Tránh mắc bẫy tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo dịp cuối năm

19-12-2023 15:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Lợi dụng thời điểm cuối năm người dân gia tăng nhu cầu tiêu dùng, đi lại, các đối tượng lừa đảo thường xuyên đổi mới công nghệ, phương thức lừa đảo nhằm thu lợi bất chính.

Chở trạm thu phát sóng di động giả bằng xe máy để phát tán tin nhắn lừa đảoChở trạm thu phát sóng di động giả bằng xe máy để phát tán tin nhắn lừa đảo

SKĐS - Các lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng sử dụng xe máy chở thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Nở rộ cuộc gọi quảng cáo và tin nhắn rác dịp cuối năm

Dù việc quản lý sim chính chủ được xiết chặt, nhưng những cuộc gọi rác liên tục "dội bom" khách hàng, từ kêu gọi đầu tư chứng khoán, quảng cáo hấp dẫn, mời chào làm cộng tác viên với mô tả "việc nhẹ, lương cao" hay lừa đảo trúng thưởng... đã đặt ra câu hỏi, tại sao hàng triệu SIM không chính chủ hay chưa chuẩn hóa đã bị thu hồi và hủy, nhưng các cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo vẫn không thuyên giảm, mà thậm chí còn biến tướng tinh vi hơn.

Chị Lê Thu Hà ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây chị liên tục trở thành nạn nhân của một loạt cuộc gọi quảng cáo và tin nhắn rác. Trong đó, rất nhiều cuộc gọi chào mời sử dụng các loại dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, mua bảo hiểm; tin nhắn rác quảng cáo cho vay qua app, bán đất, các tin cá cược, chơi game, lừa đảo tuyển dụng lương cao… Theo chị Hà, việc phải nhận quá nhiều cuộc gọi rác trong ngày khiến chị phải cảnh giác hơn với số lạ. Để tránh phiền hà, nhiều cuộc gọi đến, chị đành phải tắt chuông chứ không bắt máy ngay.

Tránh mắc bẫy tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo dịp cuối năm- Ảnh 2.

Tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo lại hoành hành dịp cuối năm.

Không chỉ gọi điện quảng cáo dịch vụ, cuối năm cũng là thời điểm người dùng bị "tấn công" bởi các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Chị Lê Thanh ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, khi nhận được cuộc gọi của đối tượng mạo danh Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo có giấy triệu tập và yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra, chị bình tĩnh trả lời đầu dây bên kia "lừa đảo nhầm đối tượng rồi" thì đối tượng liền tắt máy…

Đầu tháng 12, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II đã bắt giữ đối tượng sử dụng xe máy, giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn TPHCM nhằm phát tán tin nhắn lừa đảo. Trước đó vào giữa tháng 6, Cục Tần số vô tuyến điện, Phòng An ninh bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) và Công an Hà Nội đã phát hiện và bắt quả tang các đối tượng khi chúng đang sử dụng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn rác tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, tình trạng gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng đang có tình trạng tái diễn trong thời gian gần đây. Các đối tượng này sử dụng các thiết bị chuyên dụng, giả trạm phát sóng BTS của nhà mạng, gửi các bản tin SMS đến các điện thoại nằm trong vùng phủ sóng của thiết bị. Trạm này có kích thước ngang chiếc vali, có thể phủ sóng trong khoảng 2km và gửi đi cùng lúc hàng nghìn tin nhắn. Trạm BTS giả sẽ làm nhiễu tín hiệu 3G, 4G xung quanh trạm BTS của nhà mạng, sau đó phát sóng công suất lớn, khiến thiết bị điện thoại nằm trong vùng phủ sẽ nhận được tin nhắn. Đây cũng là lý do nhiều người trong cùng một khu vực sẽ nhận được tin nhắn tương tự nhau.

Do định dạng của gói tin SMS là đơn giản và không có trường thông tin để kiểm tra lại xuất xứ của tin nhắn nên điện thoại của người dùng dễ dàng bị đánh lừa, xếp chung các tin nhắn giả với tin nhắn thật đến từ ngân hàng. Người dùng vì thế không thể phân biệt tin nhắn giả và tin nhắn thật và dễ bị mắc lừa.

Phòng tránh mắc bẫy tin nhắn lừa đảo

Trước những cách thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Người dùng phải thận trọng khi nhận được tin nhắn có nội dung yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có gắn kèm theo đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại người thân hỏi vay tiền,…

Mặt khác, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, khả nghi của tin nhắn nhận được, phát hiện người lắp đặt thiết bị điện tử lạ, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc, người dân cần thông báo kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Công an để ngăn chặn, xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ cũng vừa chính thức công bố việc đưa vào vận hành Cổng tra cứu thông tin tên miền. Thông qua hệ thống này, người sử dụng Internet có thể nhận diện, xác thực và cân nhắc các thông tin đang tiếp cận trên môi trường mạng.

Để tra cứu thông tin tên miền, người dân có thể gửi tin nhắn miễn phí theo cú pháp TCTM [Tên miền hoặc link của website] gửi tới tổng đài 156 hoặc tra cứu trực tiếp trên trang tracuutenmien.gov.vn. Thông tin trả về sẽ cho biết loại tên miền, chủ thể, tổ chức đăng ký và quản lý tên miền… Đây là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người sử dụng trong việc xác định nguồn tin trên môi trường mạng, từ đó góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Theo ông Đặng Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, lợi dụng thời điểm cuối năm người dân gia tăng nhu cầu tiêu dùng, đi lại, các đối tượng lừa đảo thường xuyên đổi mới công nghệ, phương thức lừa đảo nhằm thu lợi bất chính. Do vậy, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh ngay tới mạng viễn thông mà mình đang sử dụng, liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để yêu cầu hỗ trợ, xử lý hoặc phản ánh tới tổng đài 156 của Bộ TT&TT để kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý. 

Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà quét những thiết bị giả trạm BTS, đấu tranh, truy bắt các đối tượng sử dụng thiết bị này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý tình trạng giả trạm BTS nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc cho các mục đích xấu, khi thấy có dấu hiệu sai phạm hoặc phát hiện được các đối tượng có hành vi lắp đặt, sử dụng trạm BTS giả, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời vào cuộc xử lý.

Triệt phá ổ nhóm giả danh bác sĩ lừa đảo chiếm đoạt 75 tỷ đồngTriệt phá ổ nhóm giả danh bác sĩ lừa đảo chiếm đoạt 75 tỷ đồng

SKĐS - Công an huyện Tân Yên phối hợp cùng các phòng ban nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang vừa triệt phá thành công ổ nhóm mạo danh bác sĩ, lừa bán thực phẩm chức năng cho hàng chục nghìn người bệnh, thu lời bất chính gần 75 tỷ đồng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay 19/12: Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường, rét đậm kéo dài đến Noel


Tô Hội
Ý kiến của bạn