Tranh thảm: Ngậm ngùi và tiếc nuối

27-08-2013 10:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đối với những người thưởng ngoạn hội họa, tranh thảm là một khái niệm không lạ nhưng dường như...

Đối với những người thưởng ngoạn hội họa, tranh thảm là một khái niệm không lạ nhưng dường như... không có thật, thậm chí người ta không thể lý giải điều đó. Ngay cả việc phải sử dụng một công cụ tra cứu như Google thì kết quả chỉ toàn thấy chữ... “thảm họa”, tuyệt nhiên không thấy khái niệm tranh thảm Việt Nam.

Đối với những người lao động trong giới nghệ thuật, nhắc đến dòng tranh thảm thật khó tránh khỏi sự xót xa, tiếc nuối. Sự thật là dòng tranh thảm đã từng là một trong những chuyên ngành đào tạo tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Tranh thảm: Ngậm ngùi và tiếc nuối 1
 Tác phẩm tranh thảm Cội nguồn của họa sĩ Sỹ Hoàng.

Một thời, người ta đã phải đấu tranh rất nhiều để giữ lại nét quyến rũ đặc biệt của tranh thảm, nhưng dường như vô phương cứu chữa, chuyên ngành Thảm không còn hiện diện trong giáo án các trường đào tạo hội họa nữa, đúng ra thì nó không còn tồn tại trong từ điển mỹ thuật Việt Nam với một lý do vô cùng đơn giản: tranh thảm không phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết Việt Nam. Số ít thế hệ sinh viên mỹ thuật trẻ hiện nay được “nghe kể” về cái thời “ngày xửa ngày xưa”, khi tranh thảm còn “sống khỏe”, đều thể hiện sự tò mò mà tiếc nuối, nhưng thế hệ đi trước chỉ có thể giải thích rằng: Vì chúng ta sống trong khí hậu nhiệt đới ẩm nên tranh thảm không thể bảo quản được, dễ bị mốc và bám bụi...

Ngoài những thông tin trên, thật khó để biết ngày xưa các họa sĩ dùng những chất liệu gì để làm tranh thảm. Vì không thể bảo quản được nên việc tìm lại những tác phẩm tranh thảm không khác nào “đánh đố”, những tác phẩm mới thì rất hiếm. Cách đây gần 3 năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận bức tranh thảm “Chủ tịch Hồ Chí Minh” do gia đình bà Đào Thị Côi - Giám đốc Công ty Vitarus - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thành phố Kazan thuộc nước Cộng hòa Tatarstan (Liên bang Nga) trao tặng là một sự kiện vô cùng xúc động đối với cả giới hội họa Việt Nam. Đã từ rất lâu rồi họ mới được chiêm ngưỡng một bức tranh thảm giàu ý nghĩa đến thế. Bức tranh thảm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm nghệ thuật có ý tưởng, bà Côi đã biết khai thác những tinh hoa của nghệ thuật dệt thảm truyền thống của nước bạn để gửi gắm vào đó những tình cảm của mình dưới một hình thức nghệ thuật độc đáo, thể hiện niềm mong ước Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Có thể nói, giới hội họa đón nhận bức tranh thảm với tâm trạng vừa mừng vừa tủi, mừng vì tranh thảm vẫn tồn tại trong từ điển hội họa thế giới, tủi vì nhớ về công nghệ làm tranh thảm nước nhà. Bao giờ chúng ta mới tìm ra công nghệ mới để tranh thảm có thể dung hòa với điều kiện thời tiết nhiệt đới ẩm? Thật khó để trả lời câu hỏi này, mặc dù trước đó, một số họa sĩ trẻ cũng đã thể hiện sự nỗ lực trong việc lưu truyền nghề dệt thảm từ trang trí và mỹ nghệ, thậm chí còn mơ đến công nghệ phát triển tác phẩm tạo hình nghệ thuật nhằm góp phần làm phong phú và đa dạng trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình ở Việt Nam.

Thời điểm từ năm 1995-2002, họa sĩ Sỹ Hoàng đã thiết kế và cùng với 12 thợ thêu thực hiện 24 tác phẩm tranh thảm rất gần với hội họa, lấy nguồn cảm xúc sáng tạo từ hoa văn và trang phục của dân tộc thiểu số các vùng miền ở Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ tại Việt Nam. Các tác phẩm đã được lần lượt triển lãm trong nhóm họa sĩ trẻ tại Bỉ năm 1996, triển lãm cá nhân lần I năm 1999, triển lãm cá nhân lần II năm 2001 tại Sài Gòn.

Đặc biệt, tác phẩm Cội nguồn, kích thước lớn 300 x 450cm, thiết kế 120 giờ trên chương trình Paint, thực hiện 9.448 giờ công của 12 người thợ thêu, với ý tưởng thể hiện huyền sử Con Rồng cháu Tiên - Vua Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con. Nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống biển, cùng mở mang gây dựng non sông gấm vóc với rừng núi trùng điệp, đồng bằng sải cánh cò bay và biển Đông bốn mùa sóng vỗ. Tác phẩm này đã đạt Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 1998.

Nhưng kể từ đó đến nay, hầu như chưa có thêm họa sĩ trẻ nào chịu dấn thân như Sỹ Hoàng. Nói gì thì nói, làm tranh thảm trong hoàn cảnh hiện nay vẫn là “đi ngược” với quy luật tự nhiên. Chúng ta chưa tìm ra được công nghệ bảo quản dòng tranh “kén” thời tiết này, hơn nữa, nếu có công nghệ bảo quản thì cũng rất tốn kém và khó mà áp dụng kiểu “hàng loạt”. Cũng vì bó tay trước điều kiện thời tiết nên giới họa sĩ chỉ biết ngậm ngùi và tiếc nuối về một dòng tranh mềm mại, quyến rũ và đậm bản sắc!        

  Minh Sơn


Ý kiến của bạn