Tranh luận nảy lửa về “hộ chiếu vắc-xin” 

05-03-2021 10:30 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những áp lực của phục hồi nền kinh tế, sự lụi tàn của ngành du lịch toàn cầu đã khiến nhiều quốc gia phải xoay trở mọi cách nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa lui. “Hộ chiếu vắc-xin” có phải là cứu cánh là câu hỏi chưa có câu trả lời bởi nó vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến cả ủng hộ và phản đối...

Một số quốc gia thông qua “hộ chiếu vắc-xin”

Suốt hơn 1 năm qua, thế giới được “nếm” trải cảm giác phong tỏa, cách ly, giao tiếp xã hội trở thành điều hiếm thấy, con người càng khao khát trở lại cuộc sống bình thường. Hộ chiếu vắc-xin hay chứng nhận miễn dịch ra đời từ mong muốn đó. Ý tưởng “hộ chiếu vắc-xin” đã xuất hiện từ cuối năm 2020, đến nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới tìm đến cách thức này những mong trở lại cuộc sống nhộn nhịp vốn có.

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu muốn cấp một chứng chỉ được gọi là Thẻ xanh kỹ thuật số cho phép những người đã được tiêm phòng COVID-19 đi lại  tự do hơn, ít nhất là ở khu vực Liên minh châu Âu (EU), xa hơn EU hy vọng những người đã được chủng ngừa có thể ra nước ngoài để làm việc hoặc du lịch. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, kế hoạch này dự kiến được triển khai vào cuối tháng 3. Các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp, Síp, Tây Ban Nha và nhiều nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch ủng hộ kế hoạch này. Theo những người ủng hộ, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ giúp hồi sinh ngành du lịch.  Giám đốc Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học tại Đại học Oxford Melinda Mills, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 6% dân số EU được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc-xin, dự kiến có khoảng 70% dân số EU được chủng ngừa vào cuối mùa hè. Để thực hiện “hộ chiếu vắc-xin”, cần phải có một lượng lớn dân số được tiêm chủng.

Trong khi tại Mỹ, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét khả năng triển khai “hộ chiếu vắc-xin” thì ở Israel - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới - đã xúc tiến thực hiện bằng quy định những người đã tiêm phòng được đến các khách sạn, phòng tập thể thao. Để cứu ngành du lịch trong nước, Chính phủ Iceland cũng cấp “hộ chiếu vắc-xin”. Ngay cả những nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu thông qua “hộ chiếu vắc-xin”.

Những người ủng hộ “hộ chiếu vắc-xin” cho rằng, đây không chỉ là cách khuyến khích người dân đi tiêm chủng, mà còn giúp mở cửa trở lại các nền kinh tế, giúp hàng trăm triệu người đã được tiêm chủng quay trở về cuộc sống bình thường mà không cần phải lo lắng đến dịch bệnh. 


“Hộ chiếu vắc-xin” gây ra cuộc tranh cãi bất tận.

Lo ngại “hộ chiếu vắc-xin”  gây ra sự phân biệt đối xử?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có những ý kiến phản đối. Đứng đầu là Pháp, kế đến là Đức, Bỉ - các  quốc gia này lo ngại tấm hộ chiếu kia sẽ gây ra sự phân biệt đối xử giữa những người đã được tiêm chủng và người không được tiêm, chứng nhận miễn dịch vô hình chung đã  vi phạm quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đưa “hộ chiếu vắc-xin” vào cuộc sống còn khiến chủ nghĩa dân tộc leo thang, bởi các chính phủ sẽ chạy đua tiêm vắc-xin, đặt quyền lợi của công dân quốc gia mình lên trên lợi ích chung của cộng đồng toàn cầu. Nó còn làm nảy sinh một loạt các vấn đề  từ chính trị đến xã hội nếu người dân ở những nước giàu và những cộng đồng giàu có được tiêm vắc-xin trước các quốc gia khác, vô hình trung họ có nhiều “đặc quyền” hơn, thậm chí xuất hiện cả sự kỳ thị. Một trong những hệ lụy nguy hiểm của tấm hộ chiếu này là làm sâu sắc tình trạng  phân biệt chủng tộc, mất bình đẳng ngay trong những quyền của con người như quyền tự do đi lại, quyền học hành...

Giám đốc Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học tại Đại học Oxford Mill chỉ ra một thực tế rằng, “hộ chiếu vắc-xin” gây tình trạng bất bình đẳng trong xã hội bởi có những đối tượng không thể tiêm vắc-xin như  những người bị dị ứng, phụ nữ mang thai, người thiểu số ở các quốc gia trên thế giới - khả năng tiếp cận vắc-xin vô cùng thấp. Điều lo ngại nhất đối với ngành y tế là, nếu số người không được tiêm chủng cao trong các nhóm cộng đồng có nguy cơ sẽ dẫn tới lây nhiễm bệnh nhiều hơn.

“Hộ chiếu vắc-xin” còn gây lo ngại về việc bảo vệ dữ liệu (thông tin) y tế  của mỗi cá nhân như tuổi tác, dân tộc, giới tính, tiền sử bệnh... Đến thời điểm này tranh cãi về đạo đức, quyền riêng tư hay bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn chưa có hồi kết, nhưng điều chắc chắn rằng, để thông qua hộ chiếu vắc-xin mỗi quốc gia sẽ phải trải qua một chặng đường dài...

 


Nguyễn Anh
Ý kiến của bạn