 10/2014, tại thành phố Hạ Long. Theo ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, trong thời gian tới, tranh thêu tay sẽ được đưa vào làm sản phẩm du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh.
Những buổi tọa đàm như vậy đều nhằm mục đích giới thiệu, tôn vinh giá trị nghề thủ công truyền thống tinh túy của người phụ nữ Việt nói riêng, đất nước ta nói chung. Đối với tỉnh Quảng Ninh, đó là giới thiệu về Hạ Long xưa, bảo vệ phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long. Không gian trưng bày nghệ thuật thêu cung đình gồm nữ trang được làm từ sợi chỉ, bình cổ được điêu khắc bằng chỉ, tranh thêu tay về vịnh Hạ Long, về đất nước Việt Nam... Qua đó, giới thiệu vịnh Hạ Long tới công chúng bốn phương có dịp thưởng thức ngắm nhìn vịnh Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trên bức tranh thêu nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Cũng nhờ truyền thông, sức lan tỏa của tranh thêu tay truyền thống ngày càng sâu và rộng. Chương trình giao lưu “Tình tri kỷ mùa đông” giới thiệu nghệ thuật tranh thêu tay truyền thống Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Toronto (Canada) cuối tháng 12/2014 là minh chứng cụ thể và rõ ràng. Trong chương trình, khách mời và công chúng yêu nghệ thuật cùng trao đổi, luận bàn với các nghệ sĩ, nghệ nhân XQ Việt Nam về các giá trị thẩm mỹ học của tranh thêu và xu hướng bảo tồn, phát triển của tranh thêu tay trong nền mỹ thuật Việt Nam và thế giới. Từ đó, thế giới biết rằng ở Việt Nam, nghề thêu là một ngành nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời và trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Tin chắc rằng, khi được thế giới biết đến, tôn vinh và ngưỡng mộ thì tương lai của tranh thêu truyền thống sẽ ngày một sáng lạn, vươn xa.
Quang Hưng