Nếu như 50 năm trước, sơn mài được coi là một lĩnh vực sáng tác khó khăn và đầy bí hiểm trong hội họa Việt, thì nay chất liệu này đã trở nên phổ biến, được nhiều họa sĩ trẻ ưa chuộng. Thậm chí, dòng tranh này còn được thế giới coi như là “quốc họa” của dân tộc Việt.
Lịch sử huy hoàng
Nhìn lại quá khứ, những thành tựu về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam trong thế kỷ XX đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tạo được thương hiệu riêng trên bản đồ hội họa quốc tế, thế nên không có gì lạ khi tranh sơn mài Việt thường xuyên xuất ngoại. Năm 2018, tại thành phố Melbourne (Australia) diễn ra triển lãm Tranh sơn mài và ảnh nghệ thuật Việt Nam do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Triển lãm giới thiệu 10 bức tranh sơn mài của những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam như các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An...; cùng 70 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu về những di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Không ít lần, tranh sơn mài Việt làm “tan chảy” trái tim những người yêu hội họa ở nước ngoài.
Mới đây nhất, tranh sơn mài lại có dịp trình diễn tại nước ngoài. Nằm trong chuỗi các hoạt động và sự kiện trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2019” được tổ chức từ ngày 21 đến 28/5 tại Liên bang Nga, chiều 23/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm Tranh sơn mài Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử đương đại Nga ở Thủ đô Moscow (LB Nga). Triển lãm lần này được tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật Nga cũng như bạn bè quốc tế những giá trị thẩm mỹ đặc biệt của tranh sơn mài Việt Nam cũng như cái nhìn tổng quan về chặng đường phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.
Không ít lần, tranh sơn mài Việt làm “tan chảy” trái tim những người yêu hội họa ở nước ngoài. Valdermarsvik là một thành phố xinh xắn của đất nước Thụy Điển, điều sẽ khiến du khách bất ngờ khi ghé thăm nơi đây chính là hình ảnh Việt Nam thu nhỏ. Chuyện là, họa sĩ Công Quốc Hà khi sang Thụy Điển sống với con gái, đã đau đáu một khát vọng làm sao giới thiệu cho bạn bè Thụy Điển biết được bàn tay khéo léo của người Việt và truyền thống hội họa điêu khắc thủ công mỹ nghệ Việt. Vì thế, ông đã đi tìm hiểu thị trường và đưa hội họa mỹ nghệ Việt sang Thụy Điển. Tuy không sống ở Stockholm, nhưng điều đó không làm ông nản chí. Với con mắt của người họa sĩ, phát huy đúng sở trường của mình, ông đã cùng gia đình mở những cửa hàng chuyên bán đồ mỹ nghệ cao cấp và tranh sơn mài Việt Nam. Ông cho biết, cửa hàng mỹ nghệ cũng là một cách để quảng cáo nghệ thuật Việt không thua kém nước ngoài, nên ông không nhập những hàng chợ làm xấu đi hình ảnh nghệ thuật cổ truyền và mỹ nghệ dân gian Việt để kiếm tiền nhanh như một số cửa hàng thường thấy ở châu Âu. Thay vào đó, ông chọn những mặt hàng có tính thẩm mỹ cao. Ông cho rằng, mỗi một mặt hàng phải là đại diện cho hình ảnh những bàn tay vàng nghệ nhân Việt.
Sự giao thoa giữa cũ và mới
Dễ hiểu vì sao họa sĩ Công Quốc Hà quyết tâm gìn giữ hồn phách của hội họa truyền thống Việt đến thế. Bởi nếu không giữ được hồn phách thì tranh sơn mài cũng đánh mất chính mình. Ngoài trình độ nghệ thuật, hoạ sĩ sơn mài phải có một trình độ kỹ thuật rất cao. Qua nhiều lần vẽ, hong khô, mài phẳng. Sau khi định hình tác phẩm, bức tranh được phủ lên một lớp sơn sau cùng, hong khô (ủ kín) và mài để màu sắc hiện ra. Mài xong, dùng tay xoa bột than để mặt tranh bóng dần. Thời gian thực hiện một tác phẩm có kích thước nhỏ, đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng, vài năm.
Làm tranh sơn mài rất kỳ công, nên không ít ý kiến cho rằng xuất ngoại hội họa truyền thống Việt là một con đường vô cùng gian nan. Tuy nhiên, với những khối óc sáng tạo và không ngại thay đổi, thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay đang biến ước mơ trở thành hiện thực. Nghệ thuật sơn mài hiện đại đương đại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Một số họa sĩ trẻ đã đưa các loại vỏ ốc vỏ trứng vỏ trai vào tranh để tạo ra những hiệu quả mang tính biểu hiện trừu tượng nhiều hơn là mô tả thực. Người xem nhờ đó có thể nhận diện được sự đa dạng tạo ra từ chất liệu. Nó không bị bó hẹp trong tạo hình và thể hiện. Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách nào, xu hướng nào thì thế giới hiện thực vẫn là những tác nhân quan trọng và luôn ẩn hiện trong các tác phẩm sơn mài đương đại Việt Nam.
Tranh sơn mài giá thường khá cao do sự công phu trong các kỹ thuật sử dụng chất liệu, sự biến động bất thường về hiệu quả nghệ thuật. Trong một thời gian dài, chỉ những người rất mê tranh sơn mài mới dám bỏ tiền đầu tư và sưu tập. Hiện nay, do chất liệu sơn ta dễ gây dị ứng trên da người, nên các họa sĩ đã sử dụng sơn Nhật, giá thành cũng đã rẻ hơn. Sự sang trọng của chất liệu đã đưa tranh sơn mài trở lại vị trí hàng đầu trong trang trí nội thất, được những người lớn tuổi ưa thích. Một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cũng trang trí bằng tranh sơn mài. Người sưu tập thường nghiêng về lựa chọn đề tài hơn là có sự am hiểu về tác giả. Có thể nói, sự hưởng ứng của công chúng đã dấy lên niềm hy vọng cho các họa sĩ trẻ quyết đeo đuổi dòng tranh truyền thống này.