Một ngày trên mạng xã hội có hàng nghìn, hàng vạn thông tin và thực tế thì có không ít người chọn mạng xã hội như là kênh để cập nhật, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là nơi nhiều thông tin nhưng phần lớn lại là thông tin chưa được kiểm chứng, nhiều thông tin không chính xác, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật.
Chỉ bằng một vài thủ thuật đơn giản là có thể dễ dàng đánh lừa những người dùng mạng xã hội là mình đang sở hữu một khối tài sản lớn hay nắm giữ những thông tin động trời... Và đây cũng là một trong những chiêu trò đưa tin thất thiệt lên mạng xã hội, đặc biệt là facebook với mục đích câu like, câu view. Tuy nhiên, nhiều người đưa thông tin đã không hình dung được những tác động xấu của thông tin thất thiệt đến xã hội, cũng như những khung hình phạt của pháp luật mà họ phải gánh chịu.
Dư luận vẫn còn nhớ vụ hình ảnh các siêu xe gắn biển xanh được tán phát trên mạng xã hội facebook đã gây xôn xao dư luận đầu năm 2017, người đăng tải những bức ảnh này thì mập mờ bằng các góc chụp, cố đánh lừa người xem và hậu quả là nhiều người dân, thậm chí có cả những phóng viên chưa kiểm chứng thông tin đã vội đưa lên báo làm xôn xao dư luận. Chỉ khi cơ quan công an vào cuộc thì sự thật mới được làm rõ đó chỉ là trò đùa, những chiếc siêu xe chỉ là xe mô hình bằng nhựa. Từ sự việc này cho thấy từ một thông tin giả, cộng thêm sự hạn chế trong tư duy nghiệp vụ của một số phóng viên nên thông tin giả càng có cơ hội đến gần công chúng.
Theo các chuyên gia về luật, những thông tin giả thường gây ra tác động mạnh hơn những thông tin chính thức vì nó không phải là thông tin bình thường. Môi trường càng thuận lợi, càng nhiều thông tin thì càng gây khó khăn cho người tiếp nhận cho nên người đọc, người tiếp nhận cần phải tỉnh táo để chắt lọc thông tin xem có chính thức, có căn cứ hay không và không nên tin những thông tin trôi nổi không có nguồn gốc, thiếu căn cứ vì rất dễ có những hành động sai trái tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật.
Thông tin giả, sai sự thật xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, thậm chí ở một số bộ phận được coi là tri thức cũng có cái nhìn lệch lạc. Họ thường tìm kiếm, lợi dụng những sự kiện nóng trong xã hội rồi ngồi nhà bình luận, nâng tầm quan điểm cá nhân, tìm những góc sự thật chưa đúng của chính quyền cơ sở dù nhỏ để phóng đại vấn đề nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, câu được nhiều like cốt để có được sự nổi tiếng trên trang mạng.
Hiện nay, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới với khoảng 45 triệu người có tài khoản facebook, Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người dùng youtube cao nhất thế giới. Trong tương lai, những công cụ như mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh ưu thế thông tin, tuy nhiên vẫn có nhiều người suy nghĩ rằng không phải chịu trách nhiệm khi đưa thông tin trên những trang mạng này...
Công dân có quyền tự do ngôn luận qua các việc đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để tung tin sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc đưa thông tin bịa đặt là vi phạm pháp luật, vì thế ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành chức năng thì ý thức của người đăng và cả những người tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội cũng cần phải được nâng cao hơn nữa để tránh rơi vào bẫy mà một số kẻ xấu cố tình giăng ra.