Hà Nội

Tránh nhầm lẫn thuốc - Cách gì?

10-04-2018 09:11 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trên thực tế có rất nhiều thuốc do cách đặt tên, cách đọc có âm gần giống nhau..., khiến cho người dùng (cả cán bộ y tế và người bệnh) rất dễ bị nhầm lẫn.

Sự nhầm lẫn tên thuốc dẫn tới việc điều trị không đúng hoặc dùng sai cách, từ đó có thể xảy ra những tai biến nặng nề, thậm chí tử vong... Từ những nhầm lẫn trên dẫn tới dùng sai chỉ định thuốc, gây nhiều tai biến khôn lường. Điển hình như vụ cấp thuốc phá thai thay vì thuốc dưỡng thai cho thai phụ dẫn đến hỏng thai như  ở  Tiền Giang vừa qua.

Nhầm lẫn trong phần đầu và phần đuôi của tên thuốc dẫn tới dùng sai chỉ định

Một ví dụ điển hình trong nhầm lẫn phần đầu của tên thuốc là hai thuốc prospan và proscar. Prospan là thuốc có thành phần dịch chiết cao khô lá thường xuân dùng để trị ho cho cả người lớn và trẻ em (có tác dụng tiêu nhày, chống co thắt, giảm ho). Thuốc được sản xuất dưới dạng siro đóng chai và siro đóng gói 5ml/gói; Còn proscar lại có thành phần là finasteride (sản xuất dưới dạng viên nén bao phim), được dùng trị các rối loạn đường tiết niệu do phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Hai thuốc này cùng có âm đầu cùng là “pros” nhưng lại khác nhau cơ bản ở phần đuôi. Người bệnh nhiều khi chỉ nhớ phần đầu của tên thuốc rồi đi mua, trong khi người bán thuốc lại không để ý hỏi kỹ người bệnh mua để làm gì... nên rất dễ xảy ra nhầm lẫn thuốc. Thực tế đã xảy ra trường hợp: Lẽ ra ông mua thuốc ho prospan về cho cháu uống thì bị bán nhầm sang thuốc chữa bệnh phì đại tuyến tiền liệt proscar. Tương tự như vậy ergotamin (là thuốc co mạch máu ngoại vi, trị bệnh đau nửa đầu) cũng rất hay bị nhầm với ergometrin (là thuốc kích thích tử cung, có tác dụng cầm máu nên dùng phòng và trị cầm máu sau đẻ). Hai thuốc này cũng có âm đầu giống nhau là “ergo”. Hay thuốc tanakan (thuốc hỗ trợ cải thiện các triệu chứng suy giảm trí nhớ cho người lớn tuổi) dễ nhầm với tanatril (thuốc trị tăng huyết áp)...

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc là biện pháp giúp chống sai sót trong dùng thuốc.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc là biện pháp giúp chống sai sót trong dùng thuốc.

Không chỉ giống nhau ở phần đầu tên thuốc, mà nhiều thuốc còn giống nhau ở phần đuôi, như  klion chứa metronidazol là thuốc chống nhiễm khuẩn và kalion, thuốc bổ sung kali (hai thuốc này giống nhau phần đuôi là “lion”).

Hoặc có những thuốc đọc lên có âm cũng na ná giống nhau như voltarène (hoạt chất diclofenac, là thuốc chống viêm không steroid trị viêm khớp) với vogalène (hoạt chất metopimazin là thuốc chống nôn); Hay cezirnate (hoạt chất cefuroxim là thuốc kháng sinh dùng để trị nhiễm khuẩn) và cenzitax (hoạt chất cinnarizine, dùng điều trị rối loạn tiền đình, say tàu xe)...

Nhầm lẫn cách dùng thuốc và hàm lượng thuốc gây quá liều

Nhầm lẫn trong cách dùng thuốc phổ biến xảy ra với hai dạng thuốc là: Thuốc có tác dụng nhanh, ngắn (phải dùng nhiều lần trong ngày) với thuốc có tác dụng chậm, kéo dài (dùng 1 lần trong ngày, thậm chí 2-3 ngày mới dùng một lần). Ví dụ: Thuốc adalat trị tăng huyết áp. Nếu thuốc không có chữ nào sau tên thuốc là adalat thường, có tác dụng nhanh nhưng ngắn, phải uống 2-3 lần/ngày (tùy theo hàm lượng); Còn nếu adalat có các chữa “LP”, “LA”, “SR” đằng sau (Ví dụ: aadalat LP, adalat LA) thì lại là thuốc tác dụng kéo dài chỉ uống một lần trong ngày. Nếu người bệnh không được cán bộ y tế hướng dẫn kỹ càng, hoặc không nhớ, hoặc không đọc kỹ đơn thuốc của bác sĩ... sẽ dễ dùng nhầm số lần uống của thuốc tác dụng kéo dài như thuốc thường sẽ gây quá liều, ngộ độc thuốc và nguy hiểm đến tính mạng.

Do nhầm lẫn hàm lượng thuốc: Ví dụ thuốc gemcitabine trong điều trị ung thư (phổi, tụy, bàng quang) có hai loại gồm: ống tiêm 6ml (chứa 228mg gemcitabine HCl) và loại 30ml (có 1.140mg gemcitabine HCl) nhưng nhãn mác như nhau. Nếu không đọc và nghe rõ hàm lượng cần điều trị là 6ml hay 30ml cũng rất dễ xảy ra nhầm lẫn. Nếu bệnh nhân được chỉ định loại 30ml, mà nhân viên y tế sử dụng loại 6ml thì chưa đủ liều lượng thuốc, có thể bổ sung. Nhưng nếu bệnh nhân được chỉ định loại 6ml mà sử dụng loại 30ml sẽ rất nguy hiểm, bởi chưa có thuốc giải độc nếu quá liều.

Kê đơn thuốc không rõ ràng dễ gây nhầm lẫn thuốc.

Kê đơn thuốc không rõ ràng dễ gây nhầm lẫn thuốc.

Làm cách nào để tránh nhầm lẫn thuốc?

Để tránh tình trạng này, cần có sự cẩn trọng từ ba phía: bác sĩ, dược sĩ và người bệnh.

Đối với bác sĩ, cần kê đơn thuốc thật rõ ràng (từ tên thuốc, tới nồng độ/hàm lượng, liều dùng, dạng dùng (viên, gói, ống...), số lần dùng trong ngày (1 lần hay 2-3 lần) và cách dùng (uống trước ăn hay sau ăn hay trước khi đi ngủ)... nhất là đối với những thuốc cần phải chú ý đặc biệt trong cách sử dụng. Nếu kê tên biệt dược cần ghi rõ thành phần và hàm lượng của từng dược chất có trong thuốc. Việc ghi càng chi tiết, càng cụ thể thì càng tránh được sự nhầm lẫn không đáng có. Tránh viết ẩu, viết láu các thông tin trên khiến cả người bệnh và người bán thuốc nhìn không ra, dẫn tới tình trạng đọc sai tên thuốc và bán nhầm thuốc...

Đối với dược sĩ bán thuốc phải đọc cẩn thận đơn thuốc. Nếu đơn thuốc không rõ ràng, cần yêu cầu bệnh nhân hỏi lại bác sĩ mà không được suy diễn tên thuốc. Đối với những thuốc không kê đơn (OTC) cần hỏi rõ người mua (mua cho ai dùng, dùng để làm gì...).  Không vội vàng bán khi người bệnh chỉ nhớ mang máng tên thuốc, nhất là đối với người cao tuổi đi mua thuốc.

Khi dùng thuốc cho bệnh nhân tại cơ sở y tế, cán bộ y tế phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nguyên tắc về chống nhầm lẫn thuốc như: “3 tra, 5 chiếu và 5 đúng”. Cụ thể:

Nguyên tắc 3 kiểm tra: kiểm tra tên người bệnh, kiểm tra tên thuốc và kiểm tra liều dùng thuốc.

Nguyên tắc 5 đối chiếu: Đối chiếu số giường, số phòng; Đối chiếu nhãn thuốc; Đối chiếu chất lượng thuốc; Đối chiếu đường dùng thuốc và đối chiếu thời gian dùng thuốc.

Nguyên tắc 5 đúng: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian.

Đối với người bệnh: Cần phải xem kỹ đơn thuốc, khi chưa rõ cần hỏi lại bác sĩ hoặc dược sĩ (về cách dùng thuốc, số lần dùng thuốc trong ngày và số ngày dùng trong đợt điều trị...). Trước khi dùng thuốc cần dành ra ít phút để đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc. Việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để xem các thông tin trong đó có phù hợp với tình trạng bệnh của mình và đơn bác sĩ kê không, giúp người bệnh biết cách phát phát hiện và khắc phục tác dụng phụ (nếu có)... Đây cũng là một cách góp phần vào việc chống nhầm lẫn thuốc và sử dụng thuốc an toàn.


DS. Hoàng Thu Thuỷ
Ý kiến của bạn