Hà Nội

Tránh nguy cơ sỏi thận khi dùng co-trimoxazol chữa nhiễm khuẩn

24-06-2014 13:36 | Dược
google news

SKĐS - Co-trimoxazol là thuốc được dùng trị các nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp (đợt cấp của viêm phế quản mạn, viêm phổi cấp ở trẻ em, viêm xoang má cấp ở người lớn), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (lỵ trực khuẩn, thương hàn)… nhưng thuốc lại có nguy cơ gây sỏi thận.

 

Co-trimoxazol là thuốc được dùng trị các nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp (đợt cấp của viêm phế quản mạn, viêm phổi cấp ở trẻ em, viêm xoang má cấp ở người lớn), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (lỵ trực khuẩn, thương hàn)… Nhưng thuốc lại có nguy cơ gây sỏi thận (do sản phẩm acetyl hoá của sulfamid nói chung và của co-trimoxazol nói riêng khó tan sẽ lắng đọng và kết tinh thành sỏi ở thận hoặc niệu quản, gây bí tiểu tiện, đái ra máu, gây cơn đau do sỏi thận). Để tránh nguy cơ gây sỏi ở đường tiết niệu, khi dùng thuốc này cần uống nhiều nước (1 gam sulfamid kèm 0,5 lít nước) hoặc uống kèm natri hydrocarbonat để làm kiềm hoá nước tiểu, tránh sỏi thận.

Ngoài nguy cơ gây sỏi tiết niệu, thuốc có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngứa, ngoại ban... Nói chung các tác dụng không mong muốn này thường nhẹ nhưng đôi khi xảy ra hội chứng nhiễm độc da rất nặng có thể gây tử vong như hội chứng Lyell (cần theo dõi nguy cơ này trong quá trình dùng thuốc, báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp).

Thuốc có thể cản trở chuyển hóa acid folic, nên dùng thêm acid folic để khắc phục tác dụng phụ do thiếu acid folic khi dùng thuốc này (đặc biệt là đối với phụ nữ có thai) mà không làm giảm tác dụng kháng khuẩn của thuốc. Không dùng cho người bệnh được xác định thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic, mẫn cảm với thành phần của thuốc, trẻ em dưới 2 tháng tuổi, phụ nữ cho con bú (vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với tác dụng độc của thuốc). Không phơi nắng trong quá trình dùng thuốc (để tránh phản ứng mẫn cảm với ánh sáng của thuốc).

DS Hoàng Thu Thủy

 

 


Ý kiến của bạn