Hà Nội

Tránh sỏi tiết niệu khi chữa loãng xương

09-10-2018 15:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chứng loãng xương rất phổ biến ở người cao tuổi và rất không may là tỷ lệ sỏi tiết niệu cũng tăng lên theo tuổi. Điều trị loãng xương (bổ sung canxi) có tăng nguy cơ gây sỏi tiết niệu tái phát hay không và cần chú ý gì để tránh tình trạng “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”?

Loãng xương là quá trình biến đổi về chất lượng và số lượng của xương dẫn đến việc xương mất đi độ vững chắc và xương trở nên rất dễ gãy cho dù chỉ với những tác động rất nhẹ, ví dụ như gãy đầu dưới 2 xương cẳng tay chỉ vì xách một xô nước nhẹ. Không nên lẫn lộn giữa chứng loãng xương với việc gãy cổ xương đùi hay gặp trong chứng mãn kinh ở phụ nữ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chẩn đoán loãng xương theo chỉ số T-score được đo bằng phương pháp DEXA nhỏ hơn hoặc bằng -2,5.

Những yếu tố nguy cơ dễ gây chứng loãng xương

Những yếu tố nguy cơ thông thường:

Bệnh thận mạn tính, suy thận nhẹ, toan chuyển hóa; Chế độ ăn nghèo canxi kéo dài; Thiếu hụt vitamin D; Cường cận giáp thứ phát; Đái đường; Chế độ ăn nhiều muối, nhiều đạm và nhiều chất cồn (rượu, bia); Người cao tuổi, lười hoạt động; Mãn kinh; Dùng thuốc lợi niệu: việc sử dụng thuốc lợi niệu ngăn cản sự hấp thu muối dẫn đến nồng độ muối trong nước tiểu luôn đậm đặc sẽ dẫn đến tình trạng tăng nồng độ canxi trong nước tiểu.

soi tiet nieuCần đi siêu âm định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm để phát hiện sớm sỏi tiết niệu.

Những yếu tố nguy cơ đặc biệt:

Ở những người có sỏi phụ thuộc canxi cần kiểm tra nồng độ canxi trong nước tiểu và những bất thường của quá trình lưu chuyển canxi (đúng ra canxi phải được đưa vào xương nhưng lại chuyển bất thường vào nước tiểu). Khi đó cần tìm nguyên nhân để điều chỉnh những bất thường đó. Chẳng hạn: Trong cường cận giáp thứ phát, cần điều chỉnh tình trạng thiếu hụt vitamin D với mục đích đạt được hơn 35ng/ml bằng cách cung cấp canxi từ 900mg đến 1.000mg/ngày; Chú ý đến lượng muối đưa vào cơ thể (không được quá nhiều); Không ăn quá nhiều đạm vì sẽ làm nồng độ canxi trong nước tiểu tăng cao.

Mối liên quan giữa tiêu xương và tạo sỏi cùng những lưu ý khi điều trị loãng xương

Rất không may là khả năng mắc sỏi tiết niệu ở nhóm tuổi trên 50 (độ tuổi thường bị loãng xương) lại tỷ lệ thuận với tuổi tác. Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Đó là vì tình trạng tiêu xương chính là sự chuyển hóa canxi từ xương vào máu rồi thải vào nước tiểu khiến cho nồng độ canxi trong nước tiểu tăng cao. Sự ứ đọng canxi trong nước tiểu dễ dàng tạo thành sỏi và đó chính là lý do sỏi tiết niệu thường là người đồng hành bất đắc dĩ với loãng xương.

Trường hợp đã có sẵn sỏi hoặc từng bị sỏi tiết niệu, điều kiện để “kết giao” với người bạn đồng hành này lại càng thuận lợi do cộng dồn các yếu tố nguy cơ với nhau. Trong trường hợp này, việc điều trị loãng xương bắt buộc phải gồm cả điều trị các nguyên nhân tạo sỏi như nhiễm trùng tiết niệu, những dị dạng bất thường giải phẫu đường tiết niệu... thì mới không rơi vào sự thể “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”.

Điều quan trọng là phải bảo đảm chắc chắn đã tìm thấy có sự liên quan giữa sỏi tiết niệu với tình trạng loãng xương. Ví dụ: Nếu như ở một phụ nữ đã mãn kinh vài năm, bắt đầu có tình trạng tăng cân và phát hiện ra có tăng canxi trong nước tiểu, đồng thời bị chứng loãng xương thông thường sau mãn kinh. Trường hợp này hoàn toàn không có nguy cơ bị sỏi do loãng xương và chỉ cần điều trị loãng xương.

Để điều trị dứt điểm tình trạng loãng xương thứ phát do tăng canxi trong nước tiểu cần khoảng 5 năm và bác sĩ sẽ quyết định khi nào ngừng điều trị.

Nếu chế độ ăn đảm bảo cung cấp đủ canxi (khoảng 1g/ngày) thì không nên uống bột canxi vì sẽ gây tăng đậm độ canxi niệu và hơn nữa sẽ làm giảm khả năng hấp thu canxi có trong thức ăn qua đường tiêu hóa. Thay vào đó, nên uống nước giàu canxi (chia đều các lần trong ngày). Quá trình điều trị loãng xương sẽ không gây sỏi tiết niệu nếu không gây tăng đậm độ canxi trong nước tiểu và uống nhiều nước cũng hạn chế việc tạo sỏi.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong quá trình điều trị loãng xương, nên uống nhiều nước mỗi ngày (2-2,5l/ngày). Lượng nước nên chia đều trong ngày, không nên uống dồn một lượng lớn cốt đủ lượng nước. Trước khi đi ngủ nếu tình trạng tiểu đêm không gây mất ngủ, nên uống một cốc nước. Thậm chí, nửa đêm tỉnh dậy đi tiểu cũng có thể uống một lượng nước nhỏ.

Mặc dù sữa là đồ uống giàu canxi, được khuyên dùng cho người loãng xương, nhưng không nên lạm dụng. Ngược lại cũng không nên lo ngại nguy cơ tạo sỏi mà bỏ thức uống này, người cao tuổi hoàn toàn có thể yên tâm với một cốc sữa một ngày.

Người đang điều trị loãng xương cần lưu ý tới các triệu chứng bất thường như đau lưng, đái ra máu, tiểu dắt, tiểu buốt… Nếu có những bất thường này nên đến ngay thầy thuốc. Tuy nhiên, quá nửa trường hợp mắc sỏi tiết niệu không có triệu chứng, vì vậy cứ 6 tháng đến 1 năm người bệnh cần đi siêu âm để phát hiện sớm sỏi.

Người bệnh sỏi tiết niệu phát hiện tình trạng loãng xương nhất thiết không nên tự điều trị, mà phải đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa. Việc chỉ định điều trị loãng xương ở những trường hợp này phụ thuộc vào từng cá thể, không thể áp dụng đơn thuốc của người này cho người khác được.


BS. Lê Sĩ Trung
Ý kiến của bạn