Nghệ thuật phù điêu trong những năm gần đây vẫn còn là một loại hình khá mới đối với công chúng. Dòng tranh này chưa xuất hiện nhiều như tranh thêu, chưa rộng rãi như tranh sơn dầu hay tranh sơn mài. Tuy nhiên nếu xét về mặt lịch sử hình thành và phát triển thì phù điêu lại có vị trí quan trọng trong những tác phẩm nghệ thuật hay ứng dụng nội ngoại thất trong đời sống.
Ở khu vực ĐBSCL, duy nhất họa sĩ Đỗ Năm đã sáng tác những tác phẩm khá độc đáo về “Trường ca hai cuộc kháng chiến”. Ông có nhiều tranh và phù điêu mang giá trị nghệ thuật cao, một số bức đã đoạt giải. Độc đáo hơn cả là bức phù điêu “Trường ca hai cuộc kháng chiến” gần 5 năm mới hoàn thành. Tác phẩm này mang tính hoành tráng với cảm hứng vừa hiện thực vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng mới lạ cho người xem, được tác giả khắc trên một gốc gỗ mít cao 1,7m, đường kính 0,4m, chia thành 15 tầng theo đường xoáy trôn ốc từ chân lên đỉnh một cách liên hoàn, thể hiện nhiều giai đoạn của lịch sử dân tộc trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945 với gần 1.000 nhân vật, phương tiện, vũ khí chiến đấu của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tranh phù điêu là sự lựa chọn lý tưởng để trang trí không gian sống hiện đại.
Nhờ sức lan tỏa của tác phẩm nổi tiếng này, dòng tranh phù điêu được công chúng quan tâm hơn. Nhắc đến mảng nghệ thuật này, chắc hẳn người trong giới sẽ nhớ ngay đến họa sĩ Tôn Thất Thủy.Hiện nay, ông đã có khoảng 20 tác phẩm góp mặt rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, trong đó có 2 bộ tranh đã đến Pháp và Mỹ. Hầu hết những tranh đó có được do người ta đặt hàng về làm quà tặng.
Theo họa sĩ Tôn Thất Thủy, dòng tranh phù điêu cũng có thể được gọi là tranh 3D, bởi nó được triển khai bố cục trên mặt phẳng, có khả năng kiến tạo xa gần bằng các lớp không gian và tạo nên các ảo giác về không gian (không gian ảo). Thể loại này cho phép triển khai những bố cục phức tạp như bố cục có nhiều lớp nhân vật, thậm chí thể hiện những công trình kiến trúc và tranh phong cảnh. Nó không những thể hiện những bố cục ở tường, vòm mái, ở các chi tiết kiến trúc, mà còn được sáng tác như một tác phẩm độc lập để trưng bày. Dựa trên mối quan hệ giữa hình khối và mặt phẳng nền, người ta phân biệt ra phù điêu khoét lõm (khối âm) và phù điêu nổi lên (khối dương).
Việc chế tác một sản phẩm phù điêu tương đối công phu với rất nhiều công đoạn. Quan trọng nhất là công đoạn tạo mẫu vì đó là tinh thần của sản phẩm. Phù điêu thường được tạo mẫu tỉ mỉ trên nền là đất sét, sau đó định hình sản phẩm bằng các vật liệu khác. Người tạo mẫu thường là những nghệ sĩ điêu khắc có tư duy thẩm mỹ tốt nên những sản phẩm họ tạo ra rất tinh xảo và đẹp mắt.
Nếu như hầu hết các dòng tranh khác đều gặp phải những hạn chế và khó khăn nhất định thì có thể nói, tranh phù điêu hoàn toàn tự tin... đứng ngoài cuộc. Dòng tranh này không lo “đầu ra”, ngày nay, phù điêu hay điêu khắc ứng dụng là sự lựa chọn lý tưởng để trang trí không gian sống hiện đại. Nói cách khác, các tác phẩm phù điêu và điêu khắc ứng dụng ngày nay được tạo hình nên từ rất nhiều chất liệu như: composite, xi măng, thạch cao, hay kim loại như, đồng, bạc, vàng... Hầu hết đều là những vật liệu rất bền. Điển hình như phù điêu composite, đây là vật liệu thường được ứng dụng trong công nghiệp, chống thấm chống nóng, chống ăn mòn cực tốt.
Phần lớn những loại hình trang trí nghệ thuật như tranh sơn dầu, tranh thêu, tranh gốm... khi cũ bẩn mốc rất khó vệ sinh, thường là sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của sản phẩm. Nhưng riêng với phù điêu, người chơi tranh chỉ cần dùng khăn ướt lau qua là tác phẩm lại mới nguyên như lúc đầu. Thậm chí họ có thể dùng bơm nước áp lực để vệ sinh cũng không ảnh hưởng đến độ bền của phù điêu.