Tranh thêu chữ thập Món quà Xuân ý nghĩa

06-01-2014 23:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tết cổ truyền là dịp mọi người thường tặng nhau những món quà với mong muốn bước sang năm mới được bình an và đón nhiều tài lộc.

Tết cổ truyền là dịp mọi người thường tặng nhau những món quà với mong muốn bước sang năm mới được bình an và đón nhiều tài lộc. Mọi người có thể tặng nhau cây đào, cây quất, chậu hoa, lãng quả... Tuy nhiên, tìm được những món quà để lại dư âm sau Tết không dễ nếu như đó không phải là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lâu dài.  Tranh thêu chữ thập trở nên “hot” từ năm 2013 nhưng thực sự “bùng nổ” vào đúng dịp Tết Giáp Ngọ 2014, trở thành món quà năm mới sang trọng và ý nghĩa.

Tái hiện cuộc sống

Tranh thêu chữ thập được du nhập vào Việt N­am từ năm 2005, chủ yếu là dòng tranh thêu được sản xuất từ một số nước châu Á mang những nét văn hóa có sự tương đồng với Việt Nam. Trong một vài năm gần đây, xu hướng tranh thêu chữ thập nở rộ, không chỉ dành cho các nghệ nhân mà đã tiếp cận gần gũi hơn với tất cả chị em phụ nữ. Tranh thêu trở thành một người bạn thân thiện, dễ gần.

Điều đặc biệt của tranh thêu chữ thập là chỉ bằng đường kim mũi chỉ, những hoạt động của đời sống lần lượt được tái hiện một cách mềm mại, sinh động. Tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử, quê hương, hoa cỏ, phong cảnh, thú cưng... đều trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho dòng tranh này. Hành trình đến với đất nước Việt Nam đã giúp tranh thêu chữ thập sáng tạo nên những chủ đề độc đáo như tĩnh vật, biển đảo, các chủ đề dân gian, hoa sen...

Tranh thêu chữ thập là món quà đầy ý nghĩa để trao tặng nhau ngày xuân.

Món quà Tết ý nghĩa 

Dịp năm mới, trào lưu tặng

tranh thêu chữ thập trở thành chủ đề “hot” của những người yêu thích dòng nghệ thuật này. Một bức tranh do chính tay mình thêu nên không những có giá trị về kinh tế mà còn rất ý nghĩa và lưu giữ được qua nhiều năm, thậm chí lưu mãi qua nhiều thế hệ.

Bức tranh Phật Di Lặc nếu đi mua có thể là 10.000.000VNĐ, chí ít cũng là 7.000.000 VNĐ nhưng nếu tự tay thêu được thì chỉ cần bỏ ra 300.000 VNĐ, bạn sẽ sở hữu bộ kít thêu và thêm tiền làm khung tranh nữa là bạn đã có một món quà đầy ý nghĩa.

Mỗi bức tranh, mỗi chủ đề đều có ý nghĩa đặc biệt. Ví như Cây tùng mang ý nghĩa của sức khỏe và trường thọ; Mẫu đơn mang ý nghĩa về phú quý; Ngựa chính là biểu tượng của thành công; Nước là biểu tượng của tiền tài; Mặt trời chính là ánh hào quang; Một bức tranh tổng hòa những chủ thể trên lại có ý mong muốn mang lại cho gia chủ sức khỏe, thành công và phú quý, thường được gọi là Phú quý trường thọ.

Sản phẩm hay tác phẩm?

Cũng là tranh nhưng khác với tranh thêu truyền thống, tranh thêu chữ thập chỉ được gọi là “sản phẩm” chứ không phải tác phẩm hay tuyệt tác. Có lẽ tranh thêu chữ thập quá gần gũi với quần chúng, ai cũng có thể trở thành nghệ nhân và tạo nên những sản phẩm họ mong muốn, nên mọi người đều “ngầm hiểu” đó chỉ là một thú chơi mang hơi hướng nghệ thuật nhưng rất bình dân chứ không thuộc dòng hội họa đẳng cấp. Giới họa sĩ cũng không “mảy may” quan tâm đến “chất liệu” này. Tuy nhiên, không vì thế mà tranh thêu chữ thập không được đánh giá cao. Rất nhiều bảo tàng dân gian trên thế giới, nhất là ở châu Âu và châu Á còn lưu giữ được những bức tranh thêu chữ thập cổ xưa trên vải Aida. Từ công dụng trang trí cho các mặt hàng như khăn lau chén đĩa, các vật dụng làm từ vải lanh dùng trong gia đình và khăn lót ly tách, tranh thêu chữ thập đã phát triển thành những mặt hàng mang tính nghệ thuật cao được treo trang trọng trong các tư gia, địa điểm tiếp khách rất lịch sự, trang nhã.

Dù không được đánh giá cao ở góc độ thẩm mỹ hội họa nhưng dòng tranh thêu chữ thập lại “được lòng” số đông những người thưởng ngoạn nghệ thuật bình dân. Tranh thêu chữ thập hiện diện trong cuộc sống, vẻ đẹp của nó tỏa sáng bởi yếu tố gần gũi, chân thực, sinh động và giản dị.            

Ngô Việt Hưng

 


Ý kiến của bạn
Tags: