Tránh rối loạn kali do dùng thuốc lợi tiểu

10-11-2016 16:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Rối loạn kali máu ít khi xảy ra do ăn uống mà do dùng thuốc, đặc biệt hay xảy ra ở người có di truyền rối loạn kali máu.

Trong cơ thể, kali có tỉ lệ cao trong dịch nội bào; cùng với natri, canxi tạo ra điện sinh lý hoạt động tế bào; giữ vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh - cơ; ngoài ra còn giúp điều hòa chuyển hóa glucid, protid.

Sự nguy hiểm do rối loạn kali máu

Kali thấm tương đối ít qua màng tế bào, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (80 - 90%) phần nhỏ qua phân, không dự trữ trong cơ thể như natri; có khuynh hướng thoát ra khỏi tế bào trong khi có bệnh lý (choáng bỏng rộng, chảy máu nhiều, suy thượng thận). Khi mất quá nhiều kali thì sẽ tăng natri trong tế bào, tăng bicarbonat ở dịch ngoài tế bào.

Nồng độ kali máu trung bình là 5nmol/L ( 20mg%). Tùy theo người và chế độ ăn, lượng kali dao dộng trong khoảng 3,5 - 5nmol/L; nếu < 3nmol/L được coi là giảm và > 5nmol/L được coi là tăng kali máu.

Rối loạn kali máu gây ra các tác hại nghiêm trọng trên tim mạch như: loạn nhịp, suy tim, đặc biệt khi kết hợp với loạn nhịp thất; dùng liều càng cao tần suất và độ nặng rối loạn kali máu càng lớn.

roi loan kali mauRối loạn kali máu gây ra các tác hại nghiêm trọng trên tim mạch

Cách phòng rối loạn kali máu  khi dùng thuốc

Sau đây là một số dự phòng trong một số trường hợp:

Dùng thuốc lợi tiểu đơn trị cao huyết áp:

Xưa kia, người ta cho rằng thuốc lợi tiểu làm bài tiết nước, giảm thể tích ngoại bào, thể tích huyết tương, giãn mạch thứ cấp… nên gây hạ huyết áp, do đó thường dùng với liều cao; khi dùng thuốc với liều cao như vậy sẽ làm tiết nhiều kali dẫn đến hạ kali máu. Ngày nay, người ta chứng minh được thuốc lợi tiểu gây ức chế protein vận chuyển cặp natri-clo ở ống lượn xa qua trung gian giãn mạch… nên dẫn tới hạ huyết áp, do đó chỉ dùng với liều thấp (12,5 - 25mg/ngày); dùng với liều thấp như vậy thì sẽ không gây ra tình trạng hạ kali máu.

Dùng thuốc lợi tiểu phối hợp với thuốc hạ huyết áp:

Một trong các cách là dùng thuốc lợi tiểu phối hợp với thuốc ức chế men chuyển (UCMC). Bản thân UCMC làm giảm aldosteron nên làm tăng kali máu. Nếu phối hợp UCMC với loại thuốc lợi tiểu tăng tiết kali nhẹ (thiazid) thì có thể do tác dụng bù trừ lẫn nhau mà kali máu không tăng cũng không giảm. Nếu phối hợp UCMC với loại thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (spiroolacton) thì sẽ làm tăng kali máu. Vì thế, tùy theo yêu cầu điều trị, khả năng đáp ứng dung nạp của người bệnh mà chọn sự phối hợp các thuốc và sự điều chỉnh liều lượng trong phối hợp để có thể đạt được yêu cầu hạ huyết áp mà không gây ra rối loạn kali máu. Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc không thay đổi thuốc hay thay đổi liều bất cứ một thuốc nào trong quá trình dùng.

Dùng thuốc lợi tiểu cho người suy tim:

Tùy theo thể suy tim mà thầy thuốc cho dùng các loại thuốc lợi tiểu khác nhau: trong suy tim nhẹ và vừa thường cho dùng thuốc lợi tiểu tiết kali nhẹ như thiazid. Trong suy tim cấp và mạn thường dùng loại tiết kali mạnh như furosemid. Đôi khi thầy thuốc dựa theo thể suy tim mà cho dùng phối hợp loại tiết kali nhẹ như thiazid với nhóm tiết kiệm kali như spironlacton để bù trừ lẫn nhau. Khi người suy tim đang dùng thuốc UCMC thì không được dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali  như spironolacton vì khi dùng chung như vậy sẽ làm tăng kali máu, trong khi đó lại có thể dùng thuốc lợi tiểu tiết kali nhẹ như thiazid vì chúng có khả năng bù trừ lẫn nhau. Người bệnh suy tim không nên thay đổi loại và liều lượng thuốc lợi tiểu mà thầy thuốc đã cho.

Không nên dùng chung thuốc lợi tiểu với tác nhân gây xoắn đỉnh:

Thuốc lợi tiểu có thể gây nên rối loạn kali máu. Rối loạn kali máu là cơ hội thuận lợi gây ra hiện tượng xoắn đỉnh. Không dùng chung thuốc lợi tiểu với các tác nhân gây xoắn đỉnh như: thuốc tim mạch (disopyramid, quinidi, betylium, amiodaron, vincamin), thuốc kháng sinh (erythromycin tiêm tĩnh mạch).

Thận trọng với người có di truyền rối loạn kali máu:

Với người có di truyền rối loạn hạ kali máu không nên cho dùng các loại thuốc gây hạ kali máu như thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, đồng thời trong chế độ ăn uống nên ăn thức ăn giàu kali, tránh nhiễm lạnh, tránh các hoạt động quá sức, tránh ăn quá nhiều glucid, protid. Với người có di truyền rối loạn tăng kali máu không nên cho dùng các loại thuốc gây tăng kali máu như: thuốc lợi tiểu spironolacton hay thuốc ức chế men chuyển, đồng thời trong chế độ ăn uống cần tránh loại thức ăn giàu kali.


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn